Bộ đề thi tốt nghiệp THPT 2018
Đề 3:
Phần I: Đọc Hiểu
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:
Một khi đã phân biệt chuyện nào đúng, chuyện nào sai, người nào đúng, người nào sai, khi đó bạn đã tự mặc định việc lựa chọn phe cho mình. Khi phân định rạch ròi đúng – sai, chúng ta có xu hướng tốn công thuyết phục những người xung quanh để họ có cùng niềm tin như mình, thậm chí còn ghét bỏ, không thể đứng cùng một chỗ với người có tư tưởng đối lập. Bạn đã bao giờ tự hỏi, điều gì khiến bạn cảm thấy khó chịu, ghét bỏ đối phương vào lúc đó chưa? Vì họ có quan điểm trái ngược? Hay vì họ không chịu lắng nghe bạn, không tin bạn, không tuân theo bạn, không thừa nhận rằng bạn đúng? (…)
Chúng ta có nhất thiết cần phải chiến đấu đến cùng với người khác để giành được phần thắng, để được thừa nhận? Đến cuối cùng, chiến thắng đó liệu sẽ đem lại cho bạn điều gì? Bạn có thực sự chiến thắng không hay đó đơn thuần là chiến thắng của “cái Tôi” bên trong bạn?
Một “cái Tôi” luôn kêu gào muốn người khác phải nghe mình, phải tôn trọng mình, phải để mình làm chỉ huy. Một “cái Tôi” khắc khoải mong được thừa nhận. Một “cái Tôi” thích chiến đấu hơn là nhún nhường. Một “cái Tôi” nói lý lẽ rất giỏi, nhưng lại chỉ thích bịt tai, vì không chịu lắng nghe nên chưa thể hiểu, chưa thể thương một người có lựa chọn khác biệt. Một “cái Tôi” vẫn còn cầm tù mình trong những vai trò, ranh giới, ẩn giấu bên trong là những lo toan, sợ hãi nên khi đứng trước sự đối lập, mới vội vàng nóng giận, vội vàng tức tối, cảm thấy bị đe doạ và lo lắng về tương lai. Khi “cái Tôi” tù túng thì sẽ rất khó để nó thực sự tôn trọng sự tự do của kẻ khác.
(Trích Chúng ta đâu chỉ sống cho riêng mình – Dương Thùy, Nxb. Hà Nội, 2016, tr.118 – 119)
Câu 1. Xác định những phép liên kết được sử dụng trong đoạn (1) và (3) của văn bản. (0,5 điểm)
Câu 2. Theo tác giả, một “cái Tôi” tù túng thường có những biểu hiện như thế nào? (0,5 điểm)
Câu 3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn (3) của văn bản. (1,0 điểm)
Câu 4. Theo anh/chị, việc đề cao “cái Tôi” cá nhân sẽ tác động như thế nào đến lối sống của thế hệ trẻ hiện nay? (1,0 điểm)
Phần II: Tập Làm Văn
Câu 1: Hãy viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề được đặt ra trong văn bản: Chúng ta có nhất thiết cần phải chiến đấu đến cùng với người khác để giành được phần thắng, để được thừa nhận?”
Câu 2: Truyện ngắn thường kết thúc bằng những hình ảnh có tư tưởng lớn. Hãy phân tích hình ảnh kết thúc của tác phẩm Vợ nhặt (Kim Lân), Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) và Chí Phèo (Nam Cao) để làm rõ ý kiến trên
Gợi ý làm bài
Phần I:
Câu 1: Các phép liên kết trong đoạn:
- Phép nối bằng quan hệ từ: nhưng…
- Phép thế: “những người xung quanh, đối phương” được thế bằng “họ”
- Phép lặp: Một cái tôi
Câu 2: Cái Tôi tù túng có những biểu hiện sau: luôn kêu gào khiến người khác nghe mình, tôn trọng mình, phải để mình làm chỉ huy; khắc khoải mong người khác thừa nhận; thích chiến đấu hơn là nhúng nhường, nói lí lẽ rất giỏi nhưng không chịu lắng nghe; cầm tù mình trong những vai trò, ranh giới, ẩn giấu bên trong là những lo toan, sợ hãi; đứng trước sự đối lập mới vội vàng nóng giận, cảm thấy bị đe dọa..
Câu 3: Các biện pháp tu từ:
- Phép liệt kê: dùng để diễn tả những biểu hiện của cái Tôi tù túng, giúp mọi người nhận rõ sự phức tạp của nó.
- Phép điệp từ, điệp ngữ: một cái tôi, mình..dùng để nhấn mạnh mặt không tích cực của cái tôi, qua đó bộc lộ thái độ không đồng tình của tác giả, định hướng nhận thức, cách sống tích cực.
Câu 4: Đề cao cái tôi cá nhân có tác động nhiều chiều:
- Tích cực: giúp mọi người trở nên khác biệt, nổi bật; tự tin , tự chủ, độc lập trong cuộc sống của chính mình; khẳng định giá trị bản thân.
Phần II:
Câu 1: xác định đúng vấn đề nghị luận: Chúng ta có nhất thiết cần phải chiến đấu đến cùng với người khác để giành được phần thắng, để được thừa nhận?”
- Giải thích: Chiến đấu đến cùng là chiến đấu trong tư thế kiên quyết, đến cùng, không khoan nhượng khi có sự mâu thuẫn, xung đột giữa bản thân với người khác. Vấn đề đặt ra là có phải lúc nào cũng cần thiết phải giành phần thắng và được thừa nhận?
- Phân tích:
+ Trong cuộc sống đôi khi cần phải chiến đấu đến cùng để bảo vệ quyền lợi, bảo vệ tính mạng, hướng đi, quan điểm của bản thân trước sự bó buộc, thỏa hiệp của cái xấu, cái ác…
+ Chiến đấu để chứng tỏ bản lĩnh, lập trường của bản thân
- Tuy nhiên không phải lúc nào cũng chiến đấu đến cùng nếu “cuộc chiến” ấy không nhất thiết phải giành thắng lợi hoặc chỉ giành thắng lợi để được thừa nhận và thỏa mãn sự tự cao của bản thân. “Chiến đấu đến cùng” gây ra tác dụng ngược lại khiến chúng ta trở nên cực đoan, cố chấp, hiếu chiến, hiếu thắng. Kết quả chỉ làm bản thân và người khác bị tổn thương.
- Rút ra giải pháp, hành động và bài học cho bản thân.
Câu 2: Yêu cầu của đề:
- Khái quát tác giả, tác phẩm về phong cách nghệ thuật, nội dung và tư tưởng chủ đạo
- Nhớ đúng kết thúc mỗi truyện và phân tích được giá trị tư tưởng, nghệ thuật của nó.
Mở bài:
- Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật độc đáo, trong khi đó Kim Lân là nhà văn của người dân lao động khi ông nắm rõ tâm lý và cảnh ngộ của họ. Nguyễn Minh Châu lại là ngòi bút xuất sắc của văn học hiện đại thời kì đổi mới.
- Chí Phèo là tấn bi kịch của người nông dân bị tha hóa dưới chế độ nửa thực dân phong kiến; Vợ Nhặt là tình cảnh thảm thương của người lao động trong nạn đói năm 1945; Chiếc thuyền ngoài xa là những suy tư, chiêm nghiệm về hiện thực đời sống và nghệ thuật.
- Kết thúc ba tác phẩm này đều là những kết tinh về nghệ thuật và giá trị tư tưởng lớn.
Thân bài:
- Kết thúc truyện ngắn Chí Phèo: Chí Phèo cầm dao đến nhà Bá Kiến đòi lương thiện, đâm chết Bá Kiến rồi tự tử. Cái chết đầy bất ngờ của hai tên ác ôn là chủ đề bàn tán của mọi người:
Thị Nở nhìn xuống bụng mình, trong đầu thị thoáng thấy cái lò gạch cũ – kiểu kết thúc đầu cuối tương ứng tạo sự ám ảnh cho người đọc về hình tượng cái lò gạch cũ và một đứa trẻ bị bỏ rơi. Chí Phèo sinh ra từ đấy cũng qua hết một đời người đầy tội lỗi và thương tâm. Ai biết đâu chừng rồi cái lò gạch cũ lại là nơi bắt đầu cho những Chí Phèo con? Cái vòng tuần hoàn lẩn quẩn đó sẽ không có hồi kết nếu xã hội còn tồn tại chế độ thực dân, cường quyền, người dân nghèo còn chịu những áp bức, tù đày.
- Hình ảnh kết thúc này là tiếng nói lên án gay gắt chế độ xã hội nửa thực dân – phong kiến đã bóp chết hi vọng sống, không cho người dân quyền hạn gì ngay cả quyền được làm người.
- Hình ảnh có lay động bởi trong đó là một tình yêu rất nhân văn mà người đàn bà xấu xí như ma chê quỷ hờn – Thị Nở – dành cho con quỷ dữ. Khi mọi người chẳng ai tin ở cái thằng Chí Phèo có thể làm Người thì Thị lại tin điều đó.
- Kết thúc cũng là niềm tin mà Nam Cao đặt vào con người, ông để nhân vật chết vì chỉ có con đường này Phèo mới giải phóng cho tấn bi kịch sinh ra là con người những bị từ chối quyền làm người. Nhân vật của ông chết để được sống đúng nghĩa. Mặc dù kết thúc có phần hạn chế nhưng đó cũng là quy luật tất yếu khi ánh sáng cách mạng chưa soi rọi con đường giải phóng của người dân.
- Kết thúc tác phẩm Vợ Nhặt: Tiếng trống hối hả, dồn dập đã xé tan bầu không khí nặng nề trong bữa cơm nghèo và mở ra câu chuyện về những người nông dân không chịu đóng thuế, phá kho thóc Nhật chia cho người nghèo qua lời kể của cô con dâu. Lúc này trong đầu Tràng cũng hiện ta hình ảnh “những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp. Đằng trước có lá cờ đỏ to lắm” và “đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”.
- Phản ánh hiện thực của các phong trào nhân dân nổi dậy chống lại sự áp bức của thực dân, phát xít. Dù mới manh nha nhưng đó là tương lai của tất cả những người dân nghèo đói. Chỉ có con đường đấu tranh mới có thể giải phóng cuộc đời khỏi những đau khổ, nghèo đói triền miên.
- Hi vọng vào ngày mai tươi sáng , niềm tin vào sự sống và khát vọng được sống luôn tồn tại trong mỗi con người.
- Tác giả gợi mở cho nhân vật của mình hướng đi mới. Rồi mai đây, trong đoàn người nông dân khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ có Tràng.
- Kết thúc mở có xu hướng tích cực, tác giả dành cho người đọc một khoảng trống để họ suy ngẫm và phán đoán.
- Kết thúc truyện Chiếc thuyền ngoài xa: Phùng được nhận nhiệm vụ chụp một tấm ảnh lịch về chủ đề thuyền và biển. Sau mấy ngày chờ đợi, cuối cùng nhà nhiếp ảnh đã ghi lại được khoảnh khắc tuyệt vời cảnh chiếc thuyền lưới vó trong buổi sớm mai. Xét về góc độ nghệ thuật, bức ảnh ấy là toàn bích, tuy nhiên nó lại ẩn chứa những nghịch lí về đời sống và nghệ thuật. Câu chuyện kết thúc bằng hình ảnh “người đàn bà đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch…hòa lẫn trong đám đông”. Mặc dù đó tấm ảnh trắng đen nhưng mỗi ngắm kĩ, Phùng đều nhận ra cái màu hồng hồng của buổi sớm mai.
- Ý nghĩa nghệ thuật của bức ảnh trắng đen: Khi loại bỏ tất cả lớp hào nhoáng bên ngoài thì cái thật của cuộc đời chỉ là hai màu đen trắng. Tuy vậy nếu chăm chú nhìn, chăm chú tìm kiếm thì sẽ phát hiện được cái màu hồng hồng của nắng mai. Cuộc đời vẫn còn những chỗ đáng yêu, những người đáng tin chỉ có điều nó bị ẩn dấu đằng sau vô vàn cái rối rém của đời thường. Màu hồng ấy cũng là sự vĩnh viễn của nghệ thuật.
- Vẻ đẹp đời thường: Vẻ đẹp của một người phụ nữ VN chịu thương, chịu khó, hi sinh vì chồng con, nhân hậu, vị tha và hiểu lẽ đời. Đời thường khốn khổ là thế nhưng cũng có những hạnh phúc tưởng chừng đơn sơ mà trở thành động lực để người ta trải qua cuộc đời cay đắng.
- Nghịch lí giữa đời sống và nghệ thuật tấm ảnh nằm bất động ở một nơi trang trọng trong những gia đình sành nghệ thuật còn số phận những con người trong ảnh thì đau đáu ngoài kia, đang vật lộn từng ngày với miếng cơm, manh áo. “Bàn chân chị giậm lên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông”, những con người vô danh như chị không phải là ít. Họ đã bén rễ với cuộc sống từ thuở nào nhưng dường như xa lạ với những tác phẩm tuyệt mỹ thể hiện về họ.
- So sánh ba hình ảnh kết thúc:
+ Mỗi kết thúc truyện đều có sức ám ảnh sâu sắc, góp phần nổi bật tư tưởng của tác phẩm.
+ Kết thúc truyện Chí Phèo là kết thúc khép kín mang ý nghĩa tố cáo
+ Kết thúc truyện Vợ Nhặt và Chiếc thuyền ngoài xa là kết thúc mở mag giá trị thức tỉnh.