Văn 7: Cảm nghĩ bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh
Mở bài
Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, là danh nhân văn hóa thế giới, đồng thời là nhà thơ lớn. Thơ của Người thể hiện tình yêu thiên nhiên và lòng yêu nước sâu nặng. Trong đó bài Cảnh Khuya được Bác sáng tác ở chiến khu Việt Bắc năm 1947 đã bộc lộ tâm hồn của người chiến sĩ yêu nước và phong thái ung dung lạc quan ở Bác.
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”
Thân bài
Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác sống và làm việc tại Cao Bằng. Nơi đây là cái nôi cách mạng, là nơi đã chứng kiến cảnh một người chiến sĩ thao thức với những đêm không ngủ bên bàn làm việc và ngắm ánh trăng khuya.
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”
Câu thơ đầu tiên mở ra trong đêm thanh vắng, đây là thời điểm thích hợp để nghe tiếng suối róc rách vọng từ xa. Biện pháp so sánh tiếng suối như tiếng hát là cách suy nghĩ mới của Hồ Chí Minh so với thơ Trung Đại. Người không lấy thiên nhiên làm chuẩn mực mà lấy con người so sánh với thiên nhiên, vì thế tiếng suối trở nên thân thuộc, gần gũi hơn. Trong âm thanh du dương ấy là ánh trăng du dương khắp tán cây. Điệp từ lồng trong câu thơ đã diễn tả cái đẹp của trăng và sự hòa họp giữ trăng cùng vạn vật. Một đêm trăng lấp lánh ánh sáng huyền ảo, bóng trăng hòa vào bóng cây để lại những hình ảnh chiếc lá in xuống giống như những bông hoa. Cũng có thể hiểu câu thơ “trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” chỉ ánh trăng soi xuống những nụ hoa đêm đang uống những giọt sương mai. Dù là hiểu cách nào thì cũng gợi được cái tình của cảnh vật và sự tinh tế của con người. Hai câu thơ đầu đã gợi tả cảnh có xa, có gần, nổi bật là ánh trăng và tiếng suối. Gam màu chủ đạo của bức tranh là màu bàng bạc của trăng và màu đen của những bóng cây nhưng không khiến con người cảm thấy lạnh lẽo, cô đơn vì đằng sau ấy là trái tim ấm áp của người thi sĩ – chiến sĩ. Hai câu thơ đầu khép lại thông qua biện pháp so sánh, điệp ngữ đã gợi tả một ánh trăng lung linh,huyền ảo.
Đằng sau bức tranh đẹp là tâm trạng một người đang lo lắng cho dân tộc
“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”
Bác không ngủ được không chỉ vì xúc động trước cảnh đẹp của thiên nhiên mà vì lo lắng cho vận mệnh của dân tộc. Biện pháp so sánh “cảnh khuya như vẻ” mở ra tâm trạng một vị lãnh tụ trong những đêm không ngủ. Điệp ngữ “chưa ngủ” góp phần nhấn mạnh tầm vóc của Bác Hồ – một vị cha già suốt đời vì dân, vì nước. Hai câu thơ gợi nhớ hình ảnh Bác trong những đêm không ngủ ở chiến dịch Biên giới thu đông. Bác đã thức suốt đêm lo giấc ngủ cho các cháu của mình vì một lẽ thường tình “Bác là Hồ Chí Minh”
Hai câu thơ cuối giọng thơ như chùn xuống để nhịp thơ lắng sâu hơn và chất chứa nhiều cảm xúc. Bốn câu thơ ngắn gọn nhưng lại mở ra một chiều sâu cảm xúc hơn nữa là chiều sâu tâm hồn của người chiến sĩ. Bài thơ sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt kết hợp với những hình ảnh sáng tạo, hiện đại, ngôn ngữ thơ giản dị, giàu cảm xúc đã làm nên phong cách độc đáo của Hồ Chí Minh.
Kết bài
Ánh trăng muôn đời vẫn còn soi nơi quê hương Việt Nam thân yêu. Ánh trăng nay đã tròn đầy viên mãn hài hòa với sự phát triển của đất nước. Dù không còn nữa, nhưng Bác mãi là ánh trăng, là vừng dương soi sáng con đường dân tộc. Chúng cháu đọclại vần thơ của Người và tự hứa sẽ chăm ngoan, vâng lời những gì Người đã dạy để xứng đáng với vai trò chủ nhân tương lai.