[Văn 11] Phân tích tác phẩm Lẽ ghét thương của Nguyễn Đình Chiểu

[Văn 11] Phân tích tác phẩm Lẽ ghét thương của Nguyễn Đình Chiểu

Bài làm

Nam bộ với những vườn ruộng trù phú và con sông hiền lành đầy phù sa đã xây đắp nên tính cách con người nơi đây cũng hiền lành, chân thành và bộc trực. Tính cách trọng nghĩa, khinh tài và yêu ghét phân minh ấy đã được thể hiện rõ nét qua thơ văn Đồ Chiểu mà đoạn trích Lẽ ghét thương trong truyền Lục Vân Tiên là một ví dụ điển hình. Đoạn trích không chỉ dừng lại ở tư tưởng yêu nước của một nhà nho khí tiết mà còn chở những đạo lí gần gũi của nhân dân.

Lẽ ghét thương là lời của ông Quán mượn những câu chuyện kinh sử để nói lên cái nhìn thế thái nhân tình. Thương hay ghét đó là những tình cảm xuất phát từ trái tim đa cảm của một con người tha thiết với cuộc sống. Trong đoạn trích điệp từ “thương “, “ghét” xuất hiện cùng tần số như nhau cho thấy sự công bằng, phân minh của ông Quán nói riêng và của nhân dân nói chung.

10 câu thơ đầu nói về lẽ ghét, nhà thơ đã điểm qua những điển tích Trung Quốc theo các triều đại  “Kiệt, Trụ, U, Lệ, Ngũ bá, Thúc quý” và lời giải thích cụ thể khiến người đọc mặc dù không nắm rõ những thói ăn chơi, xa đọa của các ông vua trên nhưng vẫn hình dung được sự nhũng nhiễu của họ đối với nhân dân. Nhà thơ của nhân dân Nam bộ đã sử dụng từ “việc tầm phào” đậm đà sắc thái ngôn ngữ sinh hoạt để khẳng định những việc khiến ông Quán ghét là những việc vu vơ, hão huyền, không ý nghĩa và quan trọng là đi ngược lại vưới lợi ích của nhân dân.

Là một nhà nho nhưng Nguyễn Đình Chiểu không phê phán sự suy thói của các triều đại với gốc nhìn của người bảo vệ quyền lợi giai cấp phong kiến xuất phát từ trách nhiệm của một tôi trung. Nhà thơ đã đứng trên lập trường của dân để nói lên tình cảm của dân. Đứng trước cảnh nhà tan, nước mất, kẻ thù xâm lược nhũng nhiễu còn triều đình thì im hơi lặng tiếng, cụ Đồ hiểu hơn ai hết nỗi khổ mà người dân phải gánh chịu, thế nên cụ lên tiếng nói những lẽ ghét các việc xa xưa cũng chính là tỏ thái độ với xã hội đương thời.

Ngay từ đầu, nhà thơ đã khẳng định một điều “vì chưng hay ghét cũng là hay thương” để nói lên cội nguồn của sự ghét. Ghét chính là vì thương mà nên, ghét bao nhiêu thì có nghĩa là thương nhiều hơn thế.

“Thương là thương đức thánh nhân

Khi nơi Tống, Vệ, lúc Trần lúc Khuông..”

Nếu như những kẻ mà ông Quán ghét là những tên bạo chúa hun hăn, tham lam, sa đọa thì những người mà ông thương là những vị quan thần tận trung, tận hiếu, tận nghĩa như “đức thánh nhân, Nhan tử, Gia Cát, Khổng Tử, Hàn Dũ…”Họ là những người có ý chí, có tài năng và hơn hết là có tấm lòng vì nhân dân mà hi sinh. Tuy nhiên sở nguyện của họ không thành mà còn mắc phải vòng truân chuyên, khổ ải. Khổng Minh lận đận một đời, Nhan Uyên đau khổ chết sớm, Nguyên Lượng bỏ áo quan lui về cấy cày…

Thương cho những kẻ sĩ “chữ tài liền với chữ tai một vần”, Nguyễn Đình Chiểu thương cho chính bản thân mình. Ông cũng là một nhà nho, cũng mang nhiều giấc mộng lập công, góp sức cho đời vậy mà con đường công danh chưa trọn mà đã đeo mang bệnh tật. Bao nhiêu nỗi bất hạnh bám lấy nhà thơ vắt kiệt nước mắt tâm huyết của ông. Tấm lòng biệt nhỡn liên tài ấy mới đáng trân quý làm sao! Vượt qua nỗi bất hạnh riêng, Nguyễn Đình Chiểu thổi những ước lập công vào nhân vật Lục Vân Tiên và góp một tiếng nói chính trực bảo vệ đạo lí ở đời của nhân dân.

Một đấng quân vương tốt phải là người đem lại sự công bình, hạnh phúc cho nhân dân. Mọi thái độ thương ghét ở đời đều quy tụ thành lẽ ghét thương chính đáng nhất xuất phát từ lợi ích của nhân dân. Đó cũng chính là tư tưởng tiến bộ, mới mẻ mà nhà thơ Nam bộ họ Nguyễn mang lại thông qua đoạn trích Lẽ ghét thương.

Với đoạn thơ chất vấn cũng như tự thuật, Nguyễn Đình Chiểu đã hóa thân thành ông Quán để bày tỏ tâm can của mình. Mặc dù thủ pháp quen thuộc của thơ Trung đại là vịn vào sử sách Trung Quốc nhưng cụ Đồ Chiểu đã thổi màu sắc bình dân vào khiến câu thơ trở nên gần gủi, quen thuộc. Chỉ bằng một đoạn thơ ngắn, nhà thơ đã vẽ nên bức tranh tính cách của người Nam bộ: thẳng thắng, cương trực, chân thành.

Đoạn trích Lẽ ghét thương nói riêng và cả bài truyện Lục Vân Tiên nói chung xứng đáng là bài ca của nhân dân về đạo lí ở đời. Chẳng cần dùng lời lẽ bóng bẩy, cao siêu, cụ Đồ Chiểu cũng ghi vào lòng nhân dân miền Nam hình ảnh một Lục Vân Tiên hào khí, trượng nghĩa và một ông đồ mù tha thiết với đời. Cái thời ông, bà già Nam bộ nói thơ Vân Tiên đã qua, nhưng những cái tên Bùi Kiệm, Lục Vân Tiên, Bùi Công thì vẫn ở lại trong nỗi thương, ghét của nhân dân.

5/5 - (1 vote)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →