Bộ đề ôn thi tốt nghiệp THPT 2018
Đề 9
Phần I: Đọc hiểu
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
“Khi còn trẻ, hãy ra ngoài nhiều hơn ở nhà. Hãy nhào vô xin người khác “bóc hết, lột sạch” khả năng của mình. Chỉ sợ bất tài nộp hồ sơ “xin việc” mà chả ai thèm cho, chả ai thèm bóc lột. Khi đã được bóc và lột hết, dù sau này đi đâu, làm gì, bạn đều cực kỳ thành công. Vì năng lực được trui rèn trong quá trình làm cho người khác. Sự chăm chỉ, tính kỷ luật, quen tay quen chân, quen ngáp, quen lười… cũng từ công việc mà ra. Mọi ông chủ vĩ đại đều từng là những người làm công ở vị trí thấp nhất. Họ đều rẽ trái trong khi mọi người rẽ phải. Họ có những quyết định không theo đám đông, không cam chịu sống một cuộc đời tầm thường, nhạt nhòa… rồi chết.
Còn những bạn thu nhập 6 triệu cũng túng thiếu, 20 triệu cũng đi vay mượn để tiêu dùng, thì thôi, cuộc đời họ chấm dứt giấc mơ lớn. Tiền nong cá nhân quản lý không được, thì làm sao mà quản trị tài chính một cơ nghiệp lớn? Tư duy thế nào thì nó ra số phận thế đó.”
( Tony buổi sáng – trích Trên đường băng)
Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ được sử dụng
Câu 2: Tìm và chỉ ra phép liên kết trong đoạn một
Câu 3: Nêu nội dung chính của đoạn trích
Câu 4: Trình bày quan điểm của anh chị về điều mà tác giả nhắc đến: Mọi ông chủ vĩ đại đều từng là những người làm công ở vị trí thấp nhất. Họ đều rẽ trái trong khi mọi người rẽ phải. Họ có những quyết định không theo đám đông, không cam chịu sống một cuộc đời tầm thường, nhạt nhòa… rồi chết.
Phần II: Tập làm văn
Câu 1:Hãy viết một đoạn văn (200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh chị về thông điệp được gửi gắm qua đoạn trích trên.
Câu 2: Cảm nhận của anh chị về hình ảnh cái lò gạch cũ trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao và hình ảnh rừng xà nu trong truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Trung Thành.
Gợi ý làm bài:
Phần I:
Câu 1: Phong cách ngôn ngữ chính luận
Câu 2: phép liên kết:
- Phép nối: “vì” nối câu ba và câu bốn
- Phép lặp: “bóc, lột, họ”
- Phép thế: họ thay thế “ông chủ”
- Phép liên tưởng, trường từ vựng về “lao động” : khả năng, xin việc, thành công, năng lực, chăm chỉ, tính kỉ luật…
Câu 3: Nội dung: thái độ làm việc để có thể thành công trong sự nghiệp và khả năng quản lí tài chính của mỗi người.
Câu 4: Học sinh trình bày quan điểm của bản thân
Phần II: Tập làm văn
Câu 1: Vấn đề nghị luận: thông điệp của đoạn trích
- Khái quát lại nội dung đoạn trích từ đó rút ra thông điêp: phải mạnh dạn dấn thân để học và trải nghiệm bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, quan trọng là có tư duy quản lí tài chính.
- Thực trạng: có nhiều người, nhất là giới trẻ sống bám, ỷ lại, sống buông thả không có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội, lo lắng sợ vấp ngã mà không dám dấn thân.
- Nguyên nhân: thiếu tự lập từ bé, không đủ khả năng, không tự tin
- Hậu quả: thành thói quen xấu quyết định tính cách và số phận sau này, gánh nặng cho gia đình, xã hội.
- Biện pháp: trang bị kiến thức thực tế, đừng ngại va chạm, ra ngoài học hỏi
- Bài học và liên hệ bản thân.
Câu 2:
Mở bài: giới thiệu hai tác giả Nam Cao và Nguyễn Trung Thành, hai tác phẩm và nội dung của vấn đề cần nghị luận
Thân bài:
- Giống nhau:
- Đều là hai hình ảnh nghệ thuật mang ý nghĩa biểu tượng, gửi gắm thông điệp của nhà văn
- Đều có sức ám ảnh, ấn tượng mạnh trong lòng người đọc và được chọn làm tên truyện (Chí Phèo ban đầu có tên là Cái lò gạch cũ)
- Đều xuất hiện ở đầu và cuối tác phẩm tạo nên vòng khép kín của nghệ thuật đầu cuối tương ứng.
- Khác nhau:
- Hình ảnh cái lò gạch cũ:
- Nghĩa tả thực: Đây là hình ảnh quen thuộc của vùng nông thôn Việt Nam trước kia. Lò gạch là loại lò được làm từ gạch dùng để đun nấu, lò gạch cũ bị bỏ hoang không còn sử dụng.
- “Một anh đi thả ống lươn nhặt được Chí Phèo trần truồng và xám ngắt trong một cái váy đụp để bên cái lò gạch bỏ không” ở đầu truyện và “Thị nhớ đến lúc ăn nằm với hắn …rồi nhìn nhanh xuống bụng rồi đột nhiên Thị thấy thoáng hiện ra cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người qua lại” ở cuối truyện =>Đó là cái dòng luẩn quẩn mà một đứa bé không cha, không mẹ không người thân như Phèo phải chịu. Khi sinh ra Chí đã bị từ chối quyền được làm con, được nuôi nấng tử tế. Lớn lên xã hội cũng từ chối Chí quyền sống lương thiện cho đến Chí dùng cái chết để đòi lương thiện. Chí Phèo cha mất thì rồi sẽ có những Phèo con được sinh ra. Không hẳn do Thị sinh mà do xã hội nửa phong kiến, tù đày thực dân sinh ra. Nam Cao muốn khẳng định: Chí phèo không phải là một số phận cá biệt mà là một hiện tượng có tính phổ biến. Khi nào còn chế độ thực dân, tù đày thì người nông dân còn bị tha hóa về nhân hình và nhân tính.
- Hình ảnh này tập trung thể hiện giá trị nhân đạo và hiện thực của của nhà văn, tuy nhiên còn bộc lộ phần hạn chế ở cái nhìn bi quan về tương lai bế tắc của người nông dân. Điều đó có thể giải thích do cảm quan nghệ thuật và hoàn cảnh xã hội của tác giả.
- Hình ảnh rừng xà nu:
- Ý nghĩa tả thực: đó là một loại cây đặc trưng của vùng rừng Tây Nguyên với hình dáng như một mũi tên lao thẳng lên trời; sinh trưởng rất khỏe; ham ánh sáng “phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh sáng..”Cây xà nu là loài cây gắn bó với người dân làng Xô man trong mọi hoạt động: gỗ làm cũi, khói làm bảng, nhựa làm đuốc; rừng xà nu là nơi ẩn nấp, hoạt động cách mạng của dân làng, che chở dân làng khỏi tầm bom đạn của Mỹ.
- Ý nghĩa ẩn dụ:
+ Cây xà nu như một nhân vật tham gia câu truyện bắt đầu từ mở truyện xuyên suốt tác phẩm đến cuối truyện.
+ Rừng xà nu như một nhân chứng chứng kiến những sự kiện trọng đại của dân làng, kề vai sát cánh họ trong cuộc đấu tranh với kẻ thù: Đêm đêm người dân mài giáo dưới ánh lửa xà nu; giặc đốt mười đầu ngón tay của T nú bằng nhựa xà nu; xác giặc nằm ngổn ngang trên đống lửa xà nu…
+ Cây xà nu được nhân hóa thành những tính cách, đại diện cho các thế hệ của dân làng Xô man: Cụ Mết – cây xà nu già, vững chãi; T nú – cây xà nu mang đầy thương tích nhưng vẫn chiến thắng bom đạn kẻ thù; Dit – cây xà nu đang trưởng thành, ham sáng; Heng – cây xà nu con đầy nghị lực…
+ Cây xà nu còn tượng trưng cho những phẩm chất của con người Tây Nguyên: đầy đau thương, uất hận và căm thù giặc; sức sống mãnh liệt không chịu khuât mình, luôn vươn lên ánh sáng; khát vọng tự do, lí tưởng cao đẹp; thế hệ nối tiếp thế hệ giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
- Nguyên nhân của sự giống và khác nhau:
- Giống: Đều là dụng ý nghệ thuật của tác giả xây dựng nên nhằm để lại ấn tượng mạnh, thể hiện tư tưởng, giá trị của tác phẩm.
- Khác nhau: do hoàn cảnh sáng tác và hoàn cảnh lịch sử:
+ Chí Phèo được sáng tác trước CMT8 trong thời kì đen tối của xã hội Việt Nam. Nam Cao là nhà văn của phong trào hiện thực phê phán và chưa nhìn thấy lối thoát cỉa người nông dân.
+ Nguyễn Trung Thành sáng tác truyện năm 1965, ngay lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt. Nguyễn Trung Thành là nhà văn cách mạng nên phải chỉ ra chiều hướng tích cực của đời sống xã hội.
Kết bài:
- Cả hai chi tiết nghệ thuật đều là sáng tạo độc đáo của hai nhà văn góp phần làm sáng nên nội dung tư tưởng của chủ đề.
- Làm phong phú hệ thống hình ảnh biểu trưng của văn học dân tộc.