Bộ đề thi tốt nghiệp THPT 2018
Đề 10:
- Phần đọc hiểu (3đ)
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
“Anh dừng lại mua hoa để gửi hoa tặng mẹ qua đường bưu điện nhân ngày 8/3. Mẹ anh sống cách chỗ anh ở khoảng 300km. Khi bước ra khỏi xe, anh thấy một bé gái đang đứng khóc bên vỉa hè. Anh đến và hỏi nó sao lại khóc.
– Cháu muốn mua một bông hoa hồng để tặng mẹ cháu – nó nức nở – nhưng cháu chỉ có 75 xu trong khi giá bán hoa hồng đến 20 dola.
Anh mỉm cười và nói với nó:
– Đến đây chú sẽ mua cho cháu. Anh liền mua cho cô bé và đặt một bó hồng gửi cho mẹ anh. Xong xuôi, anh hỏi cô bé có cần đi nhờ xe về nhà không.
Nó vui mừng nhìn anh trả lời:
– Dạ, chú cho cháu đi nhờ đến nhà mẹ cháu. Nó chỉ đường cho anh lái xe đến một nghĩa trang, nơi có phần mộ vừa mới đắp. Nó chỉ vào ngôi mộ và nói:
– Đây là nhà của mẹ cháu. Nói xong, nó ân cần đặt bông hoa hồng lên mộ. Tức thì anh quay lại tiệm bán hoa hủy bỏ dịch vụ gửi hoa và mua một bó hoa hồng thật đẹp. Suốt đêm đó anh đã lái xe một mạch 300km về nhà để trao tận tay mẹ bó hoa.”
(Quà tặng cuộc sống)
Câu 1: Nội dung câu chuyện trên là gì?
Câu 2: Theo anh/chị hai nhân vật: em bé và anh thanh niên, ai là người con hiếu thảo? Vì sao
Câu 3: Tại sao người thanh niên lại hủy điện hoa để cả đêm lái xe về trao tận tay mẹ bó hoa?
Câu 4: Thông điệp mà văn bản muốn gửi lại cho chúng ta là gì?
Câu 5: Đọc xong văn bản trên, anh/chị nghĩ đến câu tục ngữ hay ca dao nào? Hãy ghi lại câu tục ngữ hay ca dao đó.
Phần II: Tập làm văn
Câu 1: Trình bày suy nghĩ của anh chị về tình mẫu tử (200 chữ)
Câu 2: Cảm nhận của anh chị về hai đoạn thơ:
Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi !
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
(Tây Tiến – Quang Dũng)
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Xớm khuya bếp lửa người thương đi về
(Việt Bắc – Tố Hữu)
Gợi ý làm bài:
Phần I:
Câu 1: Nội dung câu chuyện: Ngợi ca lòng hiếu thảo của cô bé mồ côi và rút ra bài học cho anh thanh niên và mọi người.
Câu 2: Cả hai nhân vật đều hiếu thảo chỉ là cách hiếu thảo của mỗi người khác nhau Anh thanh niên còn thiếu sót khi chưa nghĩ đến món quà lớn nhất dành cho mẹ là được gặp lại con mình. Tuy vậy, qua câu chuyện anh thanh niên cũng đã nhận ra điều đó.
Câu 3: Anh thanh niên hủy điện xe gửi hoa mà tự tay mang hoa về cho mẹ là vì anh nhận ra chính anh là niềm vui lớn nhất của mẹ. Được nhìn thấy anh, được bên cạnh anh là món quà lớn nhất đối với mẹ, đồng thời đây cũng là lúc anh thể hiện sự quan tâm, lo lắng đối với mẹ.
Câu 4: Thông điệp mà văn bản muốn gửi lại cho chúng ta là: cần yêu thương trân trọng đấng sinh thành, nhất là người mẹ đã chịu nhiều vất vả, hi sinh. Trao và tặng là cần thiết nhưng trao và tặng như thế nào mới là ý nghĩa là điều mà không phải ai cũng làm được.
Câu 5: Có thể liên hệ những câu ca dao sau:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp mật, như đường mía lau
Phần II:
Câu 1: Vấn đề nghị luận: tình mẫu tử
- Giải thích: tình mẫu tử là tình cảm giữa mẹ và con thể hiện sự gắn bó, chăm sóc, yêu thương, hi sinh của người mẹ dành cho con.
- Bình luận: Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng có vai trò quan trọng đối với mỗi người
+ Mẹ là người mang nặng, đẻ đau, là người chăm sóc, chở che, bảo vệ con
+ Mẹ là người sẵn sàng tha thứ, nhận mọi thiệt thòi để con được sống hạnh phúc
+ Tình mẫu tử cũng là truyền thống đạo đức tốt đẹp của nhân dân ta
- Vai trò của tình mẫu tử:
+ Người được mẹ yêu thương, quan tâm, có được tình mẫu tử sẽ sống trọn vẹn, hạnh phúc
+ Người không có được tình mẫu tử sẽ lạc lõng, thiệt thòi
+ Tình mẫu tử giúp chúng ta thức tỉnh khi đứng trước những cảm dỗ, sai lầm của cuộc đời.
- Trách nhiệm bản thân:
+ Ý thức và trân trọng tình cảm thiêng liêng này
+ Học tập, phấn đấu để báo đáp lại cha mẹ
+ Hiếu thảo từ những việc làm nhỏ nhất
Câu 2:
Mở bài:
- Giới thiệu khái quát bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng và Việt Bắc của Tố Hữu
- Đoạn thơ khắc họa nỗi nhớ chơi vơi của hai tác giả về cảnh và người nơi đã từng gắn bó.
Thân bài:
- Đoạn thơ Tây Tiến: Bức tranh thiên nhiên miền núi Tây Bắc qua hồi ức của tác giả
+ Hai câu đầu là nỗi nhớ da diết về Tây Tiến bắt đầu bằng hình ảnh dòng sông Mã “Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”
Tiếng gọi “Tây tiến ơi”với từ cảm thán “ơi” kết hợp từ láy “chơi vơi” vang lên như tiếng gọi người thân yêu. Câu thơ ngân dài, bồi hồi vọng ra khắp không gian và truyền sâu vào khoảng thời gian xa vắng. Hai từ “xa rồi” của câu thơ thứ nhất và “nhớ” ở câu thơ thứ hai như một tiếng thở dài nuối tiếc của tác giả về quãng thời gian đầy kỉ niệm với sông Mã và đoàn quân Tây tiến. Đằng sau tiếng thở dài ấy là cả quãng trời kỉ niệm:
+ Kỉ niệm về núi rừng miền Tây hoang sơ, hiểm trở kết hợp với hình ảnh “đoàn quân mỏi” cho thấy chặng đường hành quân của người lính nhiều gian khổ, hi sinh.
+ Hàng loạt những địa danh hẻo lánh gợi sự bí ẩn, xa xăm: Mường Lát, Sài Khao
+ Tuy nhiên cũng có lúc thiên nhiên gần gũi, thơ mộng và hiền lành: “hoa về trong đêm hơi” hình ảnh thơ lung linh gợi từ những ngọn đuốc soi đường trong những lúc hành quân.
- Đoạn thơ Việt Bắc:Nỗi nhớ đằm thắm của người cán bộ với người và thiên nhiên Việt Bắc.
+ Để nói về nỗi nhớ da diết, khó tả bằng lời, Tố Hữu đã dùng cách so sánh ví von “nhớ gì như nhớ người yêu”. Nhà thơ đã lấy thước đo là nỗi nhớ trong tình yêu để lí giải tình cảm sâu nặng của cán bộ với nhân dân.
+ Hình ảnh đẹp, lãng mạn “trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương” chỉ không gian và thời gian của hai nửa nỗi nhớ từ gần đến xa.
+ Nhớ người cũng là nhớ Việt Bắc thân thương, bình dị “bản khói cùng sương”
+ Hình ảnh ẩn dụ “bếp lửa” – gắn với những buổi chiều sum họp bên bữa cơm đoàn viên, gợi sự ấm cúng, thân tình, nồng cháy mà người chiến sĩ dành cho nhân dân cũng như nhân dân dành cho chiến sĩ.
- Nét tương đồng và khác biệt:
- Tương đồng:
+ Đều là nỗi nhớ da diết về cảnh và người của vùng núi rừng gắn bó với tác giả. Nỗi nhớ ấy có lúc đằm thắm, lúc da diết, chơi vơi không thể đặt tên.
+ Đều sử dụng những hình ảnh nghệ thuật, ngôn ngữ giản dị, giàu sức biểu cảm.
- Khác biệt:
+ Tây Tiến sử dụng các tên địa danh để thể hiện nỗi nhớ, bút pháp lãng mạn nâng tầm hiện thực, thể thơ bảy chữ
+ Việt Bắc nổi bật với thể thơ lục bát chất liệu dân gian, cảnh và người Việt Bắc được diễn tả với nhiều không gian, thời gian khác nhau.
- Nguyên nhân sự khác biệt: do hoàn cảnh sáng tác và phong cách nghệ thuật của từng nhà thơ có sự khác biệt.
+ Quang Dũng là người lính trong giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Pháp còn nhiều gian khổ
+ Việt Bắc là nhà thơ chính trị, bài thơ được sáng tác trong cuối giai đoạn kháng Pháp.
Kết bài: Đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật của hai tác phẩm