[Văn lớp 8] Thuyết minh chiếc áo dài – bài viết số 3
Bài làm
Trên đất nước Việt Nam, mỗi khu vực, mỗi vùng miền đều có những nét văn hóa đặc trưng riêng về ngôn ngữ, về phong tục tập quán, về trang phục,…làm nên một nền văn hóa chung đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc. Nếu miền Bắc nước ta tự hào với áo tứ thân, nón quai thau, miền Nam tự hào với áo bà ba, nón lá,…thì cả dân tộc ta lại tự hào vì chiếc áo dài. Đây được xem là quốc phục của nước Việt Nam.
Nguồn gốc của chiếc áo dài cũng như nguồn gốc của một nền văn hóa nào đấy, rất khó để phân định rõ ràng. Mặc dù có nhiều tài liệu lịch sử ghi chép về sự ra đời của áo dài nhưng mỗi tài liệu lại có ý kiến khác nhau. Tuy nhiên có thể chấp nhận ý kiến cho rằng chiếc áo dài có liên quan đến việc Nguyễn Phút Khoát xây dựng một nền văn hóa mới để tách biệt văn hóa Đàng Ngoài.
Tiền thân của chiếc áo dài là chiếc áo giao lãnh. Khi mặc thì hai cổ áo để giao nhau, áo mặc phủ ngoài yếm lót, váy, thắt lưng buông thả. Đến thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, kiểu áo dài được chúa đặt định là áo ngũ thân, cổ đứng, cài khuy. Áo ngũ thân che kín thân hình không để hở áo lót. Bốn vạt có tượng trưng cho tứ phụ mẫu, và vạt con nằm dưới vạt trước tượng trưng cho người mặc áo. Vạt con nối với hai vạt cả nhờ cổ áo có bâu đệm và khép kín nhờ năm chiếc khuy tượng trưng cho ngũ thường theo quan điểm Nho giáo và ngũ hành theo triết học Đông phương.
Mỗi thời kì lịch sử, chiếc áo dài truyền thống của người Việt Nam lại được biến tấu để phù hợp, thuận tiện hơn. Chiếc áo dài Việt Nam cổ điển có cấu tạo hài hòa. Bâu áo cao khoảng 2 đến 3cm. Thân áo được tính từ cổ xuống phần eo. Cúc áo dài thường được đính từ cổ chéo sang vai phải rồi kéo xuống ngang hông. Từ eo, thân áo dài được xẻ làm hai tà: tà trước và tà sau ôm lấy từng đường cong cơ thể của người mặc. Tay áo được tính từ vai, may ôm sát cánh tay, dài đến qua khỏi cổ tay một tí. Chiếc áo dài được mặc với quần được may chấm gót chân, ống quần rộng, thường là màu trắng hoặc đen. Ngày nay, chiếc áo dài lại được cách tân cho phù hợp với cuộc sống hiện đại và nhu cầu thẩm mỹ đa dạng của con người. Áo dài ngày nay không nhất thiết may bâu đứng, cánh bâu cao mà có thể may không bâu, cổ thuyền, cổ trụ, cổ tròn, cổ trái tim…Tay áo cũng không may dài đến qua khỏi cổ tay mà chỉ vừa đến giữa khuỷu tay. Tà áo dài có độ dài ngắn khác nhau qua từng thời điểm, tùy sở thích người mặc. Nếu áo dài xưa chỉ được may bằng vải trơn, chất liệu cứng cáp thì ngày nay áo dài lại được may bằng vải mềm, rủ, có độ co giãn tốt với nhiều họa tiết, nhiều màu sắc tạo sư thoải mái, thuận tiện cho người mặc.
Chiếc áo dài có cách riêng để tôn lên vẻ đẹp của mọi thân hình. Phần trên ôm sát thân nhưng hai vạt lại buông nhẹ nhàng, thật mềm mại trên chiếc quần ống rộng. Hai tà xẻ đến eo khiến người mặc thật thoải mái, tạo được dáng thướt tha, tôn lên vẻ nữ tính của người mặc, vừa kín kẽ vừa khêu gợi. Mỗi chiếc áo dài chỉ may riêng cho một người, dành cho riêng người đó. Người mặc được lấy số đo thật kỹ. Khi may xong phải mặc thử để chỉnh sửa cho thật vừa vặn và hoàn thiện. Có lẽ vì vậy mà chiếc áo dài mang tính cá nhân hóa rất cao.
Chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam có thể mặc trong nhiều dịp khác nhau, phù hợp với nhiều đối tượng. Đẹp nhất phải kể đến là áo dài trắng tinh khôi mà các bạn nữ sinh hay mặc đến trường đã đi vào câu hát: “Ôm nghiêng tập vở, tóc dài, tà áo vờn bay…”. Nhắc đến áo dài ta cũng không thể không nhắc đến những cô giáo thướt tha trong bộ áo dài đang ngày ngày tận tụy trên bụt giảng làm kỹ sư tâm hồn, mang con chữ đi gieo tri thức, ươm mầm cho thế hệ tương lai. Với vẻ đẹp trang trọng của chiếc áo dài, ngày nay, một số nơi cũng chọn trang phục này làm trang phục công sở cho nhân viên văn phòng (như nhân viên ngân hàng)…Áo dài vừa truyền thống, vừa hiện đại, vừa kín đáo vừa phô bày được trọn vẹn vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ Việt Nam. Trang phục này là lựa chọn hàng đầu trong những dịp quan trọng như lễ tết, lễ kết hôn – ngày trọng đại nhất trong cuộc đời của những đôi trai gái…“Xuân quê mình ấm áp biết bao nhiêu. Áo dài ai khoe dáng Kiều phố đông…”.
Hình ảnh người con gái Việt Nam khoát trên mình bộ áo dài thật yêu kiều, duyên dáng. Hình ảnh đó đã làm xao lòng biết bao du khách một lần đặt chân đến nước ta. Chiếc áo dài cứ như tượng trưng cho dải đất Việt Nam hình chữ S:
“Chiếc áo quê hương dáng thướt tha
Non sông gấm vóc mở đôi tà
Tà bên Đông Hải lung linh sóng
Tà phía Trường Sơn rực rỡ hoa
Vạt rộng Nam phần chao cánh gió
Vòng eo Trung bộ thắt lưng ngà
Nhịp tim Hà Nội nhô gò ngực
Hương lúa ba miền thơm thịt da”.
(“Chiếc áo dài Việt Nam” – Đinh Vũ Ngọc)
Bộ áo dài chính là quốc hồn, quốc túy của dân tộc. Mặc dù hiện nay có nhiều loại trang phục để con người lựa chọn nhưng áo dài vẫn giữ một vị trí quan trọng trong văn hóa Việt. Chiếc áo dài Việt Nam được bạn bè trên thế giới biết đến như một biểu tượng của cái đẹp toàn mỹ, vừa kín đáo, vừa kiêu sa…Đó là một nét đẹp truyền thống đáng trân trọng, gìn giữ và lưu truyền.