Đề: Tả một cụ già (ông cụ, bà cụ) mà em biết
Mở bài: Chẳng hiểu sao tôi lại có tình cảm đặc biệt đối với những cụ già. Khi gặp họ,tôi thường liên tưởng đến ông bà mình, những người đã sống trọn cuộc đời cho con cháu. Gần nơi tôi ở cũng có một bà cụ đáng kính như thế, bà là bà ngoại của Minh – bạn cùng lớp tôi, vì thế tôi cũng xem như chính bà ngoại của mình.
Thân bài: Tôi không biết bà tên gì, và cả xóm tôi cũng vậy, lâu rồi người ta gọi bà là bà Tư theo cách gọi người chồng quá cố của bà. Tôi gọi theo Minh là bà ngoại Tư. Bà sắp bước sang tuổi 85, cái tuổi mà bà vẫn thường hay đùa với chúng em “bà sống tính bằng ngày”. Bà ngoại Tư không thấp nhưng tuổi già làm bà yếu đi, lưng còng xuống. Nhìn dáng bà liêu xiêu chống gậy, tôi thầy thương bà lắm. Mái tóc bà bạc trắng chẳng khác gì bà tiên trong cổ tích. Mỗi lần nhìn thấy những vết nhăn trên vầng trán,tôi và Minh lại lo lắng vì thời gian trôi quá nhanh. Nếp nhăn kéo dài xuống cả khóe mắt và khuôn miệng. Mắt bà chẳng còn tinh tường như xưa nữa, hai khóe mắt lúc nào cũng ươn ướt nhất là từ khi ông Tư qua đời. Tôi còn nhớ ngày ấy, mắt bà trũng sâu và ẩn chứa nổi buồn. Những giọt nước mắt lặng lẽ rơi trên di vật ông để lại. Tôi chỉ biết nắm lấy đôi bàn tay gầy guộc của bà, đôi bàn tay nhăn nheo với nhiều vết đồi mồi xám xịt. Ngày trước đôi tay này đã dắt tôi và Minh ra vườn chơi sao giờ đây run run yếu ớt. Thời gian đã cướp đi sức khỏe của bà và trả lại tuổi tác ngày một tăng thêm. Gia đình của Minh khá giả, ba mẹ Minh luôn lo lắng cho bà đầy đủ như Ngoại Tư vẫn sống giản dị. Bà thích mặc những bộ áo quần pjama rộng rãi.Các cô chú mua cho bà áo mới nhưng bà luôn từ chối “bà có đi đâu xa đâu mà mua nhiều quần áo”. Ngày xưa, ngoại Tư là quân y, cùng ông tham gia kháng chiến. Sau này hòa bình, bà làm việc ở một bệnh viện lớn. Dù về hưu đã lâu nhưng bà vẫn giữ tính tỉ mỉ, cẩn thận của nghề. Dù đi lại khó khăn nhưng lúc bà khỏe, bà Tư vẫn phụ giúp mẹ Minh làm việc nhà. Sáng nào bà cũng dậy sớm quét sân và ngắm những chậu kiểng mà ông trồng trước nhà. Bà đeo chiếc kính lão rồi đọc báo. Trí nhớ của bà dần bỏ lại ở những ngày quá khứ nên bà hay quên, hay nhớ. Có những tờ báo bà đọc lại mấy lần vì nghĩ mình chưa đọc. Câu chuyện cổ tích bà kể cho tôi và Minh nghe,chúng tôi vẫn thuộc làu làu nhưng vẫn ngoan ngoãn lắng nghe như được nghe lần đầu. Bà Tư hiền lành như tất cả những người bà trên đời. Bà đã trải qua bao nhiêu được mất, vui buồn trong đời nên hơn ai hết, bà trân trọng những gì quanh mình, bà yêu thương mọi người như anh em, con cháu. Dù sức khỏe kém và đường xa xôi, nhưng mỗi dịp tết bà đều về thăm quê, viếng mồ mã tổ tiên, thăm họ hàng. Có thức gì ngon bà cũng mang đến biếu hàng xóm,láng giềng. Bà vẫn giữ được truyền thống thơm thảo, ân tình của dân tộc ta.
Bà là chỗ dựa tinh thần cho cả gia đình Minh, những quyết định quan trọng của ba mẹ Minh đều tham khảo ý kiến của bà. Ngày trước bà còn khỏe, bà vẫn hỗ trợ công việc làm ăn cho ba mẹ Minh. Bà vẫn thường nhắc nhở ba mẹ Minh quan tâm nhiều hơn đến việc học hành của Minh. Bà tôi mất từ khi tôi chưa chào đời, may là có bà của Minh nên tôi cảm thấy mình được an ủi, được cảm nhận tình thương của một người bà. Những ngày còn bé, mỗi đêm trăng đẹp, tôi đều chạy tót qua nhà Minh để cùng ngồi dưới gốc cây xoài to trước sân rồi ngửa cổ lên trời ngắm vầng trăng sáng. Lúc ấy,bà Tư sẽ mang cho chúng tôi một rổ khoai luộc hoặc ổi chín thơm lừng. Bà thong thả kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện từ cổ tích đến chuyện ngày xưa bà ở rừng chiến đấu. Bà cho tôi sống lại những ngày tháng tươi đẹp và đau thương của quá khứ. Bà dạy chúng tôi những truyền thống ông cha qua cao dao, tục ngữ.
Kết bài: Bà ngoại Tư cho tôi một tuổi thơ trọn vẹn, có bạn bè, có bà tiên, ông bụt và có cả những lời dạy bảo của bà. Dù không phải là cháu ruột của bà nhưng tôi vẫn lo sợ một ngày kia như câu ca bà hát “gió đưa cây cải về trời/ rau răm ở lại chịu đời đắng cay”. Tôi chỉ cầu mong bà luôn khỏe mạnh, vui vẻ để chứng kiến Minh và tôi trưởng thành.