Đề số 8 – Ôn tập văn tốt nghiệp THPT 2018 – Có đáp án

Bộ đề thi tốt nghiệp THPT 2018

Đề 8

Phần I: Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:

Xin đừng vội nghĩ cứ có học vấn, bằng cấp cao là nghiễm nhiên trở thành người có văn hoá. Trình độ tri thức văn hoá cũng mới chỉ là tiền đề. Nếu sự rèn luyện nhân cách kém thì tiềm năng hiểu biết đó sẽ tạo nên thói hợm hĩnh, khinh đời; phong cách sống càng xấu đi, càng giảm tính chất văn hoá. Trong thực tế, ta thấy không hiếm những người có học mà phong cách sống lại rất trái ngược. Họ mở miệng là văng tục, nói câu nào cũng đều có kèm từ không đẹp. Mặt vênh vênh váo váo, coi khinh hết thảy mọi người. Trò chuyện với ai thì bao giờ cũng hiếu thắng, nói lấy được, nhưng khi gặp khó khăn thì chùn bước, thoái thác trách nhiệm. Trong lúc đó, có người học hành chưa nhiều, chưa có học hàm, học vị gì nhưng khiêm tốn, lịch sự, biết điều trong giao tiếp, khéo léo và khôn ngoan trong cách ứng xử trước mọi tình huống của cuộc sống. Rõ ràng là chất văn hoá trong phong cách sống phụ thuộc nhiều vào ý thức tu dưỡng tính nết, học tập trường đời và kết quả của giáo dục gia đình.

Tất nhiên, tác động của trình độ học vấn đến sự nâng cao phong cách văn hoá của một người rất lớn. Cách suy nghĩ, cách giải quyết mâu thuẫn, sự ước mơ, kì vọng và sự trau dồi lí tưởng có liên quan mật thiết đến tiềm năng hiếu biết. Đa số những người có học vấn cao thường có phong cách sống đẹp. Không thể phủ nhận thực tế đó, chỉ có điều cần nhớ là trình độ học vấn và phong cách sống văn hoá không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau.

(Trích Học vấn và văn hoá — Trường Giang)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt  chính của văn bản?

Câu 2. Theo tác giả, trình độ học vấn có tác động như thế nào đến phong cách văn hoá của một người?

Câu 3. Đọc đoạn trích, anh/ chị hiểu yếu tố cốt lõi làm nên cốt cách văn hóa của một con người là gì?

Câu 4. Theo anh/ chị, quan điểm của tác giả có phù hợp với cuộc sống hiện đại không? Vì sao?

  1. Làm Văn (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm):

Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu văn được gợi ra từ phần đọc hiểu: Rõ ràng là chất văn hoá trong phong cách sống phụ thuộc nhiều vào ý thức tu dưỡng tính nết, học tập trường đời và kết quả của giáo dục gia đình.

Câu 2: Cảm nhận của anh chị về hai đoạn thơ sau:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nỗi bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

(Tây Tiến – Quang Dũng)

Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

( Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử)

Gợi ý làm bài

Phần I:

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2: Trình độ học vấn có tác động đến phong cách văn hóa mỗi con người:

  • Tiềm năng hiểu biết, vốn tri thức sâu rộng là cơ sở hình thành lối suy nghĩ, ứng xử, cách giải quyết mâu thuẫn, khát vọng và lí tưởng sống.
  • Trên thực tế, người có học vấn cao thường có phong cách sống đẹp.

Câu 3: Yếu tố cốt lõi làm nên phong cách văn hóa:

  • Sự giáo dục của gia đình, nhà trường
  • Sự tu dưỡng đạo đức, hoàn thiện nhân cách và không ngừng học tập

Câu 4: Quan điểm của tác giả phù hợp với cuộc sống hiện đại

Phần II:

Câu 1: Vấn đề nghị luận: chất văn hoá trong phong cách sống phụ thuộc nhiều vào ý thức tu dưỡng tính nết, học tập trường đời và kết quả của giáo dục gia đình.

  • Giải thích: văn hóa là toàn bộ giá trị vật chất và tinh thần mà con người sáng tạo ra; phong cách sống là những nét điển hình, lặp đi lặp lại trong thói quen của con người = > con người có văn hóa là nhờ sự kết hợp giữa ba yếu tố: sự rèn luyện của bản thân; sự trải nghiệm và giáo dục của gia đình.
  • Phân tích:

+ Sự tu dưỡng là một yêu cầu tự nhiên giúp con người khắc phục những thói hư tật xấu, phân biệt thiện và ác trên đời.

+ Trường đời là nơi dạy bảo, hình thành nhân cách, chất văn hóa trong cách sống

+ Gia đình dạy dỗ, yêu thương truyền cho mỗi người cách ứng xử trong các mối quan hệ.

  • Ba yếu tố trên có quan hệ mật thiết, tác động qua lại

+ Phê phán những người có trình độ học vấn nhưng ứng xử văn hóa thấp trong giao tiếp, nhận thức và hành động. Những người như thế sẽ trở thành kẻ đạo đức giả, hống hách.

  • Bài học và liên hệ bản thân

Câu 2:

Mở bài: khái quát về hai tác giả Quang Dũng, Hàn Mặc Tử; nội dung của hai tác phẩm và dẫn dắt vào nội dung chính của đoạn thơ.

Thân bài:

  • Đoạn thơ bài Tây Tiến
  • Khái quát một vài nét tiêu biểu về vị trí, nội dung của đoạn thơ: từ câu 19 đến câu 22 trong bài thơ – cảnh sông nước miền Tây hoang sơ, trữ tình.
  • Không gian mở ra: chiều sương – không gian huyền ảo, lung linh
  • Hồn lau – nhân hóa: lau sậy cũng có linh hồn riêng chứ không vô tri vô giác, đó là cái nhìn hào hoa, nhạy cảm của người lính khiến cảnh vật trở nên sinh động hơn.
  • Câu hỏi tu từ: có thấy, có nhớ dồn dập nhắc nhở những kỉ niệm một thời đã qua.
  • Thuyền độc mộc- loại thuyền được làm từ cây gỗ lớn, bóng dáng con người hiện lên giữa khung cảnh thiên nhiên cũng thật uyển chuyển, mềm mại nhưng vẫn có nét kiêu hùng.
  • Trôi dòng nước lũ đong đưa: một chi tiết phi hiện thực nhưng lại phù hợp với mạch cảm xúc của tâm trạng và phù hợp với bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc mơ mộng đan xen giữa hư và thực.
  • Bút pháp tài hoa với cái nhìn đa tình, lãng mạn của nhà thơ đã cho thấy bức tranh thiên nhiên miền Tây và con người hài hòa với những đường nét tinh tế. Cảnh cũng là nỗi niềm nhớ thương cháy bỏng của người lính về một thời đấu tranh gian khổ.
  • Đoạn thơ bài Đây thôn Vĩ Dạ
  • Vị trí và nội dung: khổ thơ thứ hai, cảnh sông nước xứ Huế và cái tôi trữ tình đầy tâm trạng.
  • “Gió theo lối gió, mây đường mây” cách ngắt nhịp 4/3, hai vế tiểu đối gợi cảnh chia lìa của hai vật mà tưởng chừng chúng chỉ là một – ngoại cảnh lúc này bị chi phối bởi tâm cảnh trong lòng Hàn Mặc Tử.
  • “Dòng nước buồn thiu”, buồn thiu là phương ngữ miền Trung chỉ nỗi buồn day dứt, nó mơ hồ, nhẹ nhàng mà ám ảnh, khó quên.
  • “Hoa bắp lay” hoa bắp gắn với quê hương, xứ sở nó như một loài hoa đồng nội, bình dị mà chan chứa tình người, Động từ “lay” chỉ sự hoạt động nhưng nó quá nhẹ nhàng không đủ sức thổi sự vui tươi vào không gian.
  • “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ có chở trăng về kịp tối nay”: Câu thơ tuyệt bút của HMT sử dụng vần lưng: có – đó với giọng điệu thăm hỏi nhẹ nhàng nhưng lại chứa đựng một nội tâm đang kêu gào, tha thiết
  • “Thuyền ai” phiếm chỉ – ngỡ như người quen nhưng hóa ra xa lạ giữa cảnh trăng huyền ảo và sương khói phủ đầy.
  • “Kịp tối nay” sự mong chờ đến thao thức, bồi hồi thể hiện tâm trạng của một người tha thiết với đời, khát khao được yêu thương nhưng lại đầy lo sợ, hoài nghi vì thời gian không còn kịp nữa.
  • Nét tương đồng và khác biệt:
  • Tương đồng: Đều là cái tôi trữ tình trên cảnh sông nước quê hương. Cảnh vật đều được nhìn bằng đôi mắt lãng mạn, đa tình của nhà thơ và bút pháp tài hoa, tinh tế.
  • Khác biệt: Đoạn thơ trong bài Tây Tiến là nỗi nhớ của người lính về đồng đội, thiên nhiên và những kỉ niệm gắn bó thời kháng chiến; đoạn thơ Đây thôn Vĩ Dạ là tâm trạng đầy màu sắc chia lìa, nhớ mong khắc khoải.
  • Lí giải:
  • Sự tương đồng: hai nhà thơ đều có hồn thơ lãng mạn, tài hoa
  • Sự khác biệt: đứng trước thiên nhiên, tâm trạng của mỗi nhà thơ sẽ chi phối tâm trạng của cảnh vật vì thế dù cả cảnh sông nước nhưng mang hai vẻ đẹp khác nhau. Ngoài ra cảnh ngộ riêng của mỗi nhà thơ và hoàn cảnh thời đại là yếu tố quan trọng quyết định cảm quan của mỗi người.

+ Quang Dũng là người lính sống trong cuộc kháng chiến đang sục sôi và tinh thần quả cảm của thanh niên đang như ngọn đuốc soi đường.

+ Hàn Mặc Tử lại là thi nhân trong thời kì thơ mới mang cái sầu của thời đại và căn bệnh hiểm nghèo của riêng mình.

Kết bài: Đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật của hai đoạn thơ cũng như kết tinh tài hoa của hai nhà thơ.

5/5 - (1 vote)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →