[Văn 7 ]Cảm nghĩ về bài thơ Tĩnh dạ tứ của Lí Bạch

Văn 7: Cảm nghĩ về bài thơ Tĩnh dạ tứ của Lí Bạch

Mở bài:

 Lí Bạch là nhà thơ Đường nổi tiếng của Trung Quốc, thơ ông bộc lộ một tâm hồn tự do, hào phóng.  Ông viết rất nhiều về trăng, trong đó Tĩnh dạ tứ là bài thơ được sáng tác trong thời gian ông sống xa quê, ngắm ánh trăng lòng thương nhớ về quê cũ.

“Sàng tiền minh nguyệt quang

Nghi thị địa thượng sương

Cử đầu vọng minh nguyệt

Đê đầu tư cố hương”

(Đầu giường ánh trăng rọi,

Ngỡ mặt đất phủ sương.

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,

Cúi đầu nhớ cố hương)

(Tương Như)

Thân bài:

Bài thơ Tĩnh dạ tứ được viết bằng thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt nhưng lại có sức gợi tả và lay chuyển tâm hồn người đọc thông qua bức tranh đêm thanh tĩnh và tâm tư của nhà thơ. Hai câu thơ đầu đã vẽ nên bức tranh đêm trăng thơ mộng:

“Sàng tiền minh nguyệt quang

Nghi thị địa thượng sương”

(Đầu giường ánh trăng rọi,

Ngỡ mặt đất phủ sương)

Giữa đêm thanh vắng, nhà thơ không giật mình bởi tiếng côn trùng rả rít hay tiếng trống cầm canh mà giật mình vì ánh trăng rọi trước giường. Lí  Bạch không diễn tả ánh sáng lung linh, huyền ảo của trăng trên bầu trời cao rộng mà gợi tả sự lan tỏa của trăng qua ánh sáng lọt vào cửa sổ, đến bên giường ngủ của nhà thơ. Trăng đến thật bất ngờ khiến thi nhân ngỡ ngàng, xúc động “ngỡ mặt đất phủ sương”. Cái vùng ánh sáng trăng trắng do trăng soi ở phía trước làm tác giả một thoáng tư lự ngỡ là sương trên đất. Phép so sánh này rất tinh tế vì nó bộc lộ được cả cảm xúc của người ngăm trăng. Có phải màu sương mờ đục kia được nhìn qua đôi mắt ươn ướt của tác giả khi bắt gặp một cố nhân. Thuở nhỏ, lúc còn ở quê nhà, Lí Bạch thường lên núi Nga Mi ngắm trăng, vì thế ánh trăng đối với tác giả không chỉ là niềm thơ mà còn mang nhiều kỉ niệm, ẩn hiện hình bóng quê nhà.

Chỉ bằng hai câu thơ, Lí Bạch đã khiến người đọc cảm nhận được sự êm dịu, mơ màng, tĩnh lặng của đêm trăng, đồng thời khắc họa một nỗi tâm sự, trằn trọc khi bắt gặp cố nhân.

Trăng muôn đời vẫn không dời đổi dù ở núi Nga Mi hay nơi đất khách thì vẫn tròn đầy vầng trăng ấy, duy chỉ có tâm sự của người ngắm trăng là thay đổi. Không còn là ánh tẳng ước mộng của tuổi thơ, trăng hôm nay mang diện mạo của một người tri kỉ lâu ngày gặp lại. Cảm xúc mừng mừng, tủi tủi, vui buồn đan xen nhau trong nỗi nhớ quê nhà chớm nở rồi vỡ òa theo ánh sáng vằng vặc của trăng:

“Cử đầu vọng minh nguyệt

Đê đầu tư cố hương”

(Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,

Cúi đầu nhớ cố hương)

Câu thơ thứ ba mở ra với phép đối đầy dụng ý nghệ thuật “cử – đê”(ngẩng – cúi), tuy bên ngoài đối lập nhau nhưng khi đi vào diễn tả cung bậc cảm xúc của Lí Bạch thì nó hoàn toàn thống nhất bởi vì bản chất của tâm trạng chính là sự mâu thuẫn. Nối tiếp dòng tâm trạng ngỡ ngàng khi bắt gặp ánh trăng trong hai câu thơ trước. Nhà thơ ngẩng đầu để ngắm vẻ đẹp của trăng, soi tâm hồn mình vào đấy, tìm lại những kí ức tưởng đã mất từ lâu. Trong dòng cảm xúc đan xen giữa hiện tại và quá khứ, nhà thơ cháy lên một nỗi nhớ khôn nguôi “đê đầu tư cố hương”. Cái cúi đầu lặng lẽ là biểu hiện cho tâm tư đang dâng trào nỗi nhớ. Từ “tư” nén cảm xúc lại thật khéo, nó vừa diễn tả được nỗi nhớ vừa nói lên được nỗi suy tư của một người đã trải qua bao thăng trầm của cuộc đời. Hai tiếng “cố hương” thốt lên thật cảm động như một tiếng nấc nghẹn ngào nơi lòng ngực. Cố hương không chỉ là nơi ta đã từng ở, những gương mặt ta đã từng gắn bó mà còn là những kỉ niệm ta từng trải qua. Tất cả hiện ra rõ ràng, chua xót.

Bốn câu thơ tuyệt bút đã tạo nên một tác phẩm bất hủ trường tồn cùng năm tháng. Giọng thơ da diết, lắng sâu vữa vẽ nên bức tranh trăng đẹp vừa khơi dậy nỗi nhớ của nhà thơ.

Kết bài:

Bằng những vần thơ đẹp, bình dị, Tĩnh dạ tứ đã thật sự chinh phục trái tim của bao nhiêu thế hệ. Ánh trăng ấy đã vượt qua ranh giới của thời gian, không gian để đi vào góc khuất sâu kín của tâm hồn những người da diết với quê hương.

5/5 - (1 vote)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →