Ôn tập Tập Làm Văn – học kỳ 1 – văn lớp 8

Ôn tập Tập Làm Văn – học kỳ 1 – văn lớp 8

  1. Chủ đề của văn bản và tính thống nhất về chủ đề của văn bản :

            – Chủ đề của văn bản chính là đối tượng, vấn đề chủ yếu mà người viết đặt ra trong văn bản.

            VD : Văn bản Ôn dịch, thuốc lá có chủ đề là tác hại của thuốc lá và biện pháp ngăn ngừa.

Tính thống nhất về chủ đề của văn bản được thể hiện thông qua nội dung biểu đạt phù hợp với chủ đề của văn bản. Nghĩa là chỉ đề cập đến chủ đề chính, không xa đề hay lạc đề.

VD : Văn bả Ôn dịch, thuốc lá có sự thống nhất từ nhan đề, đến các luận điểm. Người viết so sánh nghiện thuốc lá với các căn bệnh nan y, nguy hiểm khác, đưa ra những nghiên cứu khách quan, bác bỏ những suy nghĩ sai lệch, đề ra biện pháp phòng ngừa ôn dịch này.

  1. Bố cục của văn bản tự sự :

            Văn bản tự sự được tổ chức thành nhiều đoạn văn với bố cục ba phần :

            + Mở bài : nêu chủ đề văn bản.

            + Thân bài : bao gồm nhiều đoạn, mỗi đoạn sẽ khai thác những khía cạnh phù hợp với chủ đề. Có thể trình bày theo trình tự không gian, thời gian, theo mạch suy luận, vận động phát triển v.v… sao cho hợp lý và phù hợp với mức độ tiếp nhận của đối tượng.

            + Kết bài : tổng kết lại chủ đề của văn bản.

  1. Xây dựng đoạn văn trong văn bản :

            – Đoạn văn là thành phần trực tiếp để hình thành văn bản. Mỗi đoạn được tạo thành bởi nhiều câu có sự liên kết về nội dung và hình thức.

            – Nội dung chính của đoạn văn được thể hiện bằng câu chủ đềvà từ ngữ chủ đề (từ khóa). Từ ngữ chủ đề sẽ được lặp lại nhiều lần trong văn bản. Câu chủ đề thường được đặt ở đầu đoạn hoặc cuối đoạn.

            – Các phương pháp xây dựng đoạn : diễn dịch (câu chủ đề nằm ở đầu đoạn), quy nạp (câu chủ đề nằm ở cuối đoạn), song hành (các câu có vai trò như nhau, không phân biệt được đâu là câu chủ đề, đâu là câu diễn giải nội dung).

VD :

  1. Tôi rất yêu quý gia đình của mình, một gia đình có những thành viên luôn yêu thương, quan tâm và chăm sóc lẫn nhau. Cha là trụ cột, người bảo bọc và là điểm tựa cho chúng tôi. Khác với cha, mẹ là người phụ nữ dịu dàng, đảm đang, là cái nôi vỗ về, an ủi. Các anh, chị là những cái kèo, cái cột trong gia đình, luôn bên nhau, đoàn kết với nhau, chở che và bảo bọc nhau.

->Câu chủ đề đặt ở đầu đoạn : phương pháp diễn dịch.

  1. Cha là trụ cột của gia đình, cha chính là người bảo bọc, là điểm tựa cho chúng tôi. Khác với cha, mẹ là người phụ nữ dịu dàng, đảm đang, là cái nôi vỗ về, an ủi. Các anh, chị là những cái kèo, cái cột trong gia đình, luôn bên nhau, đoàn kết với nhau, chở che và bảo bọc nhau. Tôi rất yêu quý gia đình của mình, một gia đình có những thành viên luôn yêu thương, quan tâm và chăm sóc lẫn nhau.

 Câu chủ đề đặt ở cuối đoạn : phương pháp quy nạp.

  1. Cha là trụ cột của gia đình, cha chính là người bảo bọc, là điểm tựa cho chúng tôi. Khác với cha, mẹ là người phụ nữ dịu dàng, đảm đang, là cái nôi vỗ về, an ủi. Các anh, chị là những cái kèo, cái cột trong gia đình, luôn bên nhau, đoàn kết với nhau, chở che và bảo bọc nhau.

   -> Các câu đều có vị trí như nhau : phương pháp song hành.

  1. Cách liên kết các đoạn văn trong văn bản :

            Có hai cách để liên kết các đoạn văn trong văn bản :

            + Cách 1 : Dùng từ ngữ : sử dụng từ quan hệ, đại từ, chỉ từ, cụm từ liệt kê, so sánh, tổng kết, khái quát.

            VD : Mỗi một tác phẩm viết ra chính là tâm huyết mà tác giả gửi gắm vào đó. Từng câu chữ, từng giọng điệu ngay cả những dấu câu, cách ngắt nhịp đều chất chứa tư duy, suy nghĩ.

             Không chỉ như thế, trong các tác phẩm, yếu tố tư tưởng được đặt lên trên hết. Tư tưởng nhà văn sẽ chi phối toàn bộ nội dung và quyết định đến hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

-> Cụm từ không chỉ như thế có chức năng liên kết hai đoạn văn.

            Có thể sử dụng các cụm từ nối như : Thứ nhất, thứ hai, cuối cùng, nói tóm lại, bên cạnh đó v.v… để các đoạn văn có sự liên kết.

            + Cách 2 : Dùng câu nối

            VD : Thiên nhiên Tây Bắc đầy nguy hiểm. Đó là thác, là rừng, là muôn ngàn loài thú dữ trực chờ đe dọa người chiến sĩ Hà thành.

                        Nói thiên nhiên Tây Bắc hoang sơ để nổi bật lên hình ảnh kiên cường của người chiến sĩ. Trong hoàn cảnh ấy, người lính Tây Tiến vẫn lạc quan, yêu đời, hồn nhiên và tràn đầy tình yêu dành cho cuộc sống.

à Câu văn Nói thiên nhiên Tây Bắc hoang sơ để nổi bật lên hình ảnh kiên cường của người chiến sĩ đã liên kết đoạn văn nói về thiên nhiên (đoạn 1) và đoạn văn nói về người chiến sĩ (đoạn 2).

  1. Tóm tắt văn bản tự sự :

            Tóm tắt văn bản tự sự chính là cách thu gọn nội dung bằng lời lẽ của bản thân. Để tóm tắt văn bản tự sự cần thực hiện theo những bước sau :

            + Đọc văn bản.

            + Liệt kê những nhân vật chính.

+ Liệt kê những sự việc tiêu biểu.

+ Sắp xếp theo bố cục hợp lý.

+ Viết thành văn bản tóm tắt.

+ Đọc và chỉnh sửa.

            * Lưu ý : Trong quá trình tóm tắt cần phải trung thành với nội dung văn bản, đảm bảo tính khách quan, cân đối và hoàn chỉnh của văn bản.

  1. Văn bản thuyết minh và mục đích của văn thuyết minh :

            – Văn bản thuyết minh là văn bản thường dùng trong đời sống để cung cấp tri thức về đặc điểm, tính chất, công dụng… của một sự vật, hiện tượng nào đó trong cuộc sống thông qua việc giới thiệu, giải thích, trình bày.

            – Khi thực hiện bài văn thuyết minh, người viết cần phải có tri thức về đối tượng thuyết minh và cung cấp tri thức ấy một cách khách quan, chính xác, rõ ràng, mạch lạc để người đọc, người nghe dễ dàng tiếp nhận.

  1. Phương pháp thuyết minh :

            Để có thể thực hiện được một bài văn thuyết minh hiệu quả, người viết cần vận dụng linh hoạt các phương pháp thuyết minh. Trong chương trình THCS cần nắm được các phương pháp sau :

            – Nêu định nghĩa, giải thích : cung cấp kiến thức về đối tượng thuyết minh, thường sử dụng ở phần đầu thân bài, có cấu trúc định nghĩa (sử dụng từ là).

            VD : Cần Thơ thành phố trung tâm của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

                        Sách chính kho tàng tri thức của nhân loại mà ở đó đúc kết kiến thức được truyền thụ từ đời này sang đời khác.

            – Liệt kê : cụ thể nội dung được nối đến.

            VD : Đến Cần Thơ, du khách được đến thăm những vùng đất xanh mát, những ngôi nhà cổ với kiến trúc độc đáo, những khu chợ đặc sắc trên sông và còn thưởng thức những loại trái cây ngọt lành như dâu Hạ Châu, ổi Cái Răng, chôm chôm Phong Điền.

            – Phương pháp nêu ví dụ : Nêu ra những ví dụ điển hình để minh họa, tăng tính khách quan :

            VD : Đến Cần Thơ, du khách được đến thăm những vùng đất xanh mát, những ngôi nhà cổ với kiến trúc độc đáo, những khu chợ đặc sắc trên sông và còn thưởng thức những loại trái cây ngọt lành như dâu Hạ Châu, ổi Cái Răng, chôm chôm Phong Điền.

            – Phương pháp nêu số liệu : Đưa ra những con số cụ thể để tăng độ tin cậy

            VD : Cần Thơ vào những ngày cuối năm tấp nập khách du lịch đến tham quan, khám phá. Ước tính trong ba tháng cuối năm, đã có đến hơn 120 nghìn lượt khách du lịch chọn Cần Thơ làm điểm đến.

            – So sánh : Đặt đối tượng trong mối tương quan với đối tượng khác để đưa ra những nhận xét, đánh giá :

            VD : Nếu ở Huế, dòng sông Hương được ví như người con gái với đầy tính cách và cảm xúc thì dòng sông Hậu ở Cần Thơ như người mẹ mỡ màu, mang phù sa nuôi dưỡng vùng quê.

            – Phân loại, phân tích : chia đối tượng ra từng khía cạnh để trình bày

            VD : Về văn hóa, Cần Thơ được xem như trung tâm văn hóa cả về tín ngưỡng lẫn giáo dục đào tạo. Nơi đây là trung tâm sinh hoạt cộng động của người Hoa với Quảng Triều hội quá, là trung tâm sinh hoạt của người Khmer với những ngôi chùa theo cấu trúc tiểu thừa. Cũng tại đây, ngôi trường Đại học Cần Thơ được mệnh danh là ngọn nguồn tri thức của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với hơn 120 ngành đào tạo ra hàng ngàn cử nhân vào mỗi năm.

  1. Cách viết bài văn thuyết minh :

 Bước 1 : Xác định đề bài, đối tượng thuyết minh.

 Bước 2 : Tìm ý : xác định những khía cạnh sẽ tìm hiểu về đối tượng, đặt câu hỏi vì sao, thế nào, ra sao để liệt kê những ý tưởng cho bài viết.

 Bước 3 : Lập dàn ý cho bài văn thuyết minh. Bố cục gồm 3 phần :

            + Mở bài : Giới thiệu đối tượng thuyết minh.

            + Thân bài : Trình bày, giới thiệu đối tượng thuyết minh về nguồn gốc, xuất xứ, công dụng, tính năng, nguyện lý hoạt động, vai trò với cộng đồng, cách thức để giữ gìn, phát huy và bảo vệ…

+ Kết bài : Khẳng định vai trò, vị trí và ý nghĩa của đối tượng trong đời sống.

Ví dụ :

Đề bài : Thuyết minh về chiếc điện thoại di động.

Bước 1 : Xác định yêu cầu đề bài :

            + Dạng đề thuyết minh về đồ dùng có yêu cầu cụ thể.

            + Đối tượng thuyết minh là chiếc điện thoại di động.

Bước 2 : Tìm ý : cần tìm hiểu chiếc điện thoại ở những khía cạnh sau : nguồn gốc, xuất xứ, tính năng, nguyên lí, công dụng, phân loại, vai trò…

Bước 3 : Lập dàn ý :

+ Mở bài : Giới thiệu về chiếc điện thoại à đây là vật dụng không thể thiếu trong đời sống hiện đại.

+ Thân bài : Trả lời các câu hỏi :

@ Chiếc điện thoại di động là gì ?

@ Nguồn gốc : Nguồn gốc, xuất xứ từ đâu ? Do ai sáng chế ? Lúc phát minh ra để nhằm mục đích gì ? Ngày nay chiếc điện thoại di động phát triển ra sao ?

@ Nguyên lý : Chiếc điện thoại có cấu tạo gồm những phần nào ? Bên ngoài ra sao ? Bên trong thế nào ? Hoạt động bằng nguyên lý gì ? Năng lượng hoạt động từ đâu ?

@ Công dụng : Chiếc điện thoại mang lại lợi ích gì ? Lợi ích của chiếc điện thoại giúp ích cuộc sống ra sao ?

@ Phân loại : Chiếc điện thoại được phân loại dựa trên tiêu chí nào ? Trên thị trường có những loại điện thoại gì ? Nhãn hiệu nào ? Giá khoảng bao nhiêu ?

@ Cách sử dụng, bảo quản : Làm sao để bảo quản chiếc điện thoại, tránh bị hư hỏng ? Làm sao sử dụng điện thoại hiệu quả để không bị phụ thuộc vào chiếc điện thoại ?

+ Kết bài : Khẳng định lại vai trò, vị trí của chiếc điện thoại trong đời sống.

* Lưu ý : Trong quá trình làm văn thuyết minh, người viết cần lưu ý các nội dung sau :

+ Vận dụng tổng hợp các phương thức thuyết minh vào trong bài làm, trong đó cần đặc biệt chú ý phương pháp nêu số liệu và so sánh để tăng độ tin cậy.

+ Sử dụng những hình ảnh so sánh, ẩn dụ để bài viết thêm sinh động : Chiếc điện thoại như người bạn thân thiết, chiếc điện thoại như chiếc bách khoa toàn thư, nếu người chiến sĩ có vũ khí là cây sung, thì vũ khí của học sinh chính là chiếc bút bi, ruột viết chính là trái tim, là ngọn nguồn, sự sống của cây viết…

+ Tìm kiếm thông tin đưa vào bài làm cần lựa chọn những thông tin khách quan, chính xác, có nguồn đáng tin.

+ Lưu ý lỗi diễn đạt, lỗi chính tả, câu văn trong sáng, giọng văn mạch lạc, từ ngữ rõ ràng.

+ Sau khi viết bài cần đọc lại để chỉnh sửa lỗi chính tả, lỗi diễn đạt và rút kinh nghiệm cho những bài viết sau.

5/5 - (1 vote)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →

Leave a Reply