[Văn 9] Phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga để thấy rõ Lục Vân Tiên đã hành động đúng lí tưởng của mình:
“Nhớ câu kiến ngãi bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.
BÀI LÀM
“Lục Vân Tiên” là một trong những sáng tác nổi bật không chỉ của Nguyễn Đình Chiểu mà đó còn là sáng tác tiêu biểu cho văn học viết bằng chữ Nôm. Truyện đã xây dựng nhân vật Lục Vân Tiên với lý lưởng mẫu mực của người anh hùng khi giải cứu Kiều Nguyệt Nga:
“Nhớ câu kiến ngãi bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”
Hai câu thơ trên chính là lời Lục Vân Tiên nói với Kiều Nguyệt Nga sau khi chàng đánh tan bọn cướp, cứu người vô tội thoát nạn. Một câu nói phản ánh rõ lí tưởng của người anh hùng.
Đối với Lục Vân Tiên, đánh cướp cứu người là một việc nghĩa. Trên đường lên kinh ứng thí, thấy “dân than khóc tưng bừng”, “đem nhau chạy”, Lục Vân Tiên không hề làm ngơ mà dừng lại hỏi han. Đó là hành vi vị nghĩa mà những kẻ tầm thường không thể ý thức được. Đến khi biết bọn cướp đó đã từng:
“Nhóm nhau ở chốn sơn đài
Người đề sợ nó có tài khôn đương
…
Bây giờ xuống cướp thôn hương
Thấy con gái tốt qua đường bắt đi”
Lục Vân Tiên đã quyết định ngay:
“Tôi xin ra sức anh hào
Cứu người cho khỏi lao đao buổi này”
Hành động dứt khoát “… ghé lại bên đàng. Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô”, bất chấp lời khuyên can người dân chạy cướp:
“E khi họa ổ bất thành
Khi không mình lại xô mình xuống hang”.
cũng là hành vi vị nghĩa.
Lục Vân Tiên đường hoàng thách thức bọn cướp, nhanh chóng đánh tan lũ hung đồ:
“Vân Tiên tả đột hữu xông
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dương
Lâu La bốn phía vỡ tan
Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngai
Phong Lai chẳng kịp trở tai
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong”
Hình ảnh Vân Tiên xông xáo, tung hoành, xông vào chỗ chết, đánh tan lũ cướp, cứu người mắc nạn được nhà thơ miêu tả thật đẹp, sánh ngang với hình ảnh Triệu Tử Long – một dũng tướng thời Tam Quốc, phá vòng Đương Dương cứu nguy ấu chúa . Đó không chỉ là biểu hiện cao cả của hành động vị nghĩa của Vân Tiên mà còn là thái độ cảm phục của chính tác giả.
Thấy việc nghĩa phải làm mới là anh hùng. Việc nghĩa ấy chính là hành động vì lẽ phải, vì công bằng, không sợ hy sinh. Nói cách khác, đó là hành động vì nhân dân, vì mọi người. Trước sự nghĩa hiệp của anh hùng Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga chân thành, tha thiết tỏ lòng biết ơn và xin được trả ơn, nàng bày tỏ:
“Chút tôi liễu yếu đào thơ
Giữa đường gặp phải bụi dơ đã phần
Hà Khê qua đó cũng gần
Xin theo cùng thiếp đền ân cho chàng
Gặp đây đương lúc giữa đàng
Của tiền chẳng có, bạc vàng cũng không
Tưởng câu báo đức thù công
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng người”
Việc “báo đức thù công” cũng là việc hợp thời với đạo nghĩa xưa nay. Nếu người làm ơn không chịu nhận sự trả ơn thì người chịu ơn bên cạnh sự cảm kích có chút áy náy, không đành lòng. Vì vậy, việc Kiều Nguyệt Nga trả ơn và việc Lục Vân Tiên nếu có nhận sự đền đáp của Nguyệt Nga thì cũng hợp với đạo lý thông thường.
Thế nhưng dù Nguyệt Nga đã hết sức thiết tha, khéo léo vận lẽ thường để muốn cảm tạ, Lục Vân Tiên vẫn khăng khăng không thay đổi tấm lòng “trọng nghĩa khinh tài”:
“Vân Tiên nghe nói liền cười
Làm ơn há dễ trông người trả ơn”
Cả khi Kiều Nguyệt Nga trao trâm “để cầm làm tin”, chàng vẫn nhất mực không chịu nhận bởi suy cho cùng, chiếc trâm ấy cũng là vật chất đời thường mà người quân tử chỉ xem những thứ ấy tựa áng mây trôi. Chỉ đến khi Nguyệt Nga xin đáp lễ bằng một thứ vượt ngoài vật chất thường tình:
“Đưa trâm chàng đã làm ngơ
Thiếp xin đưa một bài thơ giã từ”
Vân Tiên mới đồng ý:
“Làm thơ cho kịp bây chừ chớ lâu”
Đành rằng ngoài chữ “ân” còn có chữ tình, nhưng với thái độ “Làm ơn há dễ trông người trả ơn” tiếp sau hành động quên mình cứu người gặp nạn, điều đó càng làm đẹp thêm lý tưởng của người anh hùng mà Vân Tiên quan niệm:
“Nhớ câu kiến ngãi bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”
Vân Tiên từ chối cái lạy tạ cảm ơn, từ chối lời mời đền đáp, không nhận bất kỳ thứ gì, từ việc ghé đến nhà, nhận tiền của, bạc vàng cho đến một cái trâm cài để giữ làm tin. Đó là cái đẹp của lí tưởng nhân nghĩa, là cái đẹp của đạo lí nhân dân.
Đoạn truyện Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga đã khắc họa rõ nét phẩm chất tốt đẹp của một Lục Vân Tiên dũng cảm, xả thân cứu người, trọng nghĩa khinh tài. Lời Lục Vân Tiên nói với Kiều Nguyệt Nga cũng chính là quan niệm về lẽ sống, về lý tưởng của người anh hùng ở mọi thời đại:
“Nhớ câu kiến ngãi bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.