Đề số 5 – Ôn tập văn tốt nghiệp THPT 2018 – Có đáp án

Bộ đề ôn thi tốt nghiệp THPT 2018

Đề 5:

Phần I: Đọc hiểu

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Người có tính khiêm tốn thường hay cho mình là kém, còn phải phấn đấu thêm, trau dồi thêm, cần được trao đổi, học hỏi nhiều thêm nữa. Người có tính khiêm tốn không bao giờ chịu chấp nhận sự thành công của cá nhân mình trong hoàn cảnh hiện tại, lúc nào cũng cho sự thành công của mình là tầm thường, không đáng kể, luôn luôn tìm cách để học hỏi thêm nữa.

Tại sao con người lại phải khiêm tốn như thế? Đó là vì cuộc đời là một cuộc đấu tranh bất tận, mà tài nghệ của mỗi cá nhân tuy là quan trọng, nhưng thật ra chỉ là những giọt nước bé nhỏ giữa đại dương bao la. Sự hiểu biết của mỗi cá nhân không thể đem so sánh với mọi người cùng chung sống với mình. Vì thế, dù tài năng đến đâu cũng luôn luôn phải học thêm, học mãi mãi.

Tóm lại, con người khiêm tốn là con người hoàn toàn biết mình, hiểu người, không tự đề cao vai trò, ca tụng chiến công của cá nhân mình cũng như không bao giờ chấp nhận một ý thức chịu thua mang nhiều mặc cảm tự ti đối với mọi người.

Khiêm tốn là một điều không thể thiếu cho những ai muốn thành công trên đường đời”.

(Trích Tinh hoa xử thế, Lâm Ngữ Đường, Ngữ văn 7, tập 2, NXB Giáo dục, 2015, tr.70-71)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên. (0,5 điểm).

Câu 2. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến sau: “Tài nghệ của mỗi cá nhân tuy là quan trọng, nhưng thật ra chỉ là những giọt nước bé nhỏ giữa đại dương bao la”. (0,5 điểm).

Câu 3.Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp liệt kê được sử dụng trong đoạn văn thứ nhất? (1,0 điểm).

Câu 4. Đoạn trích nói về lòng khiêm tốn. Điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với anh/chị? (1,0 điểm).

Phần II:

Câu 1:

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích phần Đọc- hiểu: “Khiêm tốn là một điều không thể thiếu cho những ai muốn thành công trên đường đời”.

Câu 2:  Cảm nhận của anh chị về hai đoạn thơ sau:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

   Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

   Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

   Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

(Trích Đây thôn Vĩ Dạ)

Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi !

Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

 

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

(Trích Tây Tiến)

Gợi ý làm bài

Phần I:

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2: Ý kiến trên có nghĩa: tài năng và hiểu biết của mỗi người tuy quan trọng nhưng hữu hạn giống như hạt cát trong sa mạc mênh mông, vì thế mà cần khiêm tốn và không ngừng học hỏi.

Câu 3: Biện pháp liệt kê

  • Liệt kê các biểu hiện của khiêm tốn: tự cho mình là kém, phải phấn đầu thêm, trau dồi, học hỏi thêm..
  • Tác dụng: diễn tả đầy đủ, sâu sắc những biểu hiện của lòng khiêm tốn.

Câu 4: Ý nghĩa:

  • Khiêm tốn là phẩm chất cao đẹp cần phải có ở mỗi người
  • Khiêm tốn giúp con người thành công trên đường đời.

Phần II:

Câu 1: Xác định vấn đề: khiêm tốn là yếu tố không thể thiếu của những ai muốn thành công

  • Giải thích: khiêm tốn là sự nhã nhặn, nhúng nhường, không đề cao cái tôi và thành tích của mình. Thành công là kết quả tốt sau quá trình làm việc, phấn đấu đúng mục đích, nguyện vọng, mơ ước của bản thân.
  • Khiêm tốn là điều quan trọng giúp con người thành công
  • Vì sao cần phải khiêm tốn:

+ Mỗi người có tài giỏi đến đâu cũng chỉ là một cánh chim én trên bầu trời mùa xuân, cái mình cần học hỏi còn rất nhiều, chưa bao giờ đủ.

+ Khiêm tốn là biểu hiện của người sâu sắc, sống đúng đắn, nhìn xa trông rộng.

+ Khiêm tốn giúp mọi người yêu quý mình, giúp bản thân nhận ra vị trí, giá trị của mình.

  • Bàn luận, mở rộng: khiêm tốn không đồng nghĩa với mặc cảm, tự ti
  • Kết bài: liên hệ bản thân

+ Phê phán những người tự cao, tự đại

+ Trân trọng và học lối sống khiêm tốn.

Câu 2:

Mở bài:

  • Giới thiệu khái quát về đoạn thơ và Hàn Mặc Tử, Tây Tiến và tác giả Quang Dũng
  • Điểm gặp gỡ và khác biệt giữa hai đoạn thơ

Thân bài:

  • Phân tích hai đoạn thơ:
  • Đoạn thơ Đây thôn Vĩ Dạ: cảnh ban mai của thôn Vĩ và lòng người đang tha thiết nhớ mong

+ Câu hỏi tu từ “sao anh không về chơi thôn Vĩ” là lời mời mọc pha chút trách hờn của cô gái vừa là câu hỏi tự vấn của tác giả. Đại từ nhân xưng “anh” chỉ chủ thể trữ tình kết hợp nhiều tiếng thanh bằng tạo giọng điệu nhẹ nhàng và cũng đượm nỗi buồn của thi nhân.

+ Thôn Vĩ được nhìn từ hai góc nhìn trên cao và dưới thấp: nắng lung linh nhảy múa trên những hàng cao và dưới khu vườn cây trái sum suê.

+ “Nắng” là đặc sản của miền Trung đầy nắng gió, nhưng “nắng mới lên” là ánh nắng trong trẻo, gợi cảm cũng làm ấm áp tình người nơi xứ Huế.

+ “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” cái nhìn ở khoảng cách gần và thân quen như nhìn thấy những kỉ niệm đẹp trong khu vườn ấy. “Ai” đại từ phiếm chỉ để nhắc đến gương mặt của một bóng hình xứ Huế hay những người đã từng gặp gỡ. “Mướt quá” mang sắc thái ngợi ca và cũng như tiếng reo vui của trẻ thơ, kết hợp với “xanh như ngọc” chỉ sắc thái xanh tươi, màu mỡ, sức sống tràn đầy của thiên nhiên thôn Vĩ”.

+ Con người xuất hiện giữa khung cảnh thiên nhiên nên thơ cũng thật kín đáo “lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Hình ảnh thơ đã biến cái cụ thể thành cái mơ hồ. Đằng sau lá trúc che ngang là khuôn mặt chữ điền phúc hậu, ngay thẳng – vẻ đẹp tâm hồn của con người xứ Huế.

  • Đoạn thơ tả cảnh đẹp hữu tình của thôn Vĩ lúc hừng đông cũng là tâm hồn nhạy cảm, yêu đời, yêu người nhưng luôn day dứt của tác giả.
  • Đoạn thơ Tây Tiến: Bức tranh thiên nhiên miền núi Tây Bắc qua hồi ức của tác giả

+ Hai câu đầu là nỗi nhớ da diết về Tây Tiến bắt đầu bằng hình ảnh dòng sông Mã “Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi!

            Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”

Tiếng gọi “Tây tiến ơi”với từ cảm thán “ơi” kết hợp từ láy “chơi vơi” vang lên như tiếng gọi người thân yêu. Câu thơ ngân dài, bồi hồi vọng ra khắp không gian và truyền sâu vào khoảng thời gian xa vắng. Hai từ “xa rồi” của câu thơ thứ nhất và “nhớ” ở câu thơ thứ hai như một tiếng thở dài nuối tiếc của tác giả về quãng thời gian đầy kỉ niệm với sông Mã và đoàn quân Tây tiến. Đằng sau tiếng thở dài ấy là cả quãng trời kỉ niệm:

+ Kỉ niệm về núi rừng miền Tây hoang sơ, hiểm trở: núi non trùng điệp hiểm trở, vực sâu thăm thẳm, cồn mây heo hút, mưa rừng mù mịt…kết hợp với âm thanh hoang vắng, ghê rợn của hùm, beo “thác gầm thét, cọp trêu người”

+ Hàng loạt những địa danh hẻo lánh gợi sự bí ẩn, xa xăm, dữ dằn: Mường Lát, Mường Hịch, Sài Khao, Pha Luông

+ Tuy nhiên cũng có lúc thiên nhiên gần gũi, thơ mộng và hiền lành: “hoa về trong đêm hơi” hình ảnh thơ lung linh gợi từ những ngọn đuốc soi đường trong những lúc hành quân. “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” câu thơ toàn thanh bằng như một tiếng thở phảo nhẹ nhõm. Câu thơ  vẽ nên bức tranh lãng mạn trong màn mưa mờ đục ẩn hiện nhà ai thấp thoáng gơi cảm giác bình yên cho những người lính.

  • Bức tranh thiên nhiên hoang dã đậm chất núi rừng kì bí, gợi về quãng đường nguy hiểm, vất vả mà người lính Tây Tiến phải trải qua.
  • Sự tương đồng và khác biệt giữa hai đoạn thơ
  • Tương đồng: thể thơ 7 chữ hiện đại; cảnh người và thiên nhiên hiện lên trong nỗi nhớ da diết và sự hồi tưởng của nhà thơ.
  • Khác biệt:

+ Đây thôn Vĩ Dạ: Hồi ức về cảnh và người của thôn Vĩ với những nét đặc trưng mang nặng tâm tình, ước mong, khao khát của nhà thơ trước cuộc đời.

+ Tây Tiến: nỗi nhớ da diết về miền núi đồi Tây bắc hoang sơ, hùng vĩ, hiểm trở nhưng cũng có lúc thơ mộng. Đồng thời đó cũng là tình cảm gắn bó của người lính với đồng đội, cách mạng, vẽ nên một trang lịch sử hào hùng của dân tộc.

Kết bài: Đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật của hai đoạn thơ.

5/5 - (1 vote)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →