Văn 12: Khái niệm về chất thép trong thơ Hồ Chí Minh
- Chất thép là một hình ảnh ẩn dụ khi nói đến thơ văn Hồ Chí Minh. Chất thép trong thơ được Người dùng để chỉ tính chiến đấu của người chiến sĩ, chỉ tinh thần kiên cường, bất khuất, gan dạ, chỉ tình cảm kiên trung của các chiến sĩ. Những người có tinh thần thép luôn kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách, luôn dũng cảm chiến đấu tới cùng và kiên định với lí tưởng cách mạng. Không chỉ thế, người chiến sĩ có tinh thần thép luôn hướng đến tương lai, sống lạc quan, tự chủ.
- Thơ văn có chất thép phải đề cập đến tính chiến đấu, cách mạng và hình tượng người chiến sĩ “Nay ở trong thơ nên có thép/nhà thơ cũng phải biết xung phong”.
- Giọng điệu thơ phải mang khí thế hừng hực của chiến trường bom đạn và dũng khí tiến công của người chiến sĩ. Thơ cách mạng phải mang tính chiến đấu, cổ vũ, động viên, khích lệ, tán thưởng. Tinh thần thơ là tinh thần của thời đại được kế thừa truyền thống chống giặt ngoại xâm của ông cha.
VD: Phân tích chất thép trong bài thơ Ngắm Trăng của Hồ Chí Minh
Mở bài:
+Ngắm trăng là một tác phẩm hay trong Nhật kí trong tù, bài thơ là kết tinh của chất thép và cảm xúc trữ tình, giữa cổ điển và hiện đại.
+ Trong hoàn cảnh bị tù đày, người tù vẫn ung dung ngắm trăng và làm thơ. Bài thơ ngắm trăng cho thấy rõ tinh thần thép của người tù trong mọi hoàn cảnh vẫn hướng đến ánh sáng của tự do.
Thân bài:
+ Câu thơ đầu “trong tù không rượu cũng không hoa” tả thực về cuộc sống hiện tại của người tù, cảnh tù ngục thiếu thốn hiện ra, trong tù cơm không đủ no áo không đủ ấm lấy đấu ra rượu với hoa.
+ Câu thơ tiếp theo “cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ”, đọc câu thơ đầu tiên chúng ta liên tưởng đến thú vui thưởng nguyệt của người xưa “trăng, hoa, tửu” nhưng thực tại người tù chỉ có mỗi ánh trăng bên ngoài khung sắt. Ánh trăng đẹp của thiên nhiên có đủ sức mạnh làm người tù quên đi thực tại tù đày mà chiêm ngưỡng, say đắm không? Theo bản dịch thơ “đối thử lương tiêu nại nhược hà” chúng ta thấy rõ tâm trạng bối rối của Bác trước cảnh đẹp đêm trăng.
- Trong cảnh tù đày gian khổ và thiếu thốn, điều đặc biệt là mất đi sự tự do mà Bác vẫn làm một cuộc vượt ngục tinh thần để đến với ánh trăng của thiên nhiên, tâm hồn Bác phải thật sự khát tự do, mạnh mẽ và lạc quan mới có thể làm được điều đó.
+ “ Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”
Hai câu thơ này Bác đã tự tách mình ra khỏi vai trò của người tù đang hướng ra ánh trăng để tạo thành một bức tranh đẹp của cuộc đối thoại người và trăng, giữa tâm hồn thi sĩ và một niềm cảm xúc thơ, giữa người bị tù đày và tự do.
Chúng ta không còn thấy hình ảnh người tù trong câu thơ cuối mà thay vào đó là hình ảnh rất đẹp của một thi nhân. Ánh trăng cũng không chỉ là ánh trăng bình thường soi rọi khắp mặt đất mà ánh trăng trở nên có linh hồn, là người bạn tri kỉ của nhà thơ, tìm đến với nhà thơ. Giữa trăng và người có một sự giao hòa rất nhẹ nhàng nhưng lại thắm thiết như quen biết từ lâu. Dù không nói lời nào nhưng hơn ai hết họ hiểu nhau.
Hình ảnh thơ rất lãng mãn, tươi đẹp khiến cho chúng ta không nghĩ đến người thơ đang chịu cảnh tù đày.
Kết bài:
Trong bài thơ chúng ta chỉ thấy những từ ngữ hết sức bình dị, lãng mạn chứ không lên gân hay đanh thép. Vậy mà người đọc lại âm thầm nhận ra ý chí mạnh mẽ trong con người Bác. Dù trong mọi hoàn cảnh Bác vẫn ung dung làm thơ, lạc quan ngắm trăng. Không có bất cứ nhà lao nào giam được tinh thần của Bác, một tinh thần sắt đá luôn hướng về tự do, dân tộc.