[Văn 11] Phân tích bài thơ Chạy Giặc của Nguyễn Đình Chiểu

[Văn 11] Phân tích bài thơ Chạy Giặc của Nguyễn Đình Chiểu

Bài làm

Nói như cách nói của Phạm Văn Đồng thì Nguyễn Đình Chiểu chính là một ngôi sao lớn của dân tộc nhưng “con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy”. Bởi lẽ Nguyễn Đình Chiểu không chỉ là tác giả cả truyện thơ Lục Vân Tiên nức tiếng miền Nam ca ngợi những đạo lí con người. Cụ Đồ đáng quý ấy còn là ngòi bút tiên phong trong phong trào kháng Pháp những ngày đầu tiên chúng xâm lăng bờ cõi. Bài thơ Chạy giặc là một trong những sáng tác tiêu biểu của Nguyễn Đình Chiểu ở dòng thơ yêu nước. Bài thơ được sáng tác ngay sau khi Pháp tấn công thành Gia Định ngày 17 -02- 1859.

Xuất thân là một nhà nho trung hiếu nhưng không giống với những nhà nho lỗi thời, Nguyễn Đình Chiểu không trung quân ái quốc theo kiểu cúi đầu chờ lệnh vua nữa mà với ông, ái quốc của nghĩa là đứng về phía nhân dân. Giữa lúc bờ cõi bị lăm le mà minh quân còn chưa thấy, cụ Đồ đã cầm bút mà kháng chiến. Thơ văn của ông làm sống dậy một thời đại đau thương của lịch sử dân tộc trong buổi đầu kháng Pháp.

“Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây

Một bàn cờ thế lúc sa tay”

Với hai câu thơ đầu, nhà thơ đã diễn tả cảnh đất nước rơi vào tay giặc bằng khung cảnh và thời điểm cụ thể. “Tan chợ” là thời gian buổi chiều, lúc người bán đã hết gánh hàng và người mua hài lòng trở về nhà. Buổi chiều là lúc khói bếp tỏa hương ấm áp, mọi người chờ đợi một mâm cơm đoàn tụ cũng là lúc lũ trẻ ra sân chơi đùa cùng nhau, những cụ già tản bộ trên đường. Ấy vậy mà “tiếng súng Tây” đã xe tan đi cái bầu không khí yên tĩnh, an lành của đời thường, báo hiệu những chuỗi ngày bất thường đã đến. Nhà thơ không sợ hãi hay nói bóng gió mà chỉ đích danh kẻ thù mới của nhân dân “Tây”, một kẻ thù nguy hiểm và tân tiến dùng vũ khí là súng để tấn công những người dân trong tay không tấc sắt.

Khung cảnh bọn thực dân xâm lăng đất nước ta được tác giả ví như “bàn cờ thế lúc sa tay” có nghĩa là một sự thất bại phút chốc, không thể cứu vãn cũng không thế xoay chuyển tình thế được.

Đau đớn nhất, tan thương nhất là bốn câu thơ tiếp theo, Nguyễn Đình Chiểu đã tập trung khắc họa cảnh chạy giặc của nhân dân.

“Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy

Mất ổ bầy chim dáo dác bay”

Giặc đến, mọi người đều hoảng sợ, mọi vật đều hoang mang và tan tác. Nguyễn Đình Chiểu không vẽ toàn bộ bức tranh đau thương ấy mà dùng vài nét phác họa bằng hình ảnh chọn lọc “Lũ trẻ, bầy chim”. Trẻ con đáng lẽ phải được sống trong yên bình, yêu thương vì chúng nào có tội. Bầy chim ngoài việc cất tiếng hát líu lo cho đời thì chúng có biết đến chiến tranh là gì. Vậy mà hai thứ đáng yêu nhất lại chịu những nỗi đau lẽ ra không thuộc về chúng. Cuộc chiến tranh nào cũng vậy, vì lợi ích của những người cầm quyền mà bao nhiêu máu của người vô tội đổ xuống. Biện pháp đảo ngữ “bỏ nhà lũ trẻ,mất ổ bầy chim” kết hợp với các từ láy “lơ xơ, dáo dác” nhấn mạnh khung cảnh chia lìa, hốt hoảng, ngơ ngác khi giặc đến bất ngờ.

Giặc không chỉ đến trong phiên chợ mà còn ở khắp miền Nam, hai địa danh Đồng Nai và Bến Nghé vốn nổi tiếng là trù phú nay lại thất thủ trước họng súng của kẻ thù

“Bến Nghé cửa tiền tan bọt nước

Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”

Nhà thơ không trực tiếp tố cáo tội ác của giặc nhưng thông qua hai hình ảnh “tan bọt nước, nhuốm màu mây” cũng đủ để hình dung được sự tan tóc, đau thương trước cảnh hoang tàn dưới gót giày đinh và lưỡi lê gớm máu. Bao nhiêu sinh linh đồ thán, máu đã nhuộm dòng sông xanh Bến Nghé, xác đã ngã xuống đất Đồng Nai, mọi vật nhuốm màu tang tóc, bi ai. Phép đối giữa hai câu thực và hai câu luận càng làm tăng sự tàn khốc của chiến tranh, nói đúng hơn là tội ác của kẻ xâm lăng đổ xuống đầu người dân vô tội.

Hai câu thơ kết, Nguyễn Đình Chiểu đã trực tiếp bộc lộ thái độ của mình trước cảnh đất nước loạn li. Giặc đến tàn phá là thế, nhân dân khốn cùng là thế mà “trang dẹp loạn” chẳng thấy tăm hơi.

“Hỡi trang dẹp lại rày đâu vắng

Há để dân đen mắc nạn này”

Câu hỏi tu từ kết thúc bài thơ chính là nỗi lòng tê tái của tác giả. Trang dẹp loạn mà nhà thơ nhắc đến phải chăng là một Lục Vân Tiên giữa đàng gặp chuyện bất bình bẻ cây làm gậy hay một trang hào kiệt đứng ra lãnh đạo nhân dân dẹp loạn như Quang Trung, Lê Lợi? Họ là những kẻ trên ngôi cao, quyền quý, ăn lộc của dân, sống sung sướng nhờ vào mồ hôi nhân dân đổ, vậy mà họ lại thờ ơ, vô trách nhiệm trước nỗi thống cùng của dân đen. Mặc dù là câu hỏi nhưng thái độ mà nhà thơ thể hiện lại là sự trách móc, lên án sự nhu nhược của triều đình Huế. Họ yên hơi lặng tiếng trước lời kêu gào oán than cả dân chúng vì họ yếu hay vì lo cho quyền lợi của giai cấp mình.

Đứng trước cảnh tang thương, lòng người thi sĩ cũng sầu thảm vô cùng. Hon ai hết, ông đau nỗi đau của dân, lo cái lo của dân và gánh chịu những mất mát mà người dân phải chịu. Có lẽ thế những vần thơ của cụ Đồ nghe đau đáu, bi ai.

Mặc dù thể thơ thất ngôn bát cú trung đại nhưng Nguyễn Đình Chiểu lại đưa vào đó những hình ảnh rất thực bằng từ ngữ gần gũi với lời ăn tiếng nói của quần chúng lao động. Việc lựa chọn hình ảnh tiêu biểu kết hợp với tính khái quát của từ ngữ đã giúp nhà thơ tái hiện lại chân thực khung cảnh đất nước ta buổi đầu Pháp đến. Thông qua câu hỏi tu từ và biện pháp đối lập, nỗi lo lắng và tình cảm của nhà thơ dành cho nhân dân cũng được thể hiện sâu sắc.

Qua bài thơ chúng ta thấy được một cuộc đấu tranh bền bĩ và cũng không kém phần cam go của nhà thơ cầm bút kháng chiến. Có thể khẳng định rằng Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn đồng thời là chí sĩ yêu nước mà cả cuộc đời ông là tấm gương sáng về đạo nghĩa ở đời

“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”

5/5 - (1 vote)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →