[Ôn tập văn 10] Phần Tiếng Việt – Học kỳ 1

[Ôn tập văn 10] Phần Tiếng Việt – Học kỳ 1

  1. Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ:

– Khái niệm: Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ là hoạt động trao đổi thông tin của con người trong xã hội, được tiến hành chủ yếu bằng phương tiện ngôn ngữ (dạng nói hoặc dang viết), nhằm thực hiện những mục đích về nhận thức, tình cảm, hành động v.v…

– Hai quá trình hình thành hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ: Tạo lập văn bản (người nói, người viết) và lĩnh hội văn bản (người đọc, người nghe). Hai quá trình này có mối quan hệ hữu cơ, bổ trợ cho nhau.

– Các nhân tố chi phối đến hoạt động giao tiếp: nhân vật giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp, nội dung giao tiếp, mục đích giao tiếp, phương tiện và cách thức giao tiếp.

* Lưu ý: khi đọc văn bản, học sinh cần phân tích được các nhân tố giao tiếp trong một văn bản cụ thể.

  1. Đặc điểm của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết:

2.1. Ngôn ngữ nói: là ngôn ngữ âm thanh, lời nói trong giao tiếp hàng ngày, có sự luân phiên lượt lời. Ngữ điệu của ngôn ngữ nói rất đa dạng bên cạnh đó còn có sự phối hợp giữa âm thanh với nét mặt, ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ của người nói. Trong ngôn ngữ nói sử dụng ngôn từ đa dạng, chủ yếu là từ mang tính khẩu ngữ, từ địa phương, trợ từ, thán từ v.v… Câu văn thường được tĩnh lược, đơn giản để đáp ứng tức thời nội dung giao tiếp.

2.2. Ngôn ngữ viết: là ngôn ngữ được thể hiện bằng ký tự và tiếp nhận bằng thị giác. Điều đó đòi hỏi người đọc phải có tri thức về kí hiệu chữ viết, quy tắc chính tả, quy cách tổ chức văn bản. Ngôn ngữ viết có sự hỗ trợ của hệ thống dấu câu, hình ảnh minh họa, sơ đồ, biểu bảng… Ngôn từ trong ngôn ngữ viết cần sử dụng từ toàn dân, tránh những từ có tính khẩu ngữ, từ địa phương, tiếng lóng, tiếng tục.

  1. Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt:

– Khái niệm ngôn ngữ sinh hoạt: Ngôn ngữ sinh hoạt là ngôn ngữ được sử dụng trong lời ăn, tiếng nói hàng ngày dùng để thông tin, trao đổi ý nghĩ, tình cảm v.v… đáp ứng các yêu cầu của cuộc sống. Ngôn ngữ sinh hoạt được thể hiện thông qua dạng nói (lời nói, lời thoại), hoặc dạng viết (nhật ký, thư từ…).

– Khái niệm phong cách ngôn ngữ sinh hoạt: Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là phong cách mang dấu hiệu đặc trưng của ngôn ngữ dùng trong giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày. Với các đặc trưng:

+ Tính cụ thể: cụ thể về thời gian, không gian, nhân vật giao tiếp, đối tượng giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp.

+ Tính cảm xúc: trong lời nói lúc nào cũng bộc lộ thái độ, tình cảm của người nói, người viết.

+ Tính cá thể: thể hiện qua giọng nói, phong cách về tuổi tác, giới tính, địa phương v.v…

  1. Thực hành phép tu từ ẩn dụ và hoán dụ:

– Ẩn dụ: là biện pháp tu từ dựa trên mối liên hệ tương đồng của sự vật hiện tương. Ví dụ:

“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ thì nằm trên lưng”

Từ “Mặt trời” ở câu thơ thứ hai sử dụng biện pháp ẩn dụ, đó chính là đứa con trên lưng mẹ. Hình ảnh ẩn dụ cho thấy, con chính là niềm tin, là lẽ sống của mẹ cũng giống như mặt trời, chính là nguồn sống nảy nở cho những cây bắp.

– Hoán dụ: là biện pháp tu từ dựa trên mối liên hệ tương cận giữa các sự vật, hiện tượng. Ví dụ:

“Áo nâu liền với áo xanh

Nông thôn liền với thị thành đứng lên”

Hình ảnh áo nâu và áo xanh trong câu thơ trên nhầm ngụ ý để chỉ các giai cấp trong xã hội. “Áo nâu” chỉ giai cấp nông dân, “áo xanh” chỉ giai cấp công nhân. Hình ảnh hoán dụ kết hợp cùng điệp từ “liền với” tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, của toàn thời đại, cùng siết chặt tay nhau chiến đấu bảo vệ và dựng xây đất nước.

5/5 - (1 vote)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →

Leave a Reply