Văn 7: Cảm nghĩ bài Rằm Tháng Giêng của Hồ Chí Minh
Mở bài
Trong một cuộc tổng kết quân sự (1947- 1948), cuộc họp tan thì đêm đã khuya,ánh trăng sáng khiến cảnh sông núi thêm thơ mộng. Trước cảnh và tình, Hồ Chí Minh đã sáng tác bài thơ Nguyên Tiêu bằng chữ Hán . Sau đó nhà thơ Xuân Thủy dịch ra bằng thể thơ lục bát với tiêu đề Rằm tháng giêng. Bài thơ thể hiện tình cảm của Bác Hồ đối với thiên nhiên đồng thời là lòng yêu nước sâu nặng, phong thái ung dung, lạc quan của Người.
“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thuỷ, tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”
(Hồ Chí Minh)
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền
( Xuân Thủy)
Thân bài
Thơ Bác lúc nào cũng tràn ngập ánh trăng. Trăng tri kỉ nhìn qua cửa sổ để trò chuyện cùng người tù “trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”, trăng ghé vào bàn làm việc của người chiến sĩ “trăng vào cửa sổ đòi thơ”, trăng lan tỏa ánh sáng khắp bóng cây, ngọn cỏ”trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”. Trăng trong thơ của Người không chỉ đẹp mà còn sống động
“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thuỷ, tiếp xuân thiên”
(Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân)
Câu thơ đầu tiên mở ra thời gian của mùa xuân, đó là tết nguyên tiêu – tết của một mùa trăng tròn đầy. Đây là lúc trăng đẹp nhất vì nó mang hơi thở của mùa xuân và không khí vui tươi đầu năm mới. Với từ láy “lồng lộng”, tác giả đã diên tả được cái lung linh, huyền ảo của ánh trăng kết hợp với đảo ngữ “lồng lộng trăng soi” khiến người đọc say sưa trước sắc xuân tràn ngập.
Câu thơ thứ hai phải đọc cả phần phiền âm thì mới cảm nhận hết sức an tỏa của trăng. Với ba từ “xuân” được lặp lại làm toát lên thần thái của mùa xuân. Theo ánh sáng vằng vặc của trăng, xuân trải dài nối tiếp từ dòng sông, khắp mặt nước rồi đến tận bầu trời. Lúc này trời và đất như hòa thành một thông qua cái nhìn nhạy cảm, tinh tế của nhà thơ. Bác thổi hồn vào mùa xuân và ánh trăng để nó không chỉ mang vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn mang linh hồn của đất nước, dân tộc. Nhìn trăng, ta bắt gặp được nụ cười và niềm tin ở tương lai. Cuộc cách mạng đang gặt hái những thành công, rồi mùa xuân thắng lợi sẽ đến. Bằng những câu thơ có tính nhach, tính họa, Bác Hồ đã vẽ một bức tranh tuyệt đẹp, thơ mộng. Ánh trăng làm ấm lên tất cả khiến mọi vật gần nhau hơn.
Dù đang bận việc quân nhưng trong một phút giây nào đó, Bác đê tâm hồn mình hòa hợp với thiên nhiên:
“Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”
(Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền)
Câu thơ đã tái hiện hoàn cảnh mà Bác sáng tác bài thơ: sau lúc bàn việc quân, giữa đêm khuya. Hai câu thơ, một câu là công tác chính trị, một câu là khung cảnh hữu tình tưởng chừng đối lập nhau nhưng lại thống nhất với nhau. Đó chính là con người Bác, vừa mang nặng trọng trách dân tộc vừa lạc quan ung dung giữa cuộc đời. Trời mỗi lúc một khuya, trăng trở nên “bát ngát”. Xuân Thủy đa khéo dùng hình ảnh “trăng ngân đầy thuyền” để diễn tả mối giao hòa giữa con người với thiên nhiên. Trăng như tri kỉ, như nhân chứng soi sáng tâm hồn yêu nước của người chiến sĩ.
Hai câu thơ cuối, tác giả đã sử dụng nhiều hình ảnh thơ đẹp, giàu sức gợi cảm để làm nổi bật vẻ đẹp lí tưởng và phong thái ung dung của vị lãnh tụ.
Kết bài
Nguyên Tiêu (Rằm tháng giêng) đã vẽ nên một không gian xuân tràn ngập ánh trăng bằng giọng thơ nhẹ nhàng, tứ thơ uyển chuyển. Bài thơ là kết tinh của một tâm hồn nhạy cảm với thiên nhiên và lòng yêu nước sâu nặng của một vị cha già kính yêu – Hồ Chí Minh. Đọc thơ Người đủ để ta cảm nhận được tình thương yêu to lớn của Người dành cho mỗi thế hệ con người Việt
Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn
(Tố Hữu)