Ôn Tập văn bản Truyện Kí Việt Nam học kỳ I – văn lớp 8

I. Ôn tập Văn bản truyện, kí Việt Nam- học kỳ 1 – văn lớp 8

1.1. Truyện ngắn “Tôi đi học” – Thanh Tịnh:  

– Phương thức biểu đạt: Tự sự, biểu cảm, miêu tả (tự sự là phương thức chính).

– Chủ đề: Tác phẩm kể về kỉ niệm khó quên trong đời vào buổi sáng ngày đầu tiên đến trường.

– Nghệ thuật: Kết hợp tự sự và các yếu tố miêu tả, biểu cảm đồng thời sử dụng những từ ngữ, hình ảnh mang đậm tính gợi hình, gợi cảm.

– Nội dung chính: “Tôi đi học” là truyện ngắn thể hiện những cảm nhận tinh tế của tuổi học trò trong ngày đầu tiên đến lớp. Kỷ niệm đó trở thành một ký ức đẹp lưu giữ trong tim của những ai từng cắp sách đến trường. Thanh Tịnh đã tái hiện những cảm xúc ấy bằng những câu văn tự sự mượt mà, đầy tình cảm. Song song đó, người đọc còn thấy được cách thức miêu tả độc đáo thông qua những hình ảnh so sánh đầy tính tạo hình.

 

1.2. Đoạn trích “Trong lòng mẹ” – Nguyên Hồng (trích Hồi kí tự truyện “Những ngày thơ ấu”): 

– Phương thức biểu đạt: Tự sự kết hợp biểu cảm, miêu tả.

– Chủ đề: Tình yêu thương của bé Hồng dành cho mẹ và những nỗi tủi nhục, đau đớn mà chú bé ngây thơ phải chịu đựng trong những ngày không có mẹ kề bên.

– Nghệ thuật: Kết hợp tinh tế giữa tự sự và trữ tình đồng thời thành công ở việc ây dựng kết cốt truyện độc đáo, tình huống hấp dẫn.

– Nội dung chính: Đoạn trích “Trong lòng mẹ”, trích hồi ký “Những ngày thơ ấu”, đã tái hiện tuổi thơ cay đắng của Nguyên Hồng. Qua đoạn trích, người đọc có thể thấy được những chân thành, tha thiết của tình mẫu tử. Từ cảnh ngộ và tâm sự của chú bé Hồng, tác giả còn cho thấy bộ mặt lạnh lùng của một xã hội kim tiền, cổ hủ, nhỏ nhen, độc ác.

1.3. Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” – Ngô Tất Tố (trích tiểu thuyết “Tắt đèn”)

– Phương thức biểu đạt: Tự sự kết hợp biểu cảm, miêu tả.

– Chủ đề: Phản ánh hiện thực xã hội với sự áp bức của thực dân, phong kiến đồng thời đề cao phẩm chất cao đẹp và sức mạnh của người nông dân nghèo khổ.

– Nghệ thuật: xây dựng tình huống truyện gay cấn, kịch tính cùng hệ thống nhân vật đối lập, tương phản, mang đặc điểm riêng, phù hợp với tạo hình. Qua đó thể hiện được giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực sâu sắc.

– Nội dung chính: Bút pháp hiện thực của Ngô Tất Tố đã vạch trần bộ mặt tàn ác, bất nhân của xã hội đương thời và tình cảnh khốn cùng của người nông dân trong thời kỳ đen tối ấy. Người đọc có thể cảm nhận được quy luật tất yếu của xã hội, một khi có áp bức tức là có đấu tranh, dù sự đấu tranh chỉ diễn ra bằng phản kháng đơn thuần. Đồng thời, tác giả cũng xây dựng nhân vật chị Dậu – người phụ nữ thương chồng, yêu con với vẻ đẹp tâm hồn cao thượng và sức sống tiềm tàng cố hữu của người nông dân.

1.4. Truyện ngắn “Lão Hạc” – Nam Cao

– Phương thức biểu đạt: Tự sự kết hợp biểu cảm, miêu tả.

– Chủ đề: Tình cảnh khốn cùng và nhân cách cao quý của người nông dân và tấm lòng nhân đạo sâu sắc của tác giả dành cho những người nông dân nghèo khổ.

– Nghệ thuật: Khắc họa nhân vật tự nhiên, ngôn ngữ chân thật, hành động rõ ràng. Cách kể chuyện hấp dẫn, kết hợp tự sự với triết lí, trữ tình.

– Nội dung chính: Nam Cao đã khắc họa nhân vật Lão Hạc với những nỗi khốn khổ của người nông dân trước Cách mạng Tháng Tám, đó là những con người bần cùng, bị bốc lột đến vực sâu xã hội. Đau đớn hơn trong thời kỳ ấy, người nông dân chỉ có thể tìm đến cái chết mới có thể giữ gìn phẩm giá của mình. Khắc họa nội tâm nhân vật với những đớn đau, dằn vặt, Nam Cao đã thể hiện sự cảm thông, thương yêu và trân trọng những kiếp người nhỏ bé trong xã hội bạo tàn. Tất cả đã thể hiện được giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo và tài năng độc đáo của tác giả.

5/5 - (1 vote)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →

Leave a Reply