Bài thơ Việt Bắc tiêu biểu cho giọng thơ tâm tình, ngọt ngào, tha thiết của Tố Hữu và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc của ông. Anh chị hãy chứng minh nhận định trên qua bài thơ đoạn trích Việt Bắc được học.
Dàn ý bài thơ Việt Bắc tham khảo
Mở bài:
Không phải ngẫu nhiên người ta gọi Tố Hữu là một nhà thơ dân tộc, nhà thơ của Cách mạng Việt Nam. Thơ Tố Hữu ngoài việc phản ánh chân thật phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân ta thì tiếng nói thơ ông là tiếng lòng tha thiết, ngọt ngào được tạo nên bằng thể thơ, giọng điệu thơ và hình ảnh thơ đậm đà chất dân gian.
Thân bài:
Giọng thơ trữ tình ngọt ngào
- Tố Hữu mượn hình ảnh của đôi nam nữ trước lúc chia tay để diễn tả tình cảm gắn bó sâu nặng của người dân Việt Bắc và chiến sĩ cách mạng nên giọng thơ đầy tình thương mến ngọt ngào.
- Lời lẽ giản dị nhưng chât chứa bao ân tình của những người từng gắn bó sâu nặng với nhau trong những ngày thiếu thốn.
- Sử dụng lối đối đáp và cách xưng hô mình ta trong ca dao để bày tỏ tâm sự, chia sẻ kỉ niệm.
- Giọng thơ tâm tình ngọt ngào đã giúp bài thơ đi vào lòng người như một lời ca dao hay đó cũng là bài ca nghĩa tình cách mạng.
Tính dân tộc
Tố Hữu sinh ra trong một gia đình truyền thống có tinh thần yêu văn nghệ và thừa hưởng chất giọng ngọt ngào của người mẹ qua những câu hát dân gian, vì thế mà thơ ông sử dụng rộng rãi yếu tố văn học dân tộc về thể thơ, kết cấu, hình ảnh, ngôn ngữ và cả nhạc điệu.
- Thể thơ: Thể thơ lục bát được sử dụng rộng rãi trong sáng tác của Tố Hữu, thơ lục bát trong ca dao được ông đưa lên tầm cao mới với những biến hóa sáng tạo vừa thơ mộng, ngọt ngào lại vừa tráng lệ như bản trường ca của nhân dân.
- Kết cấu: sử dụng hình thức đối đáp của ca dao khiến câu chuyện cuộc chia tay của người chiến sĩ và người dân Việt Bắc diễn ra trong suốt 150 câu thơ mà không hề nhàm chán.
- Hình ảnh:
+ Tố Hữu sử dụng hình ảnh quen thuộc của nhân dân, đặc biệt là đậm chất vùng sơn sơn cước “mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù”, “hắt hiu lau xám đậm đà lòng son”…
+ Những câu tục ngữ, thành ngữ hay của dân gian được vận dụng một cách sáng tạo “nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn”, “bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”…
- Ngôn ngữ:
+ Đại từ nhân xưng mình, ta là cách gọi thân thiết của những cặp vợ chồng son hay của những người yêu thương, gắn bó được Tố Hữu vận dụng trong cách xưng hô của người Việt Bắc và chiến sĩ cách mạng => thể hiện tình cảm thân thiết, không thể tách rời.
+ Tác giả hóa thân vào mình và ta để nói lên những suy nghĩ, mong chờ chứ không dùng từ họ=> thích hợp cho nỗi bâng khuâng, tình tứ.
+ Vị trí của đại từ mình ta hoán đổi liên tục và mang nhiều tầng nghĩ nên câu thơ trở nên linh hoạt.
- Nhạc tính: Sự kết hợp giữ giọng điệu ca dao ngọt ngào sâu lắng cùng cách ngắt nhịp linh hoạt của thể thơ mới giúp bài thơ giàu nhạc tính. Có lúc du dương có lúc tha thiết, có lúc hối hả phù hợp với cung bậc cảm xúc khác nhau của nỗi lòng người trước lúc chia tay.
Kết bài:
Chất giọng ngọt ngào và tính dân tộc được sử dụng chính là yếu tố tạo nên phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu, làm nền tảng cho những dấu ấn riêng cũng đóng góp quan trọng của tiếng thơ ông trong vườn hoa thơ ca việt Nam.