Văn 7: Cảm nghĩ về bài thơ Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương
Hạ Tri Chương là nhà thơ lớn đời nhà Đường của Trung Quốc. Thơ ông chan chứa lòng yêu nước và nỗi nhớ quê hương. Một trong những sáng tác tiêu biểu của ông là Hồi hương ngẫu thư. Bài thơ là tiếng lòng của một người sống xa quê trong khoảnh khắc đặt chân về quê cũ.
“Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi.
Hương âm vô cải, mấn mao tồi.
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức
Tiếu vấn: Khách tòng hà xứ lai?”
(Trẻ đi, già trở lại nhà,
Giọng quê không đổi,sương pha mái đầu
Gặp nhau mà chẳng biết nhau
Trẻ cười hỏi:”Khách từ đâu đến làng”)
(Trần Trọng San)
Chủ đề quê hương là chủ đề quen thuộc trong thơ văn trung đại. Ở mỗi nhà thơ ta lại bắt gặp những cảm xúc khác nhau. Nếu ở Tĩnh dạ tứ, Lí Bạch nhớ đến quê hương khi bắt gặp ánh trăng thì Hồi hương ngẫu thư, Hạ Tri Chương đã bộc lộ tâm trạng của mình khi về quê cũ
Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi.
Hương âm vô cải, mấn mao tồi.
(Trẻ đi, già trở lại nhà,
Giọng quê không đổi,sương pha mái đầu)
Mở đầu bài thơ, tác giả đã viết lên cảnh ngộ của mình bằng phép tiểu đối: trẻ – già; đi – về. Vì hoàn cảnh, nhà thơ phải lìa xa quê hương, gia đình từ ngày còn bé. Sau bao nhiêu năm vật đổi sao dời, người con của quê hương đã trở lại nhưng đã trở thành người của quá khứ và tuổi tác cũng chất chồng. Câu thơ còn gợi lên quy luật của cuộc đời, ai mà chẳng bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc đời giữa đi và ở, được và mất, giữa hoài bảo và nuối tiếc. Với Hạ Tri Chương quy luật ấy đã tạo nên bi kịch của một kẻ sĩ gần nửa đời người chạy mỏi chân chốn quan trường nay mới được trở về quê thì da mồi tóc bạc “hương âm vô cải, mấn mao tồi”. Phép tiểu đối trong câu thứ hai đã khẳng định tấm lòng son sắt của nhà thơ dành cho quê hương, đồng thời cũng là tiếng thở dài trước sự nghiệt ngã của thời gian. Dù có đi đến đâu, bao lâu, điều con người vẫn giữ vẹn nguyên là tiếng nói. Cái chất giọng quê hương thấm sâu vào máu thịt từ ngày còn trong bụng mẹ thì làm sao quên được. Điều con người không thể níu giữ là thời gian, tuổi tác. Khi ra đi mái tóc xanh của tuổi thơ nhưng khi về tóc đà điểm trắng- đó là màu của gió sương, màu của một kiếp người lận đận. TÌnh cảm của nhà thơ thật đẹp, đáng trân trọng vì mấy mươi năm sống trong danh vọng, vàng son mà nhà thơ vẫn giữ mình thanh cao, trong sạch, không bị vật chất cám dỗ. Hai câu thơ đầu khép lại bằng phương thức tự sự với giọng điệu buồn, bồi hồi đã bộc lộ được sự gắn bó của nhà thơ với quê hương và quy luật của thời gian.
Trong tâm tư hồi hộp, xúc động trước cảnh quê nhà, thi sĩ chẳng ngờ mình lại gặp một nghịch cảnh trớ trêu nửa cười nửa khóc
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức
Tiếu vấn: Khách tòng hà xứ lai?”
(Gặp nhau mà chẳng biết nhau
Trẻ cười hỏi:”Khách từ đâu đến làng”)
Không còn gì ngậm ngùi hơn khi mình lại là khách trên chính quê hương của mình. Mấy mươi năm trôi qua, bạn bè, người thân xưa kia ai còn ai mất. Gặp mặt nhau chưa chắc đã nhận ra huống chi là những đứa trẻ ngây ngô. Một phép đối nữa được sử dụng kết hợp với cách ngắt nhịp 4/3, khiến câu thơ chùn xuống mang nặng ưu sầu. Nghe những đứa trẻ ngây thơ cười hỏi thì lòng tác giả chan chứa nỗi buồn như muốn bật ra thành tiếng khóc.
Hai câu thơ cuối là lời tường thuật khách quan nhưng có câu hỏi tu từ ẩn chứa sự bi, hài của tâm trạng nhà thơ. Cảm giác vừa ngỡ ngàng chua xót, lại xót thương cho bản thân đã trở thành xa lạ ngay trên quê hương của mình.
Hồi hương ngẫu thư đã sử dụng ngôn ngữ mộc mạc, phép đối để làm nổi bật tình cảnh của nhà thơ khi vừa đặt chân về quê cũ, đồng thời cũng bộc lộ được tấm lòng son sắt của ông đối với quê hương.