[Văn 11] Dàn ý phân tích bi kịch của nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao

[Văn 11] Dàn ý phân tích bi kịch của nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao

Mở bài:

Những tác phẩm văn học lớn, có giá trị sâu sắc mới đủ sức ảnh hưởng đến suy nghĩ, nếp sống của người đọc. Văn học VN với nhân vật Chí Phèo luôn là hình ảnh quen thuộc về số kiếp một con người giữa chế độ thực dân phong kiến. Để xây dựng thành công nhân vật Chí Phèo, Nam Cao đã tập trung khắc họa nhân vật thông qua tấn bi kịch của Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên.

Thân bài:

  1. Định nghĩa về bi kịch
  • Bi kịch là sự mâu thuẫn giữa mơ ước, khát vọng và mong muốn của con người với hiện thực cuộc sống. Trong một hoàn cảnh nhất định hay một xã hội bất công, tù túng, áp bức khiến mơ ước, nguyện vọng của nhân vật không thể thực hiện được dẫn đến nỗi đau khổ, cảnh sống bế tắc có khi là cái chết.
  • Ta đã thấy trong văn chương không ít những bi kịch xảy đến cho nhân vật: bi kịch giữa tình yêu và thù hận của Romeo và Jiuliet, bi kịch bị bán vào lầu xanh của Kiều…Với Nam Cao bi kịch sinh ra là người nhưng không được sống đúng nghĩa là một con người của Chí Phèo là bi kịch đau đớn nhất.
  1. Những bi kịch của Chí Phèo

a. Tiếng chửi – cách giao tiếp duy nhất của Chí Phèo với mọi người
Nam Cao mở đầu tác phẩm không bằng việc giới thiệu nhân vật mà đi ngay vào khắc họa hình ảnh một kẻ say đang khấp khễnh bước qua cánh cửa cuộc đời mà đi vào trang văn. “hắn vừa đi vừa chửi” hắn chửi người, chửi đời, chửi trời, chửi cả cái người đã sinh ra hắn và chửi những ai không chửi nhau với hắn. Đáp lại tiếng chửi ấy chỉ là tiếng sủa của những con chó không hiểu hắn là ai? Vậy hắn là ai?

  • Chí Phèo bị chối bỏ làm người, chính sự chối bỏ này khiến hắn không thể nào quay trở về đúng nghĩa một con người.

b. Bi kịch một đứa trẻ mồ côi

  • Sinh ra đã bị bỏ rơi trong lò gạch cũ, được bác thả lươn đem về cho bà góa mù, bà này bán Chí cho vợ chồng bác phó cối tốt bụng, nhưng chỉ ít lâu hai vợ chồng mất, Chí Phèo phải đi ở đợ cho hết nhà này đến nhà khác trong làng để kiếm miếng cơm. Chí Phèo làm thuê cho nhà Bá Kiến và bị Bá Kiến đổ tội oan vì ghen tức. Chí đi tù suốt 7,8 năm trở về làng trong nhân hình, nhân tính bị tha hóa.
  • Không nhà, không cửa, không cha, không mẹ lại không họ hàng thân thiết, kể cả người để trò chuyện cũng không.

c. Bi kịch bị tha hóa về nhân hình lẫn nhân tính

  • Nhà tù thực dân có một sự tàn phá ghê ghớm đối với con người, biến một anh nông dân lương thiện thành một con quỹ dữ. Chí phèo ra tù với bộ dạng hoàn toàn mới “cái đầu thì trọc lóc, cái mặt thì đen lại rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm…”
  • Về nhân tính: Ra tù hôm trước hôm sau hắn đã ra chợ uống rượu và ăn thịt chó, hắn xách chai đến nhà Bá Kiến rạch mặt, ăn vạ. Bị lão gian hùng dụ dỗ, hắn trở thành tay sai đắt lực chuyên đòi nợ cho nhà Bá Kiến. Cuộc sống của hắn chỉ là phá phách, cướp giật, dọa nạt, đập đầu ăn vạ và chửi đời trong cơn say triền miên
  • Cái xã hội tù túng của thực dân phong kiến đã bóp nghẹt con người, vùi dập ước mơ chính đáng của họ.

d. Mơ ước được hoàn lương và bi kịch từ chối quyền làm người

  • Thị Nở và bát cháo hành là tình cảm nhân đạo mà Nam Cao đã dành cho nhân vật của mình. Chuyện tình năm ngày hạnh phúc và bát cháo hành đã giúp Chí tỉnh giấc sau những năm tháng say triền miên. Lần đầu Chí Phèo được lo lắng, chăm sóc thật sự. Hắn cảm thấy mình có thể hòa hợp với mọi người và khao khát được là người lương thiện. Chính tình người chân thành của Thị Nở đã thổi đi lớp tro bụi giấu kín cái bản chất lương thiện của Chí Phèo.
  • Thị Nở là người nắm tay Chí Phèo để cho chí thoát khỏi bờ vực thẳm của tội ác, nhưng cũng chính Thị lại buông tay Chí ngay trên ranh giới mong manh ấy. Thị dở hơi nên nghe theo lời của bà cô già và bỏ rơi Chí Phèo. Chí tức giận, cô độc và đi đến quyết định cuối cùng- chết để được lương thiện.

e. Đoạn kết là đỉnh điểm của bi kịch mang nhiều ý nghĩa nhân văn

  • Chí Phèo định cầm dao đến nhà bà cô già nhưng lại đi đến nhà Bá Kiến, phải chăng cái hơi cháo hành đã dẫn lối những bước chân của Chí khiến hắn không thể một lần nữa quay về với kiếp con quỹ dữ. Hắn đi đòi lương thiện, một điều mà không ai có thể cho và mãi chẳng thể tìm câu trả lời khi mà con người còn bị cái xã hội tăm tối chèn ép, tha hóa.
  • “Tao muốn làm người lương thiện, ai cho tao lương thiện” câu nói cuối cùng của Chí Phèo xuất hiện trong rất ít ỏi những lời nói từ miệng hắn. Tác giả để lần đầu tiên hắn cất lên tiếng nói của một con người là đòi lương thiện.
  • Nỗi đau đớn tận cùng của con người không phải là chết mà là sống không có quyền làm một con người. Chính vì thế có thể khẳng định đây chính là bi kịch lớn nhất của Chí Phèo. Câu hỏi cứ đau đáu bao nhiêu thế hệ đã lên án cái xã hội mất nhân tính cướp đi cả điều thiêng liêng nhất của một con người.
  • Cái chết của Chí Phèo và kết cục của Bá Kiến là tiếng nói thức tỉnh cũng là tấm lòng nhân đạo của nhà văn dành cho những kiếp người thấp bé.

Kết bài:

  • Thông qua tấn bi kịch của Chí Phèo, Nam Cao muốn tố cáo hiện thực xã hội thực dân, phong kiến, đồng thời đặt niềm tin vào bản chất lương thiện của con người. Theo ông, chỉ có tình thương mới cứu rỗi con người.
  • Chúng ta thấy được một Nam Cao tài giỏi trong cách sử dụng chi tiết nghệ thuật đắc giá và phong cách viết truyện tiêu biểu của một nhà văn giàu lòng trắc ẩn.
5/5 - (2 votes)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →