[Văn 9] Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân

[Văn 9] Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân

BÀI LÀM

          Kim Lân là nhà văn có sở trường về truyện ngắn, viết nhiều về nông thôn và người nông dân. Một trong những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Kim Lân có thể kể đến truyện ngắn Làng. Qua việc xây dựng nhân vật ông Hai, Kim Lân đã chuyển tải được tình cảm bao trùm và phổ biến trong mỗi con người Việt Nam thời kỳ kháng chiến: tình yêu quê hương, đất nước.

          Ra đời vào năm 1948, lấy bối cảnh từ cuộc tản cư trong thời kỳ kháng chiến của nhân dân Bắc Bộ, Kim lân xây dựng nhân vật ông Hai – người dân làng Chợ Dầu theo kháng chiến tản cư đến vùng tạm trú. Và trong lúc tản cư, biết bao suy tư, trăn trở về ngôi làng thân yêu của ông Hai đã được Kim Lân thể hiện trọn vẹn.

          Xây dựng nhân vật ông Hai, Kim Lân phác họa tính cách điển hình của người nông dân vùng Bắc Bộ thời ấy: nồng hậu, chất phác, thật thà, thẳng thắn… Ông đi nghe đọc báo, đi giãi bày nỗi niềm cùng những người hàng xóm về làng Chợ Dầu, về niềm tự hào trước phong trào cách mạng sôi nổi, đầy khí thế của quê hương. Ông khoe về cái phòng thông tin tuyên truyền sáng sủa, rộng rãi nhất vùng, chòi phát thanh cao bằng ngọn tre chiều chiều loa gọi cả làng đều nghe thấy. Mỗi lần nói chuyện về làng mình ông đều nói một cách say mê, đầy háo hức: “Hai con mắt ông sáng hẳn lên, cái mặt biến chuyển, hoạt động”. Do đó mà ông hăng hái tình nguyện ở lại làng chiến đấu bởi cái làng chính là ngôi máu mủ ruột rà, là nhà cửa, là đất đai, là tổ tiên cha mẹ, là đất nước thu nhỏ trong tâm hồn của ông. Thế nhưng vì hoàn cảnh gia đình, vì vợ con thơ dại mà phải tản cư, ông khổ tâm day dứt mãi vì nhớ làng, nhớ anh em đồng chí đã ở lại làng.

          Đến vùng tản cư, ngày ngày ông ra phòng thông tin để nghe đọc báo. Gọi là nghe đọc báo bởi ông không biết chữ, chỉ nghe lõm thông tin qua giọng đọc thành lời của anh chiến sĩ. Mỗi một tin thắng trận là một niềm vui hồ hởi trong lòng ông lão, đến nỗi “ruột gan ông lão cứ múa cả lên, vui quá!”, thế nhưng niềm vui ấy lại chợt vút tắt khi nghe tin làng mình – làng Chợ Dầu kiên trung, theo giặc.

Kim Lân đã đặt nhân vật chính của truyện vào một tình huống gay gắt khi nghe tin từ những người tản cư đó là ngôi làng mà ông hết lòng yêu mến, tự hào đã theo giặc. Chính tình huống ấy đã làm bộc lộ sâu sắc tình yêu làng quê và lòng yêu nước ở nhân vật ông Hai. Ông Hai yêu làng Chợ Dầu bằng một tình cảm rất đặc biệt và tình cảm ấy lại càng bộc lộ thắm thiết, nhiệt thành khi ông phải xa làng đi tản cư.

Càng tự hào về làng trước đó bao nhiêu, thì giờ đây, ông lại càng bàng hoàng, choáng váng bấy nhiêu. Khi nghe được tin “làng mình theo giặc”, ông Hai sững sờ, “cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được”. Khi trấn tĩnh lại được phần nào, ông còn cố chưa tin những người tản cư đã kể rành rọt quá, làm ông không thể không tin.Tâm trạng của ông đi từ bàng hoàng, choáng váng đến nghẹt thở rồi tủi thẹn hoang mang.

          Trong tâm trí ông từ giây phút ấy, cái tin “làng Chợ Dầu theo giặc” là một ám ảnh day dứt khôn nguôi. Nghe tiếng chửi bọn “Việt gian” ông cúi gằm mặt xuống mà đi. Về đến nhà, ông nằm vật ra giường rồi nhìn lũ con, nghẹn ngào, tủi hổ, “nước mắt ông lão cứ tràn ra”, hàng loạt câu hỏi đặt ra không lời đáp cũng chính là sự bế tắc của ông lão: “Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư?”. Ông nằm rũ trên giường, trằn trọc không sao ngủ được… ông xấu hổ đến mấy hôm không bước chân ra bên ngoài, lúc nào cũng nghe ngóng, thấp thỏm, chột dạ tưởng như người ta đang để ý, đang bàn tán. Ông sợ người ta đuổi như đuổi hủi.

          Vốn là người thích trò chuyện, chia sẻ nhưng từ khi nghe tin làng mình theo giặc, ông không còn dám gặp ai, không còn dám đi đâu. Bao nhiêu nỗi đau khổ, giằng xé, day dứt cứ chồng chất trong lòng khiến nhu cầu được giãi bày của ông càng lớn. Ông chọn cách trò chuyện với con để bày tỏ nỗi niềm của mình. Trò chuyện với con, nhưng thực chất ông đang đối thoại với chính lòng mình. Đoạn văn diễn tả rất cảm động và sinh động tâm tư sâu sắc, bền chặt chân thành của ông – một người nông dân – với quê hương, đất nước, với cách mạng và kháng chiến. Miêu tả cuộc trò chuyện này, Kim Lân đã thể hiện được nhiều nét đẹp trong tâm hồn của người nông dân lúc bấy giờ, đó là sự gắn bó sâu nặng với mảnh đất chau nhau cắt rốn, là lòng yêu nước, lòng thủy chung với cách mạng, với kháng chiến, niềm yêu kính và tin tưởng cụ Hồ: “Anh em đồng chí biết cho bố con ông, cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông. Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết, có bao giờ dám đơn sai”. Để rồi ông đi đến lựa chọn dứt khoát: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây thì phải thù”.

          Thế nhưng cũng đã có lúc ông đã định quay về làng nếu tuyệt đường không nơi nào chứa chấp. Nhưng ý nghĩ ấy vụt xuất hiện rồi lại tan biến ngay bởi “về làm gì cái làng ấy nữa. Về làng tức là chịu nô lệ cho thằng Tây”. Qua đây có thể thấy ở ông Hai, tình yêu làng quê không thể tách rời tình yêu Tổ quốc, yêu cách mạng. Đó là phẩm chất tốt đẹp đáng quý ở ông.

          Và một hôm nọ, người ta thấy ông Hai hồ hởi trở về nhà sau khi gặp người đàn ông lạ mặt. Không chỉ hồ hởi, ông còn hào phóng mua bánh kẹo về cho những đứa trẻ ở nhà. Vừa tươi cười, gặp ai cũng bảo: “Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ! Đốt nhẵn […] Láo! Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả”. Người đọc ngạc nhiên bởi ngôi nhà không chỉ là tài sản quý giá mà còn là mái ấm gia đình, là nơi thờ phụng ông bà tổ tiên, có người phải chắt chiu, dành dụm cả đời mới có được. Thế nhưng, nhà bị giặc đốt mà ông Hai lại hân hoan như ăn mừng nhà mới. Tài năng của Kim Lân là ở đấy, việc “giặc đốt nhẵn” chính là biểu tượng cho việc làng Chợ Dầu không theo giặc, làng Chợ Dầu vẫn còn rất “tinh thần”, vẫn ủng hộ cụ Hồ và ủng hộ kháng chiến. Xây dựng chi tiết này, Kim Lân đã khám phá được những vẻ đẹp mới mẻ trong tâm hồn người nông dân thời chống Pháp. Người nông dân tuy nghèo khó nhưng họ vẫn có một trái tim rất bao la, rộng lớn. Ở đó, chứa đựng tình yêu nước nồng nàn và yêu làng cháy bỏng. Chi tiết thoạt nhìn có phần mâu thuẫn nhưng lại là hợp lý trong hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ.

Miêu tả ông Hai vừa cụ thể, đầy xúc động với các diễn biến nội tâm của nhân vật thông qua cảm giác, hành động, ngôn từ v.v…  Kim Lân đã đặt nhân vật của mình vào một tình huống đầy thử thách để bộc lộ chiều sâu tâm trạng. Đặc biệt, nhà văn đã miêu tả chân thực, gây ấn tượng mạnh mẽ về sự ám ảnh day dứt trong tâm trạng ông Hai rồi vỡ òa trong niềm vui sướng vì quê hương kiên cường chống giặc. Xây dựng nhân vật ông Hai, nhà văn chú ý diễn tả ngôn ngữ nhân vật mang rõ nét cá nhân đậm chất Bắc Bộ, những từ “nắng thế này bỏ mẹ chúng nó”, “có bao giờ dám đơn sai”, hay cả câu nói sai ngữ pháp: “đều sai sự mục đích cả” của ông chính là biểu hiện của cảm xúc, của thôn quê chân chất nhưng cũng là dụng ý nghệ thuật mà tác giả gửi gắm.

Thông qua nhân vật ông Hai, tình yêu làng, yêu nước và tinh thần kháng chiến của người nông dân được thể hiện chân thực, sâu sắc, đầy cảm động. Dù phải tản cư, nhưng tình cảm ấy vẫn sục sôi, cuồn cuộn như chính tấm lòng “có bao giờ dám đơn sai” của ông và gia đình. Tác giả đã gửi gắm thông điệp rất cụ thể và rõ ràng mà giá trị hàm ẩn của nó mãi vẹn tròn đến tận hôm nay: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo giặc thì phải thù”.

3/5 - (4 votes)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →

Leave a Reply