Văn 12: Bàn về ước mơ và lòng tham thông qua câu chuyện Ông lão đánh cá và con cá vàng
Bài làm
Thuở nhỏ, tôi vẫn có một niềm tin ngây thơ về những chú chim ăn khế trả vàng và những chú cá được thả về sông sẽ quay lại trả ơn người đã cứu. Rồi tưởng tượng một lúc nào đó tôi may mắn được rơi vào tình huống ấy, tôi sẽ ước điều gì? Một bữa cơm thịnh soạn, một bộ truyện tranh mới nhất, một chuyến du lịch trên thảm bay đến xứ sở thần tiên. Cho đến khi học chuyện Ông lão đánh cá và con cá vàng, tôi lại phân vân trong mỗi lần ước mơ “liệu điều ước của mình có quá đáng không, có tham lam không?”Khi một lần nữa được tiếp cận tác phẩm trên cương vị giáo viên văn, tôi lại có một cách nhìn khác về ý nghĩa câu chuyện mà người gợi điều ấy cho tôi không ai khác ngoài chính học sinh của mình.
Mặc dù hiện nay nhà trường, xã hội vẫn luôn phàn nàn về khả năng cảm thụ văn học và điểm số môn văn của các em nhưng ở một góc độ khác, tôi thấy rằng thế hệ các em đã dám nghĩ và có cái nghĩ khác so với thời đại chúng tôi ngày xưa hoặc ít nhất các em dám nói những điều mình từng nghĩ. Có học sinh từng nói với tôi rằng nếu coi cá vàng là người cho mơ ước thì bà lão có quyền được ước mơ những điều mình cần. Một cái máng lợn mới, một ngôi nhà, nhất phẩm phu nhân và cuối cùng là nữ hoàng, điều gì chính đáng, điều gì là tham lam?
Nhìn ở góc độ nhu cầu của con người thì mọi ước mơ đều là chính đáng không thể khẳng định rằng ai đó mơ ước một điều bình dị như cái máng lợn mới hay một ngôi nhà nhỏ là chính đáng, còn mơ ước có được quyền lực, danh vọng là không chính đáng. Mọi thứ đều có cơ sở cũng như chẳng điều gì là sai tuyệt đối. Một kẻ đói cơm, khát nước thì với họ có được một bữa no, một ngôi nhà che mưa nắng đã là hạnh phúc. Khi có được ngôi nhà và không lo về cái ăn nữa thì ai lại không thể mơ về chức quyền để có chút địa vị trong xã hội. Liệu bao nhiêu người sẽ dừng mơ ước mình ngày được chức cao, được nhiều tiền, được thăng tiến, thậm chí là giữ vị trí tối cao. Không thể phủ nhận rằng ước mơ là phương thức để chí cầu tiến được thể hiện, đồng thời là động lực để xã hội phát triển. Tuy nhiên, điều cần quan tâm là bạn đã, đang và sẽ làm gì với mơ ước của mình?
Chắc chắn rằng chẳng có một chú cá vàng thần tiên nào cho bạn điều ước nếu một ngày bạn cứu sống chúng. Thế nhưng trong đời nếu bạn ban ơn cho một ai đó, đến khi họ muốn trả ơn hoặc người nào đó muốn giúp bạn cũng nên nhìn hình ảnh cái máng lợn xưa cũ mà rút cho mình bài học. Mọi chuyện trên đời đều có giới hạn, cánh chim quạ có rộng đến đâu thì cũng chẳng thể chở nỗi chiếc túi 12 gang của kẻ tham lam. Một người có lòng tốt làm ơn với kẻ khác chẳng bao giờ họ cần kẻ đó báo đáp hoặc ít ra cũng chỉ nhận vừa đủ công sức của mình. Ước mơ cũng vậy, khi nó vượt xa thực tế thì nó trở thành lòng tham mà lòng tham thì không đáy. Nghĩ một chút về chuyện Ông lão đánh cá và con cá vàng, rõ ràng người tạo ơn cho con cá là ông lão, trong khi người ngồi đợi để hưởng thành quả lại là bà lão. Cứ cho rằng những yêu cầu của bà là mơ ước nhưng chẳng có mơ ước chính đáng nào lại dựa trên sự hi sinh của kẻ khác. Chúng ta không tính việc người làm ơn là ai, chỉ nghĩ đến cảnh mỗi lần bà ta đạt được ước muốn lại một lần đối xử tàn nhẫn với chồng mình. Một kẻ khi có chút tiền tài, địa vị lại thay lòng đổi dạ ngay với người đầu ắp tay gối, nghèo khổ có nhau thì sẽ đối xử như thế vào chú cá vàng khi đã trở thành nữ thần biển cả. Thế đấy mới hiểu ra một điều lòng tham luôn tỉ lệ thuận với sự phản bội.
Mọi ước mơ và khát vọng của con người được cho là đúng đắn khi xây dựng trên thái độ cư xử với mọi người, nhất là với người tạo điều kiện, giúp đỡ cho mình. Ước mơ chân chính chỉ có thể là ước mơ vì mọi người, đạt được bằng chính sức lực bản thân, gắn liền với đạo đức và chính nghĩa.