[Văn 6] Tưởng tượng mình bị mắc lỗi và bị biến thành con mèo trong 3 ngày

[Văn 6] Tưởng tượng mình bị mắc lỗi và bị biến thành con mèo trong 3 ngày

Mở bài

Chẳng hiểu sao tôi lại thích chó và ghét mèo đến thế. Chắc có lẽ vì hồi tôi học lớp một, bị một con mèo hoang cắn chảy máu cả chân nên từ đó tôi rất sợ và ghét bỏ loài vật hay kêu meo meo và thích nhõng nhẽo này. Hôm đó, chú tôi đem một con mèo lông đen tuyền đến gửi nhà tôi, cái con vật đáng ghét ấy đã ăn mất cả túi xúc xích của tôi, tôi đi học về và lấy chân hất mèo ta rất xa, khiến chú ấy va phải tường nhà và kêu đau đớn. Tôi có xót một chút nhưng mặc kệ, không ngờ tối hôm ấy tôi bị biến thành mèo trong suốt ba ngày. Khoảng thời gian ấy, tôi đã nhận ra bài học quý giá cho bản thân mình.

Thân bài

Nghe tiếng chuông đồng hồ báo thức, tiếng chuông dài văng vẳng như tiếng chuông báo nàng LỌ Lem đã đến giờ trở về nguyên vẹn. Tôi giật mình trong chiếc chăn ấm và biết rằng trời đã sáng, tôi phải dậy đi học. Tôi nhảy xuống giường và thắc mắc sao hôm nay tôi bỗng nhiên nhẹ nhàng và nhanh lẹ đến thế. Tôi cuống cuồng tìm đôi mắt kính của mình thì vô tình nhìn thấy con mèo đen nào đang ở trước mắt tôi. Tôi định đuổi nó đi nhưng bất giác nhìn thấy tay chân mình khác lạ, tôi đứng thấp hơn cả chiếc giường, nhìn vào gương tôi thấy con mèo đen đó chính là mình. Tôi gào thét lên, chạy ra khỏi phòng và xuống nhà vệ sinh rửa mặt cho tỉnh táo. Mọi chuyện không thể thay đổi, sự thật tôi đã biến thành mèo. Tôi hoang mang gọi cho mẹ, may quá bà đã thức dậy chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả nhà. Tôi đứng trước mặt mẹ và nói “mẹ ơi, sao lại như thế, con biến thành mèo rồi” nhưng vô ích, vì âm thanh mà tôi phát ra chỉ là “meo, meo, meo”. Bà bảo tôi “mới sáng sớm mà đã đói rồi sao, đêm không tìm được con chuột nào à?”. Tôi sửng sốt và thất vọng vì mẹ không nhận ra mình. Tôi chạy đi tìm ba, chẳng phải ba là người rất yêu mèo, chắc ba sẽ hiểu tôi muốn nói gì. Để trả lời câu hỏi của tôi, ba chỉ loay hoay tưới cây rồi nói “hôm nay thức sớm thế, vào gọi cậu chủ lười dậy đi học được rồi”.

Tôi thật sự thất vọng và ngồi khóc tấm tít, cũng chẳng ai thèm an ủi động viên tôi một lời chỉ có lũ bướm rảnh rỗi vừa bay tìm hoa vừa trêu tôi. Tôi mệt mõi nằm bên hiên nhà đợi ánh nắng chiếu đến và ngủ quên một giấc dài. Tỉnh dậy tôi cuống cuồng tìm cặp sách nhưng nhớ ra mình chẳng phải đi học mỗi ngày. Mẹ tôi cũng chẳng bắt ép tôi uống ly sữa ngán đến tận cổ vào mỗi sáng và ba chẳng cằn nhằn chuyện tôi điểm thấp. Tôi bắt đầu tìm thấy niềm vui khi là một con mèo. Tôi đói bụng và tìm xuống bếp. A! cái đùi gà chiên thơm phức nằm trên bàn, chắc là mẹ tôi lại quên cất vào tủ rồi. Tôi chén ngon lành mà chẳng phải nghe bài ca đừng ăn nhiều đồ chiên xào của mẹ. Ăn no, tôi phóng vù lên cành cây khế và nằm chễm chệ. Tôi tận hưởng cái cảm giác tự do khi mà làm con người tôi chẳng có được. Tôi bắt đầu thích ngắm cái móng vuốt sắc nhọn của mình và tập phóng những khoảng cách thật xa, có lần tôi phóng được từ nhà tôi sang nhà hàng xóm cách chừng 3m. Ôi! Giấc mơ siêu nhân của tôi rồi cũng có lúc được thực hiện. Một ngày của con mèo thật nhàn hạ, chỉ ngủ, ăn rồi rong chơi. Tôi dành toàn bộ thời gian của mình trong những chuyến du lịch quanh khu vực nhà tôi. Tôi kết giao với lũ chó mặt xệ nhà hàng xóm và được chúng bảo kê trở thành con mèo quyền lực. Cũng may mắn là tôi được hóa thân trong thân xác một con mèo khỏe mạnh, cộng với trí tuệ của một học sinh lớp 6 cũng đủ cai quản cả lũ chuột, gián, kiến, cô trùng….và cả những con chó cảnh. Chỉ có một điều khiến tôi gặp khó khăn là tôi chẳng được ăn xúc xích của mình một cách quang minh chính đại mà phải lén lút khi mẹ tôi không thấy.

Cái gì nhàn quá thì cũng chán! Tôi bắt đầu nhớ những người bạn của tôi và ước sao chúng cũng hóa thành mèo như tôi để chơi cùng. Bạn bè của tôi bây giờ chỉ là những lũ mèo, chó bình thường chẳng có trò gì thú vị. Tôi nhớ ngôi trường của mình và cảm thấy cô đơn khi ba mẹ không còn dành cho tôi những nụ hôn hay cái ôm nữa. Đêm thứ hai làm mèo, tôi lẻn xuống bếp lục lội thức ăn thì bị con chó già nhà tôi phát hiện và rượt cắn. Tôi hốt hoảng chạy trốn, chẳng hiểu sao nó chẳng chịu buông tha cho tôi. Tôi chạy thật xa và lạc vào một khu chợ vắng vẻ. Tôi bắt đầu lo sợ cái bóng tối ghê người chỉ có những con mắt đỏ tươi đang ẩn mình dưới đống đồ vụn. Tôi co rúm trong một hốc cây và chờ đến sáng để tìm đường về nhà. Thế nhưng khu chợ này lại có rất nhiều chó dữ, chúng theo các bà hàng thịt ra vào khiến tôi không thể bước ra khỏi nơi trú ẩn. Tôi chờ đợi, bụng đã đói và người mệt lữ. Đêm thứ ba làm mèo, tôi ở trong khu chợ hoang vắng chỉ có lũ chuột cống ghẻ lở đầy người, dù có đói đến thế nào tôi cũng không nghĩ đến việc ăn chúng. May quá, tôi phát hiện được một khúc cá thơm trong một cái lon cá mồi ở gần chỗ tôi. Tôi lẻn ra và thò đầu vào ăn ngon lành. Nhưng tôi không thể rút cái đầu tròn của mình ra khỏi lon. Tôi bắt đầu hiểu ra vấn đề, đây là bẫy của con người chuyên bắt những con mèo hoang. Tôi hốt hoảng, vùng vẫy và nghĩ mình sẽ kết thúc cuộc đời khi chưa được trở lại thành người. May thay, cái lon cá va vào gốc cây và văng ra ngoài. Tôi cuống cuồng chạy trong đêm tối và quyết tâm tìm về nhà. Tôi gặp được con mèo mun của chú tôi, nó nhận ra tôi và dẫn tôi về nhà. Chưa kịp vào đến giường, tôi đã ngã ra và ngất đi. Cho đến sáng hôm sau, nghe tiếng mẹ gọi tôi choàng tỉnh dậy. Mẹ vào phòng và bảo “ngủ gì mà ngủ dữ vậy ông tướng, ngủ đến lăn xuống gạch, mẹ gọi nãy giờ, thức dậy uống sữa rồi đi học”. Mẹ nắm tay tôi kéo tôi dậy. Tôi chạy lại gương soi thì biết mình đã trở lại thành người. Tôi ôm chầm lấy mẹ, cảm ơn mẹ và khóc sướt mướt. Mẹ ngạc nhiên nhìn tôi và nghĩ tôi đã mơ một cơn ác mộng.

Kết bài

Kể từ ngày hôm đó, tôi không chê bai sữa mỗi sáng, không dậy trễ, không cau có khi mẹ sai biểu và cũng chẳng bao giờ dám đánh hay chửi lũ chó mèo. Tôi nhận ra làm kiếp con mèo hay chó đều khổ cả, chỉ khi làm người ta mới có thể làm chủ được mình. Tôi học được một bài học về tình cảm gia đình và lòng nhân ái đối với loài vật cũng từ đó.

5/5 - (1 vote)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →