Văn 10: Nêu cảm nghĩ về một câu chuyện mà đến nay anh chị không thể nào quên
Mở bài:
Văn học, nghệ thuật bao giờ cũng bắt nguồn từ cuộc sống, sinh ra từ cuộc sống. Đến lượt nó, những tác phẩm, văn chương đem đến cho cuộc sống màu sắc mới, làm phong phú hơn tình cảm của con người, khơi nguồn những xúc động chân thành của mỗi chúng ta. Với tôi, những câu chuyện đã được học luôn để lại những tình cảm và suy nghĩ, trong đó ấn tương nhất là chuyện Trong lòng mẹ của nhà văn Nguyên Hồng.
Thân bài:
Trong lòng mẹ là một đoạn trích hay từ tác phẩm Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng. Đây được xem như cuốn tự truyện về những ngày tháng thơ ấu của nhà văn. Cuốn tự truyện kể về tuổi thơ bất hạnh của câu bé Hồng, mẹ cậu vì gia đình nghèo nên lấy một người chồng không thương yêu. Cha Hồng đam mê thuốc phiện rồi mất, bỏ lại mẹ con Hồng sống trong sự ghẻ lạnh của gia đình bên nội. Không chịu được cảnh tù túng, mẹ Hồng bước thêm bước nữa và đi làm ăn xa bỏ lại Hồng cho người cô. Từ đây, cuộc sống của Hồng mới thật sự bất hạnh khi mỗi ngày đều nghe những lời mai mỉa, cay độc của bà cô đối với mẹ Hồng, người đàn bà phải chịu tiếng nhơ vì chồng chưa đoạn tang đã chửa đẻ với người khác. Đoạn trích Trong lòng mẹ kể về cuộc đối thoại của Hồng và bà cô cùng lần gặp lại mẹ đầy xúc động.
Cuộc đời có ai chọn lựa được nơi mình sinh ra, Hồng cũng thế, Hồng đâu muốn sống trong gia đình mà cha mẹ không đến với nhau bằng tình thương, Hồng cũng đâu biết được cha mất sớm và mẹ đi thêm bước nữa mà gia đình không còn sung túc như xưa. Hồng càng không muốn nghe những lời mỉa mai độc ác từ người cô và mọi người xung quanh về mẹ. Tâm hồm một đứa trẻ quá ngây thơ để người lớn biến chúng thành nơi trút giận. Bà cô cay nghiệt đã làm như thế với câu bé đáng thương. Thế nhưng cậu bé không bị những lời xỉa xói ấy là lung lay tình cảm mẹ con. Lòng cậu vẫn yêu thương, kính trọng mẹ như thuở nào cho dù với một đứa trẻ việc không mua quà bánh hay gửi tiền cho cậu, không viết một lá thư thăm cậu là điều đáng buồn. Hơn ai hết, cậu hiểu hoàn cảnh của mẹ mình, vì miệng đời, vì ánh mắt soi mói của người xung quanh mẹ phải tha hương cầu thực. Người mẹ nào cũng muốn gần con, chỉ vì hoàn cảnh không cho phép mẹ mang theo cậu bé. Chắc hẳn rằng Hồng hiểu những điều đó thế nên cậu mới khó chịu với những lời ngọt ngào giả tạo của bà cô và muốn cắn, nhai những hủ tục lạc hậu đã đày đọa mẹ mình.
Người phụ nữ ngày xưa thật đáng thương. Khi có chồng con họ chẳng có quyền để sống cho mình. Ngay khi chồng chết muốn bước thêm bước nữa cũng sợ tiếng đời mai mỉa, trong khi đó đàn ông lại có quyền vợ bé, vợ mọn, có quyền ăn chơi đàn đúm. Việc có con với người khác khi chồng chết là điều ghê ghớm trong xã hội. Không ai nghĩ phụ nữ cũng cần phải sống cho mình và cần hạnh phúc. Người mẹ của cậu bé Hồng không hề đáng trách. Không hiểu sao khi đọc đến đoạn thấy bóng mẹ trên xe, cậu Hồng chạy theo gọi tôi đã khóc. Khóc như thấy chính mẹ mình sau những ngày xa cách. Tôi thương cậu và cũng thương người mẹ đáng tội nghiệp ấy, phải xa con vì miệng đời chắc lòng người mẹ lúc nào cũng canh cánh nỗi lo, vừa nhớ thương lại oán trách mình.
Chẳng có gì có thể chia cắt tình mẫu tử bởi vì nó là tình cảm thiêng liêng ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Hồng không thể quên mùi quần áo cùng mùi trầu của mẹ, nó là hơi ấm là tình thương mẹ dành cho cậu. Ai một lần bé lại và lăn vào lòng mẹ, được mẹ ôm ấp vuốt ve sẽ thấy mình chẳng khác nào đứa trẻ con, chẳng muốn lớn mà chi khi ngoài kia không ai yêu thương mình hơn mẹ. Được mẹ may cho từng tấm áo, pha từng ly sữa, móm từng bát cơm chắc không ai muốn mình lớn lên và mẹ già đi bao giờ.
Kết bài:
Trang sách khép lại, trang đời mở ra. Cậu Hồng không còn chỉ là cậu bé trong truyện nữa, cậu là tôi, là những người bạn tôi đã gặp, những đứa con cần mẹ thương yêu…Cậu đã nhỏ xuống giọt nước mắt thật đẹp cho cuộc đời, truyền cho chúng tôi hơi ấm về tình mẫu từ và những điều thiêng liêng nhất. Cảm ơn cậu, Hồng ạ! Tôi sẽ yêu thương, trân trọng người mẹ của mình để không phải hối tiếc khi mai nay lớn lên, không được bên mẹ nữa.