[Văn 7] Nêu cảm nghĩ về bài thơ “Rằm tháng giêng” của Hồ Chí Minh
Bài làm
Bác Hồ không chỉ được mọi người biết đến như vị cha già kính yêu của dân tộc, vị lãnh tụ tài ba của đất nước mà ở Người ta còn cảm nhận được chất “nghệ sĩ” của một thi nhân. Mỗi sáng tác của Bác đều phảng phất hơi thở của cuộc sống, hòa mình cùng thiên nhiên và trải lòng với những chuyển biến của đất trời. “Nguyên tiêu” là một trong những bài thơ như thế:
“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.”
“Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.”
Sáng tác vào những năm 1947, giữa không khí căng thẳng của thời đại, giữa những bộn bề công việc, người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh đã vượt qua những khắc nghiệt của thời đại, hạ bút với những vần thơ tuyệt diệu:
“Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân”
Bức tranh đêm nguyên tiêu được Bác vẽ ra với thời gian và không gian ngập tràn vẻ đẹp mùa xuân. Hẳn là lúc ấy đã về khuya, trời đã bắt đầu có những cơn gió nhẹ nhàng làm xôn xao cành lá. Mặt trăng đêm rằm “tròn vành vạnh” tỏa ánh sáng lên vạn vât khiến nhân gian cũng long lanh trong dòng sông trăng lấp lánh. Trăng soi màu trời, trăng soi tiếng hát, trăng soi cả những con người đang ngồi ngắm ánh trăng giữa đêm khuya đầy tâm sự. Thật tài tình khi Bác sử dụng từ láy “lồng lộng” để nói về sắc thái của ánh trăng. Có vẻ ánh trăng như đang ấp ôm, xoa dịu những tâm hồn đang thổn thức, đang đắn đo cho những quyết sách trọng đại của đất nước trong tương lai.
Ánh trăng ngày xuân làm vạn vật cũng trở nên xuân. Sắc xuân từ ánh trăng chan hòa vào cảnh vật, vào thiên nhiên, vào cuộc sống:
“Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân”
Ta bắt gặp ba hình ảnh “sông xuân”, “nước xuân” và “trời xuân”. Ba hình ảnh này như đang soi chiếu vào nhau, tôn lên nhau làm vẻ đẹp mùa xuân được lập phương lên, đẹp nhiều lần hơn thế nữa. Điệp từ “xuân” được lặp lại ba lần như khẳng định cảnh sắc mượt mà, thiên nhiên chan chứa sức sống mùa xuân trong đêm rằm đầu năm mới. Không gian ấy được mở ra theo chiều cao, chiều sâu và cả chiều rộng khiên bức tranh đêm nguyên tiêu không chỉ bó hẹp mà lại mở ra đến vô cùng vô tận.
Trong bức tranh với gam màu chủ đạo là trắng – đen, sáng – tối ấy, con người hiện lên đơn sơ, chân chất nhưng lại kỳ vĩ làm sao:
“Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”
Vẻ đẹp của bức tranh xuân không làm cho người chiến sĩ quên đi nhiệm vụ mà mình gánh vác. Không khó để bắt gặp ánh trăng trong thơ của Bác. Đã nhiều lần trăng kia thấu cảm cho sự vất vả của người thi nhân – chiến sĩ, đến tận hiên nhà mời gọi nhà thơ:
“Trăng vào cửa sổ đòi thơ
Việc quân đang bận xin chờ hôm sau”
Có lẽ chỉ cần như thế là đủ để thấy được tinh thần trách nhiệm và niềm mong muốn của Bác to lớn đến thế nào. Vầng trăng cũng thế, cũng cần mẫn theo sát bên cạnh con người với tâm hồn cao đẹp cho đến lúc họ trở về:
“Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”
Khuya vậy mà trăng vẫn ngân nga, tràn ngập khắp nơi, như đang chờ, đang đợi, đang đồng hành, đồng cảm cùng thi nhân. Hình ảnh “trăng ngân đầy thuyền” hết sức độc đáo. Là ánh trăng soi dòng nước hay là ánh trăng “rơi xuống mạn thuyền” theo thi nhân bàn bạc việc quân tình, chính sự.
Trăng gắn bó với người nghệ sĩ biết trân quý vẻ đẹp của trăng và chính người nghệ sĩ ấy cũng có một tâm hồn lãng mạn mới đủ sức khiến trăng đồng hành, đồng cảm. Giữa hoàn cảnh chiến tranh gay gắt, con người và thiên nhiên vẫn hài hòa, giao cảm, vẫn đồng hành và chia sẻ. Phải là một tâm hồn lạc quan, yêu thiên nhiên và cuộc sống mới có thể viết nên những vần thơ mượt mà nhưng chất chứa nhiều tâm tư như thế.
Qua bài thơ “Nguyên tiêu”, người đọc cảm nhận được một bức tranh ngày xuân tuyệt đẹp cùng những trăn trở về vận mệnh ẩn sâu trong từng câu thơ, trong từng hình ảnh. Thế nhưng, bài thơ cũng chính là minh chứng rõ ràng cho phong thái ung dung, tinh thần lạc quan của Bác. Ta không cảm thấy choáng ngợp mùi vị của chiến tranh đáng sợ, chỉ cảm thấy yêu quý và kính trọng tấm lòng của Bác nhiều hơn.