Thân phận người phụ nữ qua Vợ nhặt và Vợ chồng A Phủ

Đề: Từ cuộc đời của các nhân vật phụ nữ qua hai tác phẩm :Vợ nhặt và Vợ chồng A Phủ, anh chị hãy nêu suy nghĩ về thân phận người phụ nữ xưa và nay.

Gợi ý làm bài

Mở bài: “Thân em như trái bần trôi/ gió dập sống dồi biết tấp vào đâu”

Từ lâu, thân phận người phụ nữ nhỏ bé, hèn mọn đã đi vào văn học dân gian bằng những hình ảnh gần gũi đến lay động lòng người. Khi bước vào trang văn của Kim Lân, Tô Hoài thì người phụ nữ được cá thể hóa với hình dáng, tính cách và số phận riêng. Tuy Vợ Nhặt và Vợ Chồng A Phủ được sáng tác trong những bối cảnh khác nhau và dụng ý nghệ thuật không giống nhau nhưng nhìn chung hai bức tranh hiện thực này đều là những ám ảnh về thân phận người phụ nữ trước CM tháng tám, đồng thời cũng bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn ở họ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Thân bài:

  • Cuộc đời của nhân vật nữ qua tác phẩm Vợ Nhặt:
  • Người vợ nhặt:

+ Một người đàn bà không nguồn gốc, không rõ quê quán, gia đình cũng không có lấy một cái tên. Thị cùng với những người đàn bà khác ngồi ở cửa nhà khi tỉnh để đợi nhặt những hạt thóc rơi vãi và chờ người ta ai có việc thì gọi đến làm. Ngoại hình Thị được tả bằng chi tiết “hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đĩa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Cái đói cùng cực đã khiến thị trở nên chao chát, chỏng lỏn và chẳng giữ gìn ý tứ “thị ngồi sà xuống ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì”

+ Tuy nhiên khi về nhà chồng, Thị thay đổi hẳn đi, Thị bộc lộ những phẩm chất đáng quý ở người phụ nữ: Người phụ nữ có lòng ham sống, khát vọng sống mãnh liệt. Nhờ lòng ham sống mà Thị tìm thấy bến đậu của mình, tuy đó không phải nơi lý tưởng nhưng cũng chan chứa tình người. Thị làm nên sự thay đổi kì diệu cho cuộc sống của xóm ngụ cư, thổi vào đấy một luồng sinh khí khiến những người nơi đây như vui tươi, phấn chấn hẳn lên.Người phụ nữ hiền thục, vợ hiền dâu thảo, biết lo toan, vun vén cho gia đình. Thị đã thẹn thùng, ý tứ, lễ phép: “Thị ngượng ngịu, chân nọ bước díu cả chân kia”, “ngồi mớm xuống mép giường”, “Thị cất tiếng chào lần nữa: U đã về ạ”.Sáng hôm sau về nhà chồng, Thị trở thành người vợ đảm đang cùng mẹ chồng thu dọn nhà cửa, nấu cơm cho cả gia đình: “vợ hắn quét lại cái sân”, “người đàn bà lẳng lặng đi vào trong bếp”. Người phụ nữ hiểu chuyện, biết điều: Thị hiểu, cảm thông và chấp nhận hoàn cảnh gia đình của Tràng thông qua các chi tiết: “Thị nén tiếng thở dài” khi nhìn thấy cảnh nhà rách rưới của Tràng; trong bữa ăn khi đón lấy bát cháo từ tay mẹ chồng “Thị điềm nhiên và vào miệng”.Thị là người mang đến những tin tức mới như chuyện người đói phá kho thóc Nhật, họ không đóng thuế nữa…

Bà cụ Tứ: Điển hình cho người mẹ nghèo nông thôn phải chịu nhiều cay đắng, tủi nhục của cuộc đời dài dằng dặc. Bà thương con mình và thương cả đứa con dâu bất ngờ kia. Lòng người mẹ nghèo quặn thắt những buồn vui, lo lắng, tủi nhục, xót xa cho cảnh con trai mình có vợ. Hình tượng người mẹ nghèo này làm ấm lại trang văn của tác giả, khiến cho người đọc rơi nước mắt và cũng khiến cho họ cảm thấy cuộc đời còn niềm vui, niềm hi vọng dù ở bất cứ tình huống nào.

  • Bà cụ Tứ ngời lên phầm chất của một người mẹ nông dân: hiền lành, thương yêu con hết lòng, sống vị tha, nhân hậu, con người hiểu lẽ đời, luôn có niềm tin ở tương lai
  • Cuộc đời của nhân vật Mị qua Vợ chồng A Phủ
  • Mị là cô gái Mèo trẻ đẹp, thổi sáo hay, lao động giỏi, hiếu thảo. Vì thiếu nợ gia đình Thống lí nên Mị bị bắt về làm con dâu gạt nợ nhưng thực chất cuộc sống của Mị chẳng khác nào nô lệ. Mị bị đối xử tàn tệ, phải làm lụng vất vả quanh năm còn thua kiếp ngựa trâu “con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãy chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày”. Mị còn bị A Sử đánh đập tàn nhẫn và sống như một tù nhân trong căn buồng tối tăm, chật hẹp. Không chỉ vậy Mị còn bị hủ tục cúng trình ma kìm hãm khiến Mị chẳng dám nghĩ đến việc giải thoát khỏi nơi ấy. Cuộc sống mòn bế tắc khiến Mị vô tri, vô giác.
  • Tuy nhiên, bên trong con người tưởng chừng tê liệt ấy là sức sống tiềm tàng, khát vọng tự do và những phẩm chất đáng quý được Tô Hoài khắc họa qua diễn biến tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân và hành động cắt dây trói cho A Phủ.

+ Đêm tình mùa xuân: tâm hồn Mị được mở cửa nhờ những tác động từ bên ngoài đặc biệt là tiếng sáo gọi bạn tình văng vẳng. Tiếng sao và men rượu làm Mị nhớ lại quá khứ, Mị hồi sinh trong tâm tưởng và có những hành động được sống với chính Mị ngày xưa. Mị đã ý thức về cuộc sống đau khổ của bản thân và lo sợ xem mình đang sống hay chết, có nghĩa là Mị vẫn còn ham sống.

+ Hành động cắt dây trói: Mị đan xen giữa những lo lắng, oán hận về tội ác của cha con Thống Lí nhưng cũng thương cảm trước hoàn cảnh tội nghiệp của người đang cận kề cái chết kia. Cuối cùng Mị đã hành động cắt dây trói cho A Phủ và chạy theo A Phủ thoát khỏi kiếp đọa đày. Mặc dù hành động này chỉ diễn ra ngắn ngủi nhưng lại quyết định cuộc đời của Mị. Mị đã cắt được sợi dây trói của cường quyền, thần quyền thống trị bấy lâu để đến được cuộc sống tự do hơn, hạnh phúc hơn.

  • Thân phận người phụ nữ xưa và nay:
  • Phụ nữ ngày xưa: Họ là những người mẹ, người chị, người vợ…sống quanh quẩn trong căn bếp, gian phòng gắn với những công việc không tên quanh năm suốt tháng. Tư tưởng trọng nam khinh nữ và những bất công đè xuống đầu họ, khiến họ trở nên hiền lành,cam chịu, hi sinh một cách mù quáng, vô điều kiện. Họ không được giao tiếp với bên ngoài nhiều và cũng ít khi được đi học nên họ không có tiếng nói, không thể giúp nổi bản thân mình.
  • Phụ nữ ngày nay: Thoát khỏi sự hà khắc của lễ giáo phong kiến, họ được tôn trọng, được bình đẳng trong mọi lĩnh vực. Họ biết cách chăm sóc bản thân và làm đẹp cả ngoại hình lẫn tâm hồn. Phụ nữ đang chứng tỏ mình không thua kém gì nam giới, vẫn học tập tốt, đạt thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu và công việc. Trong nước và thế giới có rất nhiều phụ nữ nắm giữ chức vụ quan trọng như bí thư, tổng thống…

Kết bài: Dù ở bất cứ thời đại nào, hoàn cảnh nào thì người phụ nữ vẫn là tâm điểm của xã hội bởi những đức tính muôn đời ở họ. Một đất nước phát triển, xã hội văn minh có nghĩa là người phụ nữ ở đấy được yêu thương, trân trọng, được đóng góp tài năng, trí tuệ của mình vào cuộc sống.

5/5 - (1 vote)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →