[Văn 10] kể lại chuyện cổ tích hoặc một truyện ngắn mà anh chị yêu thích

[Văn 10] kể lại chuyện cổ tích hoặc một truyện ngắn mà anh chị yêu thích

Bài làm

Thuở nhỏ tôi thích đọc truyện cổ tích vì tôi thích được gặp ông Bụt, cô tiên, được thỏa thích mơ ước. Lớn lên tôi vẫn thích cổ tích nhưng vì một lí do khác. Tôi tìm thấy những bài học đáng giá từ cổ tích mà câu chuyện Ông lão đánh cá và con cá vàng khiến tôi ghi nhớ mãi. Câu chuyện kể về một ông lão đánh cá hiền lành và một mụ vợ tham lam. Tôi sẽ bắt đầu câu chuyện giống như bao câu chuyện cổ tích khác từ ngày xưa ngày xửa.

Tại một bờ biển của đất nước xa xôi nọ, có một túp lều tranh rách nát. Túp lều ấy bên cạnh bãi biển dài thơ mộng mà hằng ngày ánh mặt trời từ đó thức dậy. Những đợt sóng lăn tăn hiền hòa vỗ nhẹ vào bờ và cất tiếng hát du dương của mình đánh thức bầu trời. Biển luôn chở che và đem đến nguồn sống cho những người dân chài nghèo khổ. Trong đó, ông lão là một ngư dân cần mẫn gắn bó với biển khơi. Hằng ngày ông đem lưới đi bắt cá, tôm về bán để kiếm tiền mua gạo, thức ăn cho bà lão. Bà vợ ở nhà kéo sợi, chăn lợn để tích góp chút tiền phòng khi ốm đau, bệnh tật. Tuổi già lại không có con cái nên hai ông bà sống gắn bó với nhau, ông luôn yêu thương giành phần cực khổ cho mình.

            Hôm nọ như thường lệ, ông ra biển đánh cá. Sau một buổi loay hoay văng lưới, ông kéo mẻ đầu tiên. Nhưng không may mắn vì chỉ toàn là bùn đất. Ông không nản lòng lại quăng lưới lần thứ hai. Lần này trong lưới của ông lão cũng không hề có chút tôm, cá gì mà chỉ toàn là rong biển. Ông bắt đầu thất vọng toan kéo thêm lần nữa sẽ quay về vì sức yếu. Lần này ông kéo lưới thì có một chú cá vàng nằm yên bên trong. Ông lắc đầu ngao ngán vì chú cá bé tẹo chẳng thể bán được cho ai. Bỗng chú cá phát ra tiếng nói:

  • Ông lão ơi, ông sinh phúc thả tôi về biển, tôi sẽ đền ơn ông, ông muốn gì cũng được.

Ông lão chẳng cần nghĩ ngợi, trả lời:

  • Trời phù hộ cho ngươi, ta sẽ thả ngươi về biển cả và không đòi hỏi gì đâu.

Ông lão già tốt bụng là thế, nhưng cũng chỉ vì có hai vợ chồng, chuyện gì ông cũng nói với bà thế nên câu chuyện bắt đầu từ việc ông kể hết những gì xảy ra với con cá vàng cho bà lão nghe. Nghe xong, bà ta nổi giận và mắng ông:

  • Lão già ơi, sao mà ông ngốc thế. Sao ông không bắt nó đền ơn cái gì, cái máng lợn nhà mình đã sứt mẻ rồi kìa.

Ông lão lủi thủi ra bờ biển và gọi cá vàng, biển gợn sóng êm ả. Cá vàng nghe ông lão nói và trả lời:

  • Ông lão ơi, ông cứ về đi, tôi sẽ cho ông cái máng lợn thật đẹp.

Ông vè nhà chưa kịp mừng vì cái máng lợn mới thì mụ vợ đã tru tréo:

  • Đồ ngu, sao ông chỉ đòi mỗi cái máng thế kia, sao không đòi cho tôi ngôi nhà thật đẹp. Ông không thấy túp lều rách nát hết rồi sao?

Ông lão sợ vợ mình buồn nên lại lần nữa quay ra biển và gọi cá vàng, biển xanh bắt đầu nổi sóng. Nghe ông kể đầu đuôi, cá vàng trả lời:

  • Ông lão ơi, ông đừng lo lắng, hãy về đi tôi sẽ cho ông ngôi nhà thật to.

Ông vội vàng về lại túp lều và ngỡ ngàng khi thấy một ngôi nhà thật đẹp, rộng rãi và có cả khu vườn phía sau. Ông nghĩ bụng chắc bà sẽ vui vẻ biết mấy. Thế nhưng vừa nhìn thấy ông, bà lão đã quát to:

  • Trời ơi, sao lại có một lão già ngu ngốc đến thế kia. Chỉ đòi một cái nhà thôi sao? Ông hãy quay ngay ra biển và nói với con cá vàng rằng tôi muốn làm nhất phẩm phu nhân.

Ông lão bắt đầu oán trách vợ mình sao tham lam thế nhưng biết thế nào được, ông không muốn vợ buồn. Đến bờ biển, biển nổi sóng dữ dội. Ông gọi cá vàng và nói yêu cầu của mụ vợ, cá vàng an ủi:

  • Ông lão ơi, ông đừng lo lắng. Ông về đi, trời sẽ phù hộ ông, mụ vợ sẽ là nhất phẩm phu nhân.

Ông lầm lủi về nhà, trước mắt ông không phải là bà vợ đen đúa, già nua nữa mà lạ một bà nhất phẩm phu nhân, mặc áo lông thú, đội mũ nhiễu hoa, tay đeo vòng vàng, cổ đầy chuỗi ngọc trai. Ông cứ tưởng rồi bà ấy sẽ sung sướng và hài lòng với cuộc sống nhung lụa bên kẻ hầu người hạ.

  • KÍnh thưa nhất phẩm phu nhân, bà đã hài lòng chưa?

Chẳng đợi ông nói thêm câu nào, bà ta mắng té tát vào mặt. Bà lão chẳng hề biết ơn ông và cả cá vàng, bà bảo hạ nhân đuổi ông ra chuồng ngựa, quét dọn rồi ngủ ở đó.

Bà lão sống trong nhung lụa không được bao lâu, bà đã sinh chán nản. Ngồi trong căn phòng rộng lớn bà lại mơ ước mình được cả thiên hạ. Thế là bà cho đòi lão chồng bà đến và bắt ông bảo cá vàng cho bà ta làm nữ hoàng.

Mỗi lần bà lão thêm một yêu cầu là ông lão lại khổ tâm thêm. Ông lầm lũi ra biển mà không biết phải nói thế nào với cá. Biển xanh nổi sóng mịt mù. Ông gọi cá vàng:

  • Cá ơi, ta khổ quá, mụ vợ nhà ta chẳng chịu làm nhất phẩm phu nhân nữa. Mụ ấy muốn làm nữ hoàng.

Cá vàng nhìn ông lão nói:

  • Thôi ông đừng lo lắng, cứ về đi, trời sẽ phù hộ lão, mụ ta sẽ làm nữ hoàng.

Về đến nơi, ông sửng sốt vô cùng khi thấy trước mắt là một cung điện nguy nga, tráng lệ, đẹp hơn những tòa lâu đài ông tưởng tượng. Bên trong là nhiều cung to nhỏ với vô số những kì quan, thú lạ.Lính gác gươm giáo sẵn sàng. Thị nữa xúm xít quanh nữ hoàng. Nữ hoàng đang chiễm chệ trên ngôi cao mặc những bộ trang phục dác vàng. Ghế ngồi của bag cũng được trang trí tinh xảo và vàng rực chói mắt. Ông cứ nghĩ bà đã được tột đỉnh vinh quang nên sẽ đối xử không tệ với ông. Ấy vậy mà vừa thấy bóng ông chồng nghèo khổ ngày xưa, bà đã ra hiệu cho bọn lính tuốt gươm dọa chém. Ông còn bị mọi người dè bỉu chê cười.

Khi con người ta được cả quyền lực và thiên hạ, họ lại muốn mình hơn thế nữa. Mụ nghĩ mãi xem phải đòi hỏi gì ở con cá vàng nữa và cuối cùng mụ muốn có một địa vị cao hơn cá để bắt nó phải phục vụ mụ mọi lúc, mọi nơi. Mụ cho lính bắt lão già về và ra lệnh:

  • Mi đi ngay ra biển và bảo với con cá vàng kia là ta chẳng thích làm nữ hoàng nữa, ta muốn làm Long vương ngự trên mặt biển để bắt cá vàng làm theo những gì ta muốn.

Mặc dù đã hiểu được bản chất tham lam của mụ vợ nhưng ông lão chẳng còn cách nào khác vì lúc này mụ là nữ hoàng đầy uy quyền. Ông không thể không tuân lệnh. Ông chán nản ra bờ biển và gọi cá vàng. Biển nổi cơn thịnh nộ, song kéo đến ầm ầm. Cá vàng nghe ông lão nói và lặng lẽ bơi xuống biển.

Ông đợi một lúc lâu không thấy cá vàng bơi lên, ông linh cảm được điều gì không may nên vội vã trở về. Bên bờ biển vẫn túp lều ngày ấy, mụ vợ đang than khóc bên cái máng lợn sứt mẻ. Ông lão hiểu ra mọi chuyện, chẳng còn sự chịu đựng nào không có giới hạn cũng như chẳng có lòng tốt nào là mãi mãi. Với một kẻ tham lam lại vô ơn như mụ thì kết cục như thế là xứng đáng.

Câu chuyện khép lại cuộc đời mở ra. Dù biết rằng ai cũng có ước mơ nhưng ước mơ ấy phải được xây dựng bằng chính thực lực của mình. Những giấc mơ chỉ dựa vào sự giúp đỡ của người khác sẽ dễ dàng mất đi. Ở đời cũng vậy, thói vô ơn, ích kỉ chưa bao giờ nhận được kết cục có hậu.

5/5 - (1 vote)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →

Leave a Reply