[Văn 8] Thuyết minh về cây bút bi – bài viết số 3

[Văn 8] Thuyết minh về cây bút bi – bài viết số 3

Bài làm

Nếu chỉ được chọn một dụng cụ học tập duy nhất để mang vào phòng thi bạn sẽ mang vật dụng gì? Riêng tôi, tôi sẽ chọn cây bút. Cây bút là một vật dụng không thể thiếu đối với mọi học sinh. Không ai lớn lên mà không biết đến cây bút, nó gắn liền với con người từ thuở lên ba đến lúc trưởng thành, có khi là cả một đời…Bạn sử dụng cây bút hàng ngày, vậy, bạn biết gì về cây bút? Nó xuất hiện khi nào? Do ai sáng chế? Nó có cấu tạo ra sao? Hoạt động như thế nào?Bạn phải làm gì để sử dụng và bảo quản cây bút bi của mình một cách tốt nhất?

Theo như tôi được biết, vào những năm 1930, László Bíró đã phát minh ra bút bi trong một dịp tình cờ. László Bíró vốn là một cộng tác viên biên tập cho một tờ báo nhỏ. Ông thường xuyên cảm thấy khó chịu với việc những cây bút máy luôn bị chảy mực và rất hay bị hỏng. Một hôm, Bíró ra công viên, thấy bọn trẻ chơi bi, một viên bi vô tình chạy qua vũng nước, để lại một vệt dài. Viên bi đó khiến ông nảy ra một ý tưởng đặt viên bi ở đầu bút để nó truyền mực trong ống ra giấy. Nghĩ là làm, ông quyết định tạo ra một loại bút mới cùng với sự giúp đỡ của anh trai tên là George – một nhà hóa học. Loại bút ấy ngày nay được gọi là bút bi.

Chủng loại bút bi rất đa dạng, nhưng về cơ bản có thể chia thành hai loại: bút bi bấm và bút bi có nắp đậy. Mỗi cây bút có độ dài khoảng 14 – 15 cm. Cấu tạo một cây bút bi khá đơn giản, gồm hai bộ phận chính: vỏ bút và ruột bút. Vỏ bút thường được làm từ nhựa cứng, có dạng ống, hình trụ đường kính khoảng 0,9 cm bảo vệ phần ruột bút bên trong. Trên phần vỏ bút thường in mã vạch, tên công ty sản xuất, đường kính viên bi,…Ruột bút là một ống hình trụ khác, đường kính 0,3 cm có chứa mực, một đầu gắn liền với ngòi bút. Dưới ngòi bút là viên bi có tác dụng điều hòa, đưa lượng mực vừa đủ ra giấy, giúp giấy không bị lem. Bút bi dạng bấm còn có thêm lò xo và bộ phận điều chỉnh bút. Lò xo được gắn ngay trên ngòi bút. Phía trên cùng là bộ phận bấm dùng để điều chỉnh ngòi bút ra, vào thân bút.

Đa số bút bi được làm bằng chất liệu nhựa, gọn, nhẹ, dễ sử dụng. Vỏ bút thường trong suốt, không màu giúp ta dễ dàng thấy phần ruột bút bên trong. Để thu hút các bạn học sinh, sinh viên, nhiều nhà sản xuất còn cho ra đời nhiều loại bút bi có vỏ ngoài in hình hoạt hình, hoa cỏ rất bắt mắt và dễ thương. Các màu mực cũng rất đa dạng. Ngoài hai màu căn bản là xanh và đỏ còn có màu tím, màu đen, màu hồng, màu xanh lá,…Không chỉ thế, trên thị trường hiện nay còn xuất hiện một số ít loại bút bi có phần vỏ được làm bằng kim loại được đính đá trang trí, điêu khắc sang trọng. Tùy mục đích sử dụng mà người dùng có thể lựa chọn loại bút phù hợp.

Nguyên lý hoạt động của bút bi rất đơn giản. Khi viết, viên bi ở ngòi bút lăn, truyền mực ra ngoài và khô ngay lập tức khi chạm mặt giấy. Có loại có nắp để đậy lại khi không dùng đến, có loại dùng cách kéo đầu bi vào trong khi không dùng. Việc điều khiển ngòi bút ra, vào thân bút có thể dùng nhiều cách khác nhau, như: dùng nút bấm ở đầu, xoay thân bút, hoặc trượt.

Không chỉ đa dạng về chủng loại, bút bi còn đa dạng về thương hiệu, giá cả. Hiện nay, có nhiều thương hiệu bút bi nổi tiếng trên thị trường trong nước như: Thiên Long, Bến Nghé. Ngoài ra còn có các thương hiệu khác như: Thiên Lộc, Đồng Viên,…Mỗi loại bút bi được bán với giá khác nhau, có sự chênh lệch cao trên thị trường. Hiện nay, một cây bút bi bình thường giá tầm khoảng 3 – 8 nghìn Việt Nam đồng. Các loại bút bi cao cấp giá cao hơn, giao động từ vài chục đến vài tram nghìn đồng.

 Bút bi rất dễ hư khi chúng ta làm rơi. Vì khi đó, viên bi ở đầu ngọn bút sẽ bị tác động mạnh làm cho méo mó, từ đó không thể điều chỉnh lượng mực ra giấy một cách thích hợp. Chúng ta phải bảo quản bút bi như thế nào? Sau khi dùng bút xong, ta nên đậy nắp lại hoặc điều khiển nút bấm hay vặn bút để giấu đầu bi vào trong, tránh hư hỏng khi bị rơi. Tốt nhất là nên hạn chế tối đa việc để bút rơi.

Đối với tôi bút bi như một người bạn đồng hành không thể thiếu trong học tập. Bút bi giúp tôi ghi lại những điều hay, những kiến thức bổ ích, những việc đã diễn ra với tôi trong một ngày, ghi lại những cảm xúc từ tận sâu trái tim…Bút bi giúp cha mẹ tôi ghi lại những công việc cần thiết, để kí tên,…Chắc chắn, tôi và người bạn bút bi còn đồng hành cùng nhau lâu dài trên con đường phía trước.

5/5 - (1 vote)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →