[Văn 7] Cảm nghĩ về dòng sông quê em

[Văn 7] Cảm nghĩ về dòng sông quê em

BÀI LÀM

          Sinh ra ở vùng sông nước Cửu Long, tuổi thơ của bọn trẻ làng quê chúng tôi gắn liền với những con sông xanh mướt yên ả bên hàng dừa đung đưa trong gió. Có lẽ chính dòng sông quê hương thanh bình ấy đã chảy vào tuổi thơ tôi những ký ức khó quên để mỗi khi hồi tưởng lại, dòng sông ấy lại hiện ra như một vùng nỗi nhớ thẳm sâu.

          Khó mà kể cho những đứa trẻ thành thị hôm nay về dòng sông ngày ấy.  Gọi là con sông nhưng thực chất là một nhánh kênh đào rộng chừng chục mét, đưa nước vào từ sông lớn để cung cấp nước tưới tiêu, sinh hoạt cho cả vùng Mương Củi nghèo nàn. Người dân dùng nước từ con sông đưa vào để nấu ăn, giặt giũ, tưới tiêu, chăn nuôi, trồng trọt… nói cụ thể hơn là nguồn sống cả vùng phụ thuộc vào dòng nước ấy.

          Hai bên bờ sông, người ta trồng những cây dừa xanh rờn che bóng mát, khi thì len lỏi trong hàng cây cao vút ấy là vài cây xoài, cây bần, cây nhãn đưa tán ra tận giữa sông, để rồi mỗi khi đến mùa trái chín, khúc sông lại rợn ngợp âm thanh huyên náo của bọn trẻ chúng tôi trèo ra hái trái.

Dòng sông chính là người bạn thân thuộc, đồng hành cùng mọi hoạt động của chúng tôi. Ngày nào cũng thế, cứ sáng sớm, mẹ lại ra ngồi nhặt sau, rửa bát chuẩn bị cho bữa cơm để kịp ra đồng. Đến giữa trưa, bọn trẻ con không thèm ngủ mà ra chơi bịt mắt bắt dê trên dòng nước cạn chưa qua gối, có đứa tranh thủ đặt lợp, thả vó kiếm vài con cá sông về phụ mẹ nấu cơm. Rồi mỗi buổi chiều tà, chị lại thẩn thờ ngồi bên bờ lặng nhìn những bông lục bình bồng bềnh trôi giữa dòng nước mát, có lẽ chị đang nhớ về một câu chuyện tình đẹp đẽ nào đó giữa vùng quê nghèo thuở ấy.

          Thế rồi người ta chủ trương xây kè bờ sông vì nghe đâu phía vàm trong bị nước làm lở một vùng đất lớn. Những cây dừa, cây xoài, cây bần, cây nhãn xanh mát bất giác bị đốn hạ, trở thành củi cho vào trong lò bếp của cha. Những dãy tôn xanh, trắng dựng lên che mất dòng sông thân thuộc. Sau vài tháng, những dãy tôn được dở đi để lộ những mảng bê tông to tướng tách biệt rạch ròi giữa vùng đất phía trong và vùng nước bên ngoài. Phía bên kia con kênh, người ta làm đường lớn, đựng nhà cao, đèn bắt sáng choang chạy dọc theo bờ kè sâu tận đến cuối vàm.

Con sông khoác lên màu áo mới…

Người ta không còn ra sông để giặt giũ, ăn uống, tắm rửa vì đã có nước máy kéo đến tận nhà, mỗi buổi trưa cũng bớt ồn ào vì lũ trẻ không còn ra sông tắm như trước bởi lòng sông được vét rất sâu, chị cũng không ra sông vào mỗi buổi chiều vì những cây lục bình đã thôi trổ bông hoa tím nhạt. Nhưng buổi tối lại là thời điểm nhộn nhịp của bờ sông. Bọn trẻ chơi đùa, người lớn cũng bắt bàn, bày ghế ra bờ kè ngồi hóng gió, nhìn từ bên này bờ, những chiếc đèn soi bóng lấp lánh như những ngôi sao chạy dài trong dãy ngân hà.

Mỗi khi mùa nước nổi tràn về, những cây bông điển điển cũng chẳng còn để trổ bông hoa vàng tôi thường hái về nấu lẩu mắm. Kè dựng lên cao, nước không tràn vào trong xóm, những thửa ruộng, khu vườn cũng được thay thế mà những căn nhà cao ráo, mới tinh. Chúng tôi cũng không còn được chơi đùa như hồi trước vì nước sông không còn nâu đỏ phù sa mà đen ngòm những chất thải, có khi lại bốc mùi tanh hôi đáng sợ. Những câu hỏi khi nào con nước lớn, ròng cũng không còn thường xuyên như trước. Mỗi bận nghe câu hỏi ấy, người ta lại bảo nhau rằng “không sao, nước này không lớn để chết máy xe đâu” thay vì rầy rà không được ra sông tắm, nước lên cao nguy hiểm.

          Vùng quê chuyển mình hiện đại, cuộc sống của người dân Mương Củi quê mùa đã văn minh để xứng tầm đô thị. Những dòng sông hiền hòa vẫn lặng lờ trôi nhưng không còn náo nhiệt và xôn xao như trước. Những hàng lục bình nối đuôi nhau theo hàng dài kéo tận ngoài xa, mỗi khi sóng vỗ lại duềnh dàng như ca hát. Những ký ức tuổi thơ về dòng sông xanh mát cũng lặng lẽ vơi dần theo mỗi bận con nước lớn, ròng.

5/5 - (1 vote)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →