[Văn 7] Nêu cảm nhận về bà của em – bài viết số 3

[Văn 7] Nêu cảm nhận về bà của em – bài viết số 3

BÀI LÀM

          Ai sinh ra trong cuộc đời mà không có một người để yêu thương. Với tôi, bà ngoại chính là người mà tôi dành trọn sự kính trọng, tình yêu thương và biết ơn to lớn. Tôi sống với bà từ những ngày còn rất nhỏ, do mẹ đi làm xa, gửi tôi ở nhà để bà chăm sóc. Sống với bà, bầu trời tuổi thơ của tôi lại được vẽ lên những gam màu ký ức mà có lẽ mãi mãi về sau, những ký ức ấy sẽ vẫn còn mãi mãi.

          Bà năm nay đã ngoài 80 tuổi, mái tóc bạc trắng như những ông bụt, bà tiên trong truyện cổ tích mà tối nào hai bà cháu cũng cùng nhau xem. Dù đã lớn tuổi, nhưng bà rất khỏe mạnh. Cứ thỉnh thoảng vài tháng lại ngồi xe đi thăm con cháu.

          Ngoại đẹp lão lắm! Ai cũng khen vậy khi tôi giới thiệu với mọi người về bà. Dù làn da đã nhăn nheo, mái tóc trắng được cắt ngắn để bớt rụng đi, vậy mà nhìn ngoại “như cô gái 18”. Mỗi lần tôi trêu vậy là ngoại lại gõ vào đầu tôi và cười tươi rói.

          Sống với ngoại từ nhỏ, nên có lẽ tôi là người được ngoại thương nhất. Lúc nào mẹ đi thăm ngoại về là trong giỏ cũng có vài trái xoài, trái ổi, có khi lại là vài con cua biển, vài ký tôm tươi mà ngoại gửi về bảo làm cho tôi ăn để mập ra chứ ốm quá. Mỗi lần về thăm ngoại, ngoại lại rầy mẹ tôi vì để tôi ốm thế này. Mà nghĩ lại đúng thật, lúc còn ở với ngoại, tôi “tròn vo” và “ú nu”, bởi trưa nào ngoại cũng bắt ngủ, không ngủ cũng không được đi chơi, phải nằm trên giường rồi ngoại vừa quạt, vừa xoa lưng rồi ngủ lúc nào không hay. Ngày nào cũng vậy, trước khi đi chợ là ngoại đều hỏi hôm nay tôi thích ăn gì, muốn ăn gì. Tôi lém lỉnh trả lời “ngoại làm gì con ăn cũng thích”, nghe vậy ngoại cười to rồi bảo “Cha mày! Nịnh thấy sợ”.

          Dù là nông dân, trưởng thành từ đồng lúa chín, suốt ngày lam lũ, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nhưng ngoại là người rất tinh ý. Sống cùng ngoại còn có gia đình cậu Tám, cậu có hai người con cũng trạc tuổi tôi, hôm nào cậu về cậu cũng đều chơi với hai đứa nhỏ, còn tôi ngồi một góc ăn cơm hay đọc truyện. Ngoại thấy vậy, ngày nào cũng đúng lúc ấy, ngoại bảo tôi lại cùng ngoại làm bánh để tối hai bà cháu ăn trong lúc xem phim.

          Tôi còn nhớ cái hôm chỉ có tôi và ngoại ở nhà, ngoại lên cơn sốt rất nặng, mê man ngủ li bì. Tôi chẳng biết phải làm gì chỉ biết lấy khăn lau mát cho ngoại, định bụng sẽ gọi cho mẹ bảo mẹ về nhưng ngoại không cho, bảo đi ra chợ mua thuốc về uống sẽ khỏi. May sao, uống thuốc xong ngoại dần khỏe lại, nhưng lúc nào ngoại cũng bảo mày có gọi cho mẹ cũng đừng kể này kể nọ, cứ bảo ở nhà ngoại vẫn khỏe, để mẹ yên tâm đi làm. Giờ nhớ lại mới hiểu được vì sao ngoại bảo làm vậy! Chỉ biết thương ngoại nhiều hơn.

          Người ta nói “sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”, còn với tôi, ngoại chính ánh sáng, là bà tiên đã chở che và nuôi lớn tôi từ khi còn thơ bé. Ngoại chỉ cho tôi cách trồng cây rau phải xới đất lên, che lại tránh gà bới mất, ngoại dạy tôi cách đậy đồ ăn phải dằn con dao để không cho mèo ăn vụng, ngoại dạy tôi phải biết mạnh mẽ, lạc quan vì không có mẹ nhưng đã có bà bên cạnh. Ngoại yêu thương, chăm lo cho tôi từng miếng ăn, giấc ngủ mà không nề hà những lúc tôi bệnh tật liên miên.

          Là người tin vào điều thiện, ngoại luôn dùng tấm lòng để đối đãi với mọi người. Ai có khó khăn ngoại cũng đều giúp đỡ, nhà nào có cự cãi ngoại không ngại ngần đến can ngăn, khuyên bảo. Chừng ấy năm sống trên đời, đã giúp ngoại có được kinh nghiệm sống và dạy lại con cái trong nhà, ngoại bảo sau này lớn lên, có học cao, có đi xa nhưng trong lòng vẫn luôn tự nhủ phải sống bằng trái tim và sự chân thành, không nên dối lừa, oán hận người khác bởi cuộc đời ngắn thế này, yêu thương nhau còn không đủ, thì ghét nhau để làm gì.

          Lời dạy ấy của ngoại đã giúp anh chị tôi trưởng thành và thành công, giúp tôi biết yêu thương và giúp đỡ mọi người dù là những điều nhỏ nhặt nhất. Mỗi khi có chuyện gì không vui, tôi luôn nghĩ về nụ cười hiền từ của ngoại, nhớ lại bàn tay gầy gò, nhăn nheo xoa lên mái tóc.

          Người ta nói “thất thập cổ lai hy”, ngoại năm nay đã ngoài tám mươi chính là niềm vui dành cho con cháu. Dẫu biết con người ta có sinh, lão, bệnh, tử nhưng chúng tôi vẫn mong rằng ngoại sẽ sống mãi cùng với chúng tôi, sẽ khỏe mạnh để nhìn chúng tôi khôn lớn và trưởng thành.

5/5 - (1 vote)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →