Bộ đề thi tốt nghiệp THPT 2018
Đề 11:
- Phần đọc hiểu (3đ)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó
Sao ta không tròn ngay tự trong tâm?
Đất ấp ôm cho muôn hạt nảy mầm
Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng
Nếu tất cả đường đời đều trơn láng
Chắc gì ta đã nhận ra ta
Ai trong đời cũng có thể tiến xa
Nếu có khả năng tự mình đứng dậy.
Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy
Đâu chỉ dành cho một riêng ai.
(Tự sự – Lưu Quang Vũ)
Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ trong đoạn thơ
Câu 2: Cho biết tác dụng của hai biện pháp tu từ: ẩn dụ và nhân hóa được sử dụng trong hai câu thơ:
Đất ấp ôm cho muôn hạt nảy mầm
Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng
Câu 3: Vì sao tác giả lại cho rằng:
Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy
Đâu chỉ dành cho một riêng ai.
Câu 4: Thông điệp nào có ý nghĩa nhất đối với anh chị?
Phần II:
Câu 1:
Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó
Sao ta không tròn ngay tự trong tâm?
viết bài văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh chị về hai câu thơ trên.
Câu 2: Cảm nhận của anh chị về hai đoạn thơ sau:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
(Sóng – Xuân Quỳnh)
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất,
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
(Vội vàng – Xuân Diệu)
Gợi ý làm bài:
Phần I:
Câu 1: Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật (ngôn ngữ văn chương)
Câu 2: Tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa và ẩn dụ:
- Nhân hóa: tạo câu văn sinh động, gợi cảm, khiến những thứ vô tri, vô giác lại có tình cảm như con người (đất ấp ôm, chồi tìm ánh sáng)
- Ẩn dụ: “đất” là người che chở, bảo bọc; “chồi” là người được che chở, bảo bọc. Câu thơ nói lên quan hệ mật thiết của người che chở và người được che chở. Tuy nhiên, đất không thể đem ánh áng đến cho chồi, chồi phải tự mình tìm ánh sáng => đừng ỷ lại, phụ thuộc vào một ai mà phải tự lực phát triển chính bản thân mình.
Câu 3: Câu thơ có thể hiểu: hạnh phúc có ở khắp nơi, không dành cho riêng ai mà dành cho tất cả mọi người => bất cứ ai cũng có thể có được hạnh phúc, điều đó phụ thuộc vào sự nổ lực của bản thân.
Câu 4: Học sinh có thể chọn lựa những thông điệp như sau và giải thích nguyên nhân:
- Con người muốn trưởng thành hơn thì phải trải qua thử thách, muốn hạnh phúc hơn thì phải tìm kiếm, phấn đấu
- Bất cứ ai cũng được sinh ra và lớn lên từ những điều rất nhỏ, rất gắn bó và quen thuộc. Khi biết trân trọng những điều bên cạnh mình thì tự nhiên hạnh phúc sẽ tìm tới bạn.
- Cuộc đời không phải màu hồng nhưng quan trọng là cách nhìn và cách sống của bạn. Hãy cho đi và yêu thương nhiều hơn để nhận lại nhiều hơn niểm vui.
Phần II:
Câu 1: Vấn đề nghị luận: Cuộc đời có méo mó hay không là do cách nhìn nhận của mỗi người.
- Giải thích:
+ Cuộc đời: là thế giới khách quan không thể thay đổi theo ước muốn của mình
+ Tâm: giá trị phẩm chất, suy nghĩ bên trong con người, con người có thể thay đổi
+ Cuộc đời méo mó: cách nói hình tượng chỉ sự khiếm khuyết của cuộc đời
+ Tròn ngay tự trong tâm; bản thân mỗi người hoàn thiên giá trị, nhân phẩm của mình
- Hai câu thơ nhắn nhủ người đọc có thái độ sống tích cực: nếu cuộc đời không hoàn hảo như ta muốn tại sao ta không biết chấp nhận, dung hòa và tự hoàn thiện bản thân mình.
- Phân tích, chứng minh
+ Cuộc đời là thế giới khách quan, sự thay đổi của nó không phụ thuộc vào ước muốn của con người. Cuộc đời chính là xã hội, một xã hội thì chắc chắn phải có nhiều mặt: kẻ tham lam, kỉ; kẻ xấu xa, bao ngược nhưng cũng có không ít người hiền lành, nhân hậu, biết yêu thương…vì điều đó mà chúng ta đừng nên oán trách cuộc đời.
+ Việc than trách cuộc đời sẽ dần tạo thành thói quen xấu: tự tin, suy nghĩ tiêu cực, bi quan..
+ Dẫn chứng: Có rất nhiều thanh niên ra trường mà không tìm được việc, từ đó buồn phiền oán trách sự bất công của giáo dục và xã hội. Dần tạo cho họ tính thích đổ lỗi và không chịu chủ động để thay đổi làm mới mình phù hợp nhu cầu xã hội.
- Mọi người nên rèn luyện bản thân để có lối sống lành mạnh, văn minh; bớt đòi hỏi ở cuộc đời, chấp nhận những điều đơn giản, trân trọng những gì bên cạnh.
- Bình luận:
+ Mỗi người có thể thay đổi cuộc đời nếu ta thay đổi thái độ sống
+ Phê phán những người thiếu trách nhiệm, hay đổ lỗi và chê trách.
- Bài học, liên hệ bản thân:
+ Sống trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội
+ Không oán trách, suy nghĩ tiêu cực
+ Học tập và rèn luyện bản thân.
Câu 2:
Mở bài:
- Xuân Quỳnh là nhà thơ trẻ trong thời kì kháng chiến chống Mỹ, thơ bà mang tâm hồn người phụ nữ đôn hậu, tha thiết với tình yêu, cuộc đời. Sóng là bài thơ tiêu biểu được in trong tập Hoa dọc chiến hào
- Xuân Diệu là ông hoàng của thơ tình đồng thời cũng là nhà thơ mới nhất trong phong trào thơ mới. Thơ ông đẹp và lạ bởi những hình ảnh sáng tạo độc đáo và ngôn ngữ điêu luyện, giàu cảm xúc. Vội vàng được trích trong tập Thơ thơ.
Thân bài:
- Cảm nhận đoạn thơ trong bài Sóng
- “Làm sao được tan ra/ thành trăm con sóng nhỏ”: khi tình yêu đến một ngưỡng cao tràn ngập trong trái tim, người phụ nữ khao khát được sống tận cùng với nó. Câu hỏi tu từ “làm sao” là nỗi lòng khắc khoải về ước muốn được tan ra để dâng hiến, cho đi vì tình cảm là thứ càng cho đi thì càng nhận lại nhiều.
- “Giữa biển lớn tình yêu/để ngàn năm còn vỗ”: Sóng chỉ là sóng nếu nó không hòa mình giữa đại dương, tình yêu chỉ có thể hao mòn nếu giữ mãi về mình.Đó là ước muốn bất tử hóa, vĩnh cửu hóa tình yêu.
- Ta thấy một tư tưởng nhân văn trong quan niệm tình yêu của Xuân Quỳnh: Yêu là dâng hiến là hết mình cho tình yêu. Dâng hiến ở đây không thể hiểu theo nghĩa thông tục mà là niềm tin, tình yêu dành cho đối phương lúc nào cũng vẹn tròn, khác hẳn với kiểu tình cảm chia năm sẻ bảy của giới trẻ ngày nay. Tình yêu là chuyện của hai người nhưng nó không thể tách rời với cộng đồng với văn hóa.
- Đặt bài thơ trong bối cảnh đất nước đang trong cuộc chiến cam go với kẻ thù, ta thấy được tinh thần và những khát vọng muôn đời của tuổi trẻ trong thời đại ấy xem tình yêu là điều thiêng liêng, đáng quý.
- Nghệ thuật: thể thơ năm chữ đều đặn như tiếng những con sóng vỗ, nhiều phép nhân hóa, ẩn dụ, so sánh.
- Cảm nhận đoạn thơ trong bài vội vàng
- “Tôi muốn” được lặp lại 2 lần để nhấn mạnh khát vọng cháy bỏng của nhà thơ. Xuân Diệu muốn “tắt nắng”, “buộc gió”là muốn níu kéo thời gian đừng qua nhanh để còn giữ mãi mùa xuân của trời và mùa xuân của đời.
- Tác giả mượn “nắng, gió, hương, hoa” để nói lên mùa xuân tươi đẹp của thiên nhiên và tuổi xuân hữu hạn của đời người. Tất cả đều đáng yêu, đáng quý. Cuộc đời với những hoa thơm, gió mát tạo hóa đã dành sẵn cho con người, nhất là những người đang yêu, say đắm với tình yêu.
- “Hương”, “màu” là hai ẩn dụ nói về tuổi trẻ và đời người. Nhà thơ luôn ám ảnh về thời gian của tuổi trẻ so với thời gian của cuộc đời “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua/ xuân còn non nghĩa là xuân đã già”
=.> chính vì thế nhà thơ có khát vọng chiếm lấy quyền năng của tạo hóa để vũ trụ ngừng quay, thời gian ngừng trôi mà say sưa tận hưởng tuổi trẻ đời mình.
- Nghệ thuật: thể thơ ngũ ngôn, động từ mạnh “buộc, tắt”
- Điểm tương đồng, khác biệt:
- Tương đồng: thể thơ ngũ ngôn, nhịp điệu dồn dập, thể hiện khát vọng mãnh liệt, cháy bỏng của trái tim đang tha thiết yêu đương.
- Khác nhau:
+ Khát vọng của đoạn thơ Sóng là khát vọng của tình yêu lứa đôi, khát vọng đi đến tận cùng của tình yêu
+ Vội vàng thể hiện quan điểm sống: sống phải vội, phải nhanh để tận hưởng những gì tươi đẹp nhất mà cuộc đời ban tặng.