[Văn 7] Biểu cảm về người thân (người Ông)
BÀI LÀM
Điều may mắn nhất trong cuộc đời tôi chính là có được một gia đình trọn vẹn, có ông bà, cha mẹ và các anh chị em… tất cả mọi người đều yêu thương nhau, quan tâm nhau và chăm sóc cho nhau. Tôi cảm thấy tự hào về gia đình của mình, cảm thấy hạnh phúc và dành trọn tình yêu thương cho nơi được gọi là tổ ấm. Và một phần tình cảm lớn nhất tôi dành cho người ông đáng kính của mình.
“Ông” chính là ông nội của tôi, nhưng ông bảo do con không còn ông ngoại nên gọi ông nội là ông để ông vừa là nội, vừa là ngoại, nhân đôi yêu thương dành cho tôi. Ông năm nay đã ngoài tám mươi, nhưng dáng người cao ráo, bước đi nhanh nhẹn, vẫn còn rất minh mẫn, nên thường hay trêu chọc bọn trẻ chúng tôi. Tóc ông đã bạc trắng tựa những ông bụt trong câu truyện cổ tích, râu ông cũng dài và bạc như những ông tiên. Nhìn ông, tôi có cảm giác mình được yêu thương và bao bọc, chở che.
Ông vốn là cựu chiến binh. Đi theo kháng chiến từ những ngày còn trẻ. Những câu chuyện của ông trên chiến tuyến luôn thu hút những ánh mắt ngơ ngác của bọn trẻ chúng tôi. Ông kể lúc chiến tranh dân mình khổ lắm, cơm không có ăn, áo không có mặt, đồng đội chiến đấu chỉ ăn lương khô cứ ngắt cùng một ghi-đông nước là đi đến cuối chặng đường hành quân. Ông bảo bọn tôi bây giờ không còn súng đạn nữa, được sống đầy đủ như hôm nay cần phải biết quý trọng từng bát cơm, chiếc áo. Bởi những thứ đó đều là của cải, đều là công sức của mọi người.
Có lẽ được rèn luyện bởi chiến tranh, nên chưa bao giờ tôi thấy ông từ bỏ chuyện gì. Đã ngoài tám mươi, hàng ngày, ông vẫn tự làm những công việc của mình mà không cần ai giúp đỡ. Mỗi sáng ông pha một tách cà phê rồi ra vườn lan trước hiên tưới nước, tỉa cành, cho phân vào mấy chậu mai để Tết sang hoa kịp nở, đến trưa ông ra sau vườn nhặt củi, chẻ củi, phơi củi khô rồi bó thành từng bó chất đầy chái nhà phía sau. Bố tôi hay bảo ông lớn tuổi rồi nên nghỉ ngơi, thời này có bếp gas, chẻ củi chi để mệt. Ông cười bảo nhà mình không xài thì đem cho người ta, chứ để đó thì uổng.
Mỗi khi hàng xóm có việc gì khó khăn ông cũng đều đến giúp đỡ, có khi mang đến vài ký gạo, khi thì vài trăm ngàn tiền thương binh, khi thì đến giúp sửa chữa nhà cửa, khi lại đến khuyên bảo, giảng hòa bằng kinh nghiệm sống của mình… Ông dành tình cảm cho mọi người, quan tâm không chỉ bằng lời nói mà còn là hành động nên ai cũng yêu quý và gọi ông bằng cái tên thân thuộc: Ông Tư Hiền.
Đối với bọn tôi, ông như ông bụt hiền từ, không lúc nào la mắng mà chỉ dạy từng chút một. Ông dạy cách ra sau vườn thả lưới bắt cá, chỉ cách chiết nhánh trồng xoài, chỉ cách trèo dừa hái trái v.v… Ông còn dạy tôi cách nắn tò he, cách làm ông táo. Ông bảo lúc ở chiến trường, cũng nhờ những cách này mà cuộc sống người lính bớt nhàm chán hơn.
Tối nào cũng vậy, tôi hay ra trước hiên ngồi với ông. Ông vừa uống trà vừa nói thơ Vân Tiên, còn tôi ngồi nghe chăm chú như bị hút hồn bởi giọng ngâm ngọt lịm cùng những câu chuyện đầy kịch tính. Ông nói văn hóa, đạo lí của mình nằm trong thơ ca, mỗi bài thơ bài ca là một bài học lớn, dạy mình cách sống sao cho đúng, cho tròn. Ông bảo tôi lớn lên nên học chữ nghĩa nhiều chứ đợi đến tuổi già như ông mà không rành con chữ thì cơ cực lắm. Giờ đây tôi mới hiểu vì sao ông lại thuộc nằm lòng nhiều bài thơ, nhiều câu ca dao đến vậy.
Thỉnh thoảng ông lại kể chuyện ở chiến trường, kể về những người đồng đội hy sinh, kể về những tình cảm trong chiến đấu. Trong những câu chuyện ấy, tôi thấy măt ông đầy vẻ tự hào và xen lẫn những ngậm ngùi vì tiễn biệt những người bạn “kề vai sát cánh”. Nhưng có lẽ điều mà tôi cảm phục nhất ở ông cùng đồng đội chính là tinh thần lạc quan, đoàn kết, chở che và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.
Ông chính là người mà tôi yêu quý nhất, một người ông nhân hậu, hiền lành, giàu tình cảm, sống chan hòa cùng với mọi người. Tôi chỉ mong sao mình sớm trưởng thành, để ông có thể tự hào về đứa cháu này và cũng để tôi dạy lại con cháu của mình những lời dạy bảo thấm thía đạo lí từ ông.