[Văn 7] Cảm nghĩ về thầy cô, người đưa thế hệ trẻ cập bến tương lai (bài viết số 3)
Bài làm
Có một lần đi trên đường buổi tan tầm, tôi được nghe một bài hát, bài hát với ca từ ngọt ngào, sâu lắng, với giọng điệu tha thiết”Vẫn nhớ những khi trời mưa, vẫn chiếc áo vá sờn đôi vai…thầy vẫn đi…buồn – vui…lặng lẽ…”. Hình như, đó không còn đơn thuần là một bài hát mà là tiếng vọng về từ một nơi nào đó xa lắm…Tôi đã lắng nghe bài hát ấy một cách trọn vẹn, với một chút cảm xúc lạ, một chút cảm xúc rung động nơi lồng ngực trái. Tôi nghĩ đến những người thầy, người cô của mình – những người ngày ngày tận tụy trên bục giảng biến giấc mơ con chữ thành hiện thực, những người âm thầm cống hiến cả tuổi trẻ, cả thanh xuân của mình để đưa những chuyến đò ngang trên dòng sông tri thức…Thầy Cô không có công sinh thành nhưng có công dạy dỗ, là người cha, người mẹ thứ hai đối với mỗi người trong chúng ta…
Thầy Cô đã trở thành những hình tượng đẹp đẽ nhất, trang nghiêm nhất trong xã hội đúng với tính chất “cao quý” của nghề nghiệp. Họ, là những người kỹ sư tâm hồn thầm lặng, là những con ong chăm chỉ, cần mẫn biến trăm hoa thành mật ngọt cho đời mà không đòi hỏi được trả công. Thầy Cô – hai tiếng gọi thân thương đầy nghĩa tình những cũng không kém phần thiêng liêng, cao cả. Mỗi giai đoạn lịch sử, thầy cô giáo lại vất vả theo một kiểu khác nhau nhưng ở học vẫn có một điểm chung là ai ai cũng có lòng nhiệt huyết với nghiệp làm thầy, yêu nghề, mến trẻ, lúc nào cũng tận tụy, tận tâm, tận tình và có trách nhiệm với thế hệ tương lai của đất nước. Thầy cô vẫn ngày đêm miệt mài bên trang giáo án mong soạn ra những bài học dễ hiểu, hấp dẫn cho học sinh; vẫn ngày ngày vững bước trên bục giảng với chữ “Tâm” đặt lên đầu, giảng dạy bằng tất cả sự say mê và tấm lòng của một người mang trọng trách ươm mầm tuổi trẻ. Mặc dù đôi khi không được tổ nghiệp biệt đãi, nghề nghiệp cũng lắm lúc bạc bẽo, thăng trầm nhưng những người lái đò đặc biệt này luôn có một niềm tin mãnh liệt vào một ngày mai tươi sáng hơn, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, đất nước sẽ phát triển hơn nhờ những “vị khách” mà mình cất công đưa đón hôm nay.
Ai cũng từng có một thời ngồi trên ghế nhà trường, từng có những người thầy, người cô mà mình coi là thần tượng. Mỗi thầy cô đều sẽ để lại trong tâm trí của học trò những ấn tượng sâu sắc không ai giống ai. Riêng trong lòng tôi, người lái đò giỏi giang nhất, khéo léo nhất, tinh tế nhất chính là cô giáo Thu – một giáo viên mầm non. Tôi từng đọc một bài viết rất thú vị tranh cãi về việc “dạy con nít khó hơn hay dạy người lớn khó hơn”. Lúc ấy tôi đồng tình với suy nghĩ dạy người lớn khó hơn…nhưng giờ nghĩ lại thì không hẳn như thế! “Trẻ em như một trang giấy trắng nhà giáo dục muốn vẽ gì lên đó cũng được”. Đúng! Nhà giáo dục muốn vẽ gì lên đó cũng được, nhưng cái khó ở chỗ là làm thế nào để chọn lọc, để vẽ lên đó những điều hay, những thứ tốt đẹp?…Điều đó là một nghệ thuật, là cả một quá trình kì công, tỉ mẫn chăm từng chút một để tờ giấy không bị vấy bẩn.
Cô giáo Thu dạy tôi năm tôi vừa tròn năm tuổi – cái tuổi dở dở ương ương cần phải học cách sống nhiều hơn học chữ. Cô là một cô giáo đã lớn tuổi, cái tuổi đáng lẽ ra phải hạnh phúc bên gia đình, bên chồng con thì cô lại chọn cho mình cuộc sống độc thân và chọn niềm vui từ việc “dạy con người ta”. Vì độc thân nên hầu hết thời gian cô dồn vào việc nghiên cứu, tìm hiểu tâm lí trẻ em và học hỏi, sáng tạo ra những phương pháp dạy trẻ tốt nhất. Ngày ngày, cô đến trường bằng chiếc xe đạp đã cũ, bánh xe đã mòn nhiều trên đoạn đường mỗi ngày cô đi. Cô là một cô giáo rất hiền từ và bao dung. Cô có dáng người nhỏ nhắn và vẻ mặt lúc nào cũng toát ra một thứ sức hút khiến người đối diện không thể rời mắt. Đặc biệt, cô có giọng hát rất hay, ngọt ngào và tình cảm. Tôi khi ấy – là một đứa lầm lì, ít nói và cực kì bướng bỉnh, cứng đầu. Hiển nhiên, tôi trở thành “học sinh cá biệt” và được cô đặc biệt quan tâm.
Tôi thuận tay trái, mọi thứ tôi đều dùng tay trái để làm, ở nhà ba mẹ có la mắng, đánh đập kiểu nào tôi cũng không thể sửa đổi,…nhưng cô đã làm nên điều kì diệu…Đến lớp, tôi vẫn dùng tay trái cầm bút để tập viết và cầm kéo để cắt hoa. Cô dịu dàng từ ánh mắt đến lời nói nhắc nhở tôi đổi sang tay phải, nhưng tôi nào nghe, kiên quyết làm mọi thứ bằng tay thuận của mình. Tôi còn hư đến độ hét toáng lên giữa lớp học rằng: “Cầm tay phải con không làm được gì cả”…Nhưng chính sự dịu dàng, ân cần của cô đã khiến tôi thay đổi. Cô đặt cây bút vào tay phải của tôi, cầm tay tôi tập viết, cô lồng cái kéo vào tay tôi, cầm tay tôi cắt những bông hoa đủ màu sắc trông thật đẹp. Lạ thật! Cô không hề la mắng, không hề đánh tôi dù chỉ một roi nhưng lại khiến tôi có thể làm điều tôi nghĩ rằng không thể. Tôi thầm cảm ơn cô rất nhiều! Chính cô đã truyền cho tôi niềm tin và nghị lực sống mạnh mẽ nhất. Cô dạy tôi nhiều điều bổ ích, cô dạy tôi những con chữ i tờ đầu đời, dạy tôi yêu quê hương, yêu gia đình qua từng câu hát,…Cho đến bây giờ, dù đã lớn hơn nhưng mỗi khi có vấn đề xảy ra trong cuộc sống, cô vẫn luôn là chỗ dựa, là điểm tựa cho tôi để tôi có thể giải quyết mọi khó khăn, vượt qua mọi vấp ngã.
“Dù năm tháng vô tình trôi mãi mãi, tóc xanh bây giờ đã phai…Thầy vẫn đứng bên sân trường năm ấy, dõi theo bước em trong cuộc đời. Dẫu đến hết lá mùa thu rơi, dẫu đếm hết sao trời đêm nay…Nhưng ngàn năm, làm sao em đếm hết công ơn người thầy…”. Công ơn người Thầy không gì có thể so sánh được nhưng có bao nhiêu hành khách sang sông còn nhớ đến công lao người đưa đò? Vậy mà…không một lời hờn trách, không một câu than thở…Thầy Cô – những người lái đò đưa thế hệ trẻ cập bến tương lai vẫn đã – đang – và sẽ làm tốt trách nhiệm, nghĩa vụ, bổn phận mà nghề nghiệp đã giao phó cho mình.
“Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” (Hồ Chí Minh). Đó quả là một lời khen xứng đáng dành cho những người lái đò thầm lặng. Họ sống, cống hiến và không ngừng cho đi mà chẳng đòi hỏi phải được nhận lại. Chúng ta – những học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, hơn ai hết chúng ta phải là người thấu hiểu nhất những vất vả, lo toan của thầy cô khi chọn nghề cầm viên phấn. Vì thế, chúng ta phải cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của Thầy Cô.