[Ôn tập văn 10] Phần Tập Làm Văn – học kỳ 1

[Ôn tập văn 10] Phần Tập Làm Văn – Học Kỳ 1

1.Văn bản:

– Khái niệm: Văn bản là sản phẩm của hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ được tạo thành từ nhiều đoạn, nhiều câu, thể hiện nội dung, chủ đề một cách trọn vẹn. Các đoạn trong văn bản phải được liên kết chặt chẽ về nội dung và hình thức.

– Văn bản được chia làm hiều loại theo phong cách chức năng ngôn ngữ.

  1. Lập dàn ý bài văn tự sự:

  – Lập dàn ý là một trong những bước quan trọng để tạo lập văn bản. Đối với bài văn tự sự, việc lập dàn ý giúp người viết hiểu rõ được nội dung chính cho câu chuyện mà mình sẽ trình bày.

– Bố cục bài văn tự sự gồm 3 phần:

+ Mở bài: giới thiệu câu chuyện (hoàn cảnh, không gian, thời gian, nhân vật, sự kiện v.v…).

+ Thân bài: tái hiện sự việc, chi tiết theo trình tự hợp lý.

+ Kết bài: kết thúc câu chuyện, nêu cảm nghĩ về câu chuyện vừa kể.

Ví dụ: Với đề bài “Kể tiếp chuyện anh con trai lão Hạc trở về gặp ông giáo”, chúng ta có cách lập dàn ý như sau:

– Mở bài: Hoàn cảnh anh con trai lão Hạc trở về.

– Thân bài:

+ Anh con trai về, nghe ông giáo kể về hoàn cảnh của cha:

+ Lão Hạc đau khổ khi phải bán con chó Vàng.

+ Làng mất vé sợi, lão Hạc phải ăn củ chuối, sung luộc để sống.

+ Lão Hạc dành dụm, tích cóp tiền gửi ông giáo để lo việc tang ma cho chính mình.

+ Cái chết đau đớn mà đầy lòng tự trọng của lão.

+  Ông giáo trao kỷ vật cho anh con trai lão Hạc.

+ Anh con trai cùng ông giáo ra viếng mộ cha:

+  Anh kể với cha về những năm tháng xa cha, xa nhà.

+ Anh con trai ân hận vì đã bỏ nhà mà đi xa mà không gửi về một bức thư từ hay lời nhắn gửi.

+ Hứa với cha sẽ sống cho xứng đáng với sự hy sinh của cha.

+ Anh con trai gửi lại ông giáo những di vật của cha và ra đi:

+ Cảm ơn ông giáo vì đã giúp đỡ cha mình.

+ Kể cho ông giáo biết anh đã giác ngộ và đã là người của cách mạng.

+ Gửi lại ông giáo di vật của cha và tiếp tục ra đi chiến đấu.

+ Hứa hẹn ngày trở về.

– Kết bài: Ông giáo tiễn anh con trai lên đường, lòng đầy hy vọng.

* Lưu ý: để có thể lập được một dàn ý tốt, cần phải xác định được đề tài, xác định nhân vật, sự kiện, chọn và sắp xếp các sự việc, chi tiết tiêu biểu thành cốt truyện.

  1. Chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu trong bài văn tự sự:

  – Muốn lựa chọn được sự việc, chi tiết tiêu biểu khi viết bài văn tự sự, người viết cần:

+ Xác định đề tài của văn bản.

+ Hình dung được cốt truyện, các nhân vật và quan hệ của các nhân vật. Có thể xây dựng kiểu cốt truyện truyền thoogns gồn phần mở đầu – phát triển – cao trào – kết thúc hoặc cũng có thể là cốt truyện theo kiểu truyện hiện đại: loại cốt truyện không theo trình tự kể trên, có thể đảo lộn hoặc thiếu một phần nào đó hoặc như Thạch Lam với những câu chuyện không có cốt truyện.

+ Chia cốt truyện thành các đoạn, mỗi đoạn sẽ ứng với một sự kiện, một chi tiết tiêu biểu, nổi bật. Để có thể có được chi tiết này, người viết phải quan sát, suy ngẫm, khôi phục những ấn tượng đặc biệt mà ta đã đọc hay học được từ cuộc sống. Và đặc biệt phải luôn ý thức được rằng tất cả đều phải hướng vào mục đích: góp phần dẫn dắt cốt truyện, tô đậm tính cách nhân vật, tạo ra sự hấp dẫn và thể hiện chủ đề bài văn.

Ví dụ: Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, tác giả dân gian đã kể về 3 vấn đề:

– Một là tình cha con: nỗi đau đớn của người cha khi chính tay mình kết liễu cuộc đời con gái vì nàng phạm tội với nước, với dân.

– Hai là tình vợ chồng: mối tình ngang trái giữa Trọng Thủy và Mị Châu.

– Ba là công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của cha ông xưa, là câu chuyện về nỗi đau mất nước và bài học giữ nước mà tác giả dân gian đã khéo léo gửi gắm vào văn bản.

Trong những sự việc trên, sự việc Trọng Thủy và Mị Châu chia tay nhau là một sự việc nổi bật. Chi tiết này hính là mốc quan trọng để dự báo trước về cuộc chiến tranh xảy ra và dự đoán được diễn biến kết thúc của câu chuyện khi An Dương Vương và Mị Châu đều phải tìm đến cái chết khi cùng đường.

  1. Miêu tả, biểu cảm trong bài văn tự sự:

– Khái niệm: Miêu tả chính là dùng ngôn ngữ tái hiện lại sự vật, hiện tượng, con người làm cho sự vật, hiện tượng, con người như đang hiện a trước mắt. Còn biểu cảm chính là bộc lộ tình cảm, cảm xúc của bản thân trước sự vật, sự việc, hiện tượng, con người trong cuộc sống. Yếu tố miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự được sử dụng để nhằm tăng tính cảm xúc cho lời kể, cho các sự việ được kể đến.

 – Muốn miêu tả và biểu cảm thành công, người viết cần phải quan tâm tìm hiểu cuộc sống, con người và bản thân mình; phải chú ý quan sát, liên tưởng, tưởng tượng và lắng nghe những lay động mà sự vật, sự việc khách quan gieo vào trong tâm trí mình.

            Ví dụ: Trong đoạn văn kể lại cuộc chiến giữa Đăm Săn và Mtao-Mxây trong sử thi Đăm Săn, tacos thể thấy nhờ vào các yếu tố miêu tả và biểu cảm, khung cảnh cũng như diễn biến của cuộc chiến được hiện ra một cách cụ thể và sinh động trong từng chi tiết. Nhờ đó mà hình ảnh người anh hùng được khắc họa nổi bật hơn trong cảm hứng ngợi ca tràn đầy.

  1. Luyện tập viết đoạn văn tự sự:

 – Khái niệm: đoạn văn tự sự là một phần của văn bản tự sự, thường gắn với một sự việc trong một chuỗi sự việc làm nên cốt truyện. Đoạn văn tự sự gồm nhiều loại, ứng với mỗi loại sẽ có một chức năng riêng và cách viết riêng:

+ Đoạn mở đầu: giới thiệu hoàn cảnh nảy sinh câu chuyện.

+ Các đoạn phát triển: nêu diễn biến của câu chuyện.

+ Đoạn kết thúc: sự việc kết thúc câu chuyện hoặc chi tiết gợi liên tưởng mở rộng.

– Nội dung của từng đoạn văn trong văn bản tự sự rất phong phú, có đoạn giới thiệu nhân vật, có đoạn kể việc, có đoạn miêu tả tam trạng, có đoạn vừa kể việc vừa thể hiện tâm tư, tình cảm của nhân vật, có đoạn thiên về tả cảnh, có đoạn lại thiên về tả người, có đoạn đối thoại, có đoạn độc thoại… Vì vậy cần phải xác định rõ nội dung, vị trí, vai trò của từng đoạn để có phương pháp viết phù hợp.

Ví dụ: Viết đoạn văn thuật lại cử chỉ và tâm trạng của cô gái bị ép duyên trong đoạn trích truyện thơ “Lời tiễn dặn người yêu”:

– Cử chỉ: cất bước theo chồng, vừa đi vừa ngoảnh lại, níu kéo thời gian, dùng dằn không muốn đi.

– Tâm trạng: đau buồn, thương nhớ, lưu luyến.

    * Đoạn văn tham khảo

Cô gái bước theo chồng mà vẫn xót xa, vừa đi vừa ngoảnh lại, vừa đi vừa ngoái trông. Đôi mắt xa xăm nhìn vào mênh mông vô định. Cô đang mong chờ bón dáng người yêu hay đang miên man tìm về quá khứ? Bước chân cô như người thẫn thờ muốn níu giữ thời gian, không muốn từ biệt. Tới rừng ớt, cô ngắt lá ớt chờ đợi bóng người yêu. Tới rừng cà, cô lại ngắt là cà như để đợi chờ người thương nhớ. Rồi đến rừng lá ngón, cô lại dừng bước ngóng trông. Người thương đến kịp để tiễn đưa nhưng khoảng cách của họ dẫu gần nhau trong phút giây nhưng lại sắp phải xa vời vợi. Họ lặng nhìn nhau, nghe lòng đau như cắt.

  1. Tóm tắt văn bản tự sự theo nhân vật chính:

– Tóm tắt văn bản tự sự theo nhân vật chính là cách tóm tắt ngắn gọn những sự việc xảy ra đối với nhân vật đó. Khi tóm tắt cần lưu ý khách quan, trung thực, trung thành với văn bản gốc.

            – Để tóm tắt văn bản tự sự theo nhân vật chính, ta cần:

            + Đọc kỹ văn bản, xác định nhân vật chính.

            + Chọn sự việc xảy ra với nhân vật chính và diễn biến của các nhân vật.

            + Tóm tắt hành động, lời nói, tâm trạng của nhân vật theo diễn biến các sự việc một cách phù hợp.

            Ví dụ: Tóm tắt chuyện Chức phán sự đền Tản Viên của Nguyễn Dữ:

            – Mở bài: Giới thiệu Ngô Tử Văn là nhà nho, tính tình khảng khái, cương trực, gặp việc bất bình ra tay giải quyết.

            – Thân bài: Kể các việc làm của Ngô Tử Văn:

            + Việc làm thứ nhất: Châm lửa đốt đền tà.

            + Việc làm thứ hai: Đối đáp với Diêm Vương chốn âm ti.

            + Việc làm thứ ba: Nhận giữ chức phán sự đền Tản Viên.

            – Kết bài: Kết thúc câu chuyện:

            + Năm ấy có người ở Đông Quan, buổi sáng sớm đi ra cửa tây, thấy trong sương mù có xe ngựa ầm ầm, lại nghe có tiếng quát: “Người đi đường tránh xa, xe quan phán sự”.

            + Người ấy nhìn Tử Văn trong xe, không nói một lời nào, thoắt cái đã biến mất.

  1. Trình bày một vấn đề:

  – Trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên phải trình bày những nội dung, vấn đề trước tập thể hoặc cá nhân nào đó. Qua những lần trình bày, người nói mong muốn bày tỏ thái độ, tình cảm, cách đánh giá, nhận xét về một hoặc một vài khía cạnh trong cuộc sống, người viết mong muốn tiếp nhận những quan điểm, thái độ, cách nhận xét đánh giá mới mẻ từ người nói. Để có thể trình bày vấn đề hiệu quả, ta cần thực hiện theo các bước sau:

            + Bước 1: Chọn vấn đề.

            Người trình bày cần lựa chọn vấn đề phù hợp với đề tài chung (đề tài yêu cầu), mang tính thời sự, hấp dẫn và quan trọng là phải phù hợp với hiểu biết, trình độ nhận thức của bản thân.

            + Bước 2: Lập dàn ý:

            Cần phải xác định được nội dung vấn đề, dự kiến các luận điểm cần trình bày và sắp xếp những luận điểm đó sao cho hợp lý, tìm luận cứ và dẫn chứng để minh họa tăng sức thuyết phục cho phần trình bày.

            + Bước 3: Trình bày.

            Chia thành ba giai đoạn:

+ Bắt đầu trình bày: Chào hỏi, giới thiệu về bản thân và đề tài, vấn đề trình bày.

+ Trình bày nội dung chính: từ những luận điểm được xác lập trong phần lập dàn ý, tiến hành trình bày. Sử dụng câu từ ngắn gọn, khúc chiết, ngôn ngữ trong sáng, không dùng từ địa phương, khẩu ngữ, biệt ngữ v.v…

+ Kết thúc, cảm ơn: Khẳng định lại quan điểm của bản thân về vấn đề trình bày, gợi mở những hướng nghĩ mới để người nghe có thể tiếp tục khai thác. Gửi lời cảm ơn đến người nghe.

* Lưu ý: Khi trình bày vấn đề cần phải chú trọng về trang phục, cử chỉ, tác phong, lời nói. Tất cả phải phù hợp với yêu cầu, hoàn cảnh, đối tượng và vấn đề trình bày.

5/5 - (1 vote)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →

Leave a Reply