[Văn] Hãy kể lại câu chuyện thể hiện nếp sống văn minh ở ngoài đường phố hay nơi công cộng

[Văn] Hãy kể lại câu chuyện thể hiện nếp sống văn minh ở ngoài đường phố hay nơi công cộng

Mở bài

Ngày còn nhỏ, em nghĩ những người học giỏi và học thật cao sẽ có nếp sống văn minh, hiện đại. Đến hôm chủ nhật rồi khi chứng kiến việc một ông cụ hằng ngày lấy đá lót đường em mới hiểu thêm rằng trách nhiệm bảo vệ cuộc sống văn minh là không của riêng ai.

Thân bài

Cuối tuần rồi, em được về thăm chú ở một vùng ngoại thành khá hẻo lánh. Đến nhà chú phải băng qua một con đường bê tông nhỏ. Con đường này vắt qua một cánh đồng nên có một đoạn rất vắng người qua lại. Có lẽ thế mà đoạn đường ấy có nhiều chỗ hỏng, đất đá sù sì. Những ngày mưa ngập nước khiến xe cộ muốn qua lại cũng rất khó. Hơn thế nữa các bạn học sinh đi học phải xắn quần lội qua đoạn nước. Trong cơn mưa tí tách, có một cụ già đang đẩy từng xe đá đến lấp vào khoảng trống con đường. mồ hôi cụ hòa vào nước mưa, lưng cụ còng hơn và tấm áo đã bạc phếch. Nhiều người đi đường tò mò nhìn, có người cho rằng cụ làm việc dã tràng, sức cụ yếu thế làm sao có thể lấp được cả đoạn đường. Thế mà ngày nào cụ cũng cần mẫn nhặt từng viên đá cuội bên đường lấp lại.

Em thấy thương cụ nên đến hỏi ông:

  • Ông ơi, ông có mệt không, ông nghỉ tay uống ít nước cho khỏe.

Ông cụ nhìn em rồi ngừng tay:

  • Cảm ơn cháu, già quen rồi, ngày nào cũng tập thể dục sớm cho khỏe người.
  • Ông ơi, sao chẳng ai giúp ông sửa đoạn đường này vậy?

Cụ ôn tồn:

  • Lúc trước cũng có thanh niên tình nguyện xuống đây làm, nhưng xe cộ cứ chạy thì đường lại hỏng. Mà cái đoạn đường này vắng nhà nên chẳng ai cùng già làm đâu. Nhà già ở ngoài phố kia, nhưng thấy tội mấy đứa cháu nhỏ quần áo dơ bẩn, có lúc còn ngã cả xe đạp đấy chứ!

Nghe cụ nói, em thấy thương cụ hơn và cảm phục trước tấm lòng của cụ:

  • Nhưng ông ơi! Sao ông không để mọi người làm, ông già yếu rồi, cháu thấy nhiều người còn khỏe mạnh hơn thế sao họ không làm?

Cụ xoa đầu em:

  • Đường đi là của chung, mình phải có trách nhiệm bảo vệ nó. Việc gì làm được thì làm đừng tị nạnh người khác cháu à!

Em hiểu những lời dạy bảo của ông và thấy lòng vui phơi phới khi gặp được một người có nếp sống văn minh, trách nhiệm với mọi người. Sáng hôm ấy, em xin phép chú ở lại cùng ông đẩy đá đắp đường. Các bạn học sinh thấy thế cũng cùng nhau giúp ông một tay. Chẳng mấy chốc, đoạn đường đã được lấp kha khá, xe cộ qua lại dễ hơn.

Kết bài

Chúng em từ giã cụ và cảm ơn cụ đã cho chúng em một bài học rất ý nghĩa. Hình ảnh cụ già lom khom góp sức cho cộng đồng khiến em nhớ mãi. Đó sẽ là tấm gương sáng thúc giục em cố gắng học tập để có thể đóng góp cho xã hội nhiều hơn.

5/5 - (1 vote)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →