[Văn 8] Thuyết minh về cây dừa
Có một loài cây gắn mình vào đời sống của hầu hết người dân Việt Nam. Hình ảnh loài cây ấy trải dài từ đầu trời tổ quốc đến tận cùng cực Nam Đất Mũi. Loài cây ấy mang dáng hình xứ sở mà tất cả chúng ta tha thiết gọi tên “Dừa ơi!”Từ bao đời nay cây dừa đã đi vào lối sống, sinh hoạt, văn hóa của người Việt Nam như một phần không thể thiếu, nó tô điểm những vùng quê thanh bình với cây lành, trái ngọt.
Không ai rõ nguồn gốc của cây dừa, chỉ biết rằng nó xuất hiện lâu đời ở khu vực Đông Nam Á và Tây bắc Nam Mỹ. Dừa thuộc họ cau, thân cột to lớn,có đường kính trung bình của cây trưởng thành 30cm và cao từ 15 – 20 mét. Cây không phân nhánh nhưng có nhiều đốt ngắn, đó là dấu tích của bẹ dừa để lại. Dừa thuộc lớp rể chùm với những chiếc rể khỏe bám sâu vào đất và một phần nổi lên trên. Rể dừa sinh sôi thường xuyên, ban đầu có màu trắng sữa sau chuyển thành nâu đỏ. Cây dừa có khoảng 30 – 35 tàu lá, mỗi tàu dài khoảng 2- 5 mét mang rất nhiều lá mọc xung quanh ngọn dừa và thả rũ xuống. Lá dừa là dạng lá đơn, xẻ thùy lồng chim. Giống như các loài cây ăn quả khác, dừa sinh sản hữu tính, hoa dừa gồm hoa đực ,hoa cái và hoa lưỡng tính trong cùng một cụm hoa. Hoa nằm trong mo dừa từ đấy phát triển thành buồng dừa. Quả dừa thuộc loại quả hạch, hình trứng có đường kính từ 15 – 20cm, bên ngoài là lớp vỏ dày phần trong có cơm dày và nước. Cây dừa hầu như có trái quanh năm nhưng tập trung nhất là tháng 3 -4 hằng năm. Dừa là loại thực vật nhiệt đới thích sống ở nơi có ánh sáng và mưa nắng thường xuyên. Nó có thể sống ở các loại đất khác nhau như đất phù sa, đất phèn, đất đỏ…Chúng có khả năng chịu mặn nhưng lại không thích ngập úng. Loài cây này có nhiều loại, mỗi loại có những đặc điểm đặc trưng: dừa xiêm trái nhỏ nhưng năng suất cao, thân dừa khá thấp; dừa dâu có kích thước trung bình, vỏ mỏng, cơm dày và hàm lượng dầu cao; dừa lửa vỏ ngoài có màu vàng, nước ngọt; dừa sáp là đặc sản của Trà Vinh với cơm mềm, sệt, dày thơm ngon…
Chưa bao giờ có một loại cây nào hữu ích đối với đời sống con người như cây dừa. Từ thân, bẹ, trái, lá, cọng…đều đem đến giá trị kinh tế. Ở nông thôn, thân dừa được xả làm ván xây nhà, làm kèo cột. Dưới tán dừa xanh xanh, những làng nghề truyền thống ra đời, cây dừa trở thành thương hiệu cho những vùng đất như Bình Định, Bến Tre. Gáo dừa khô dùng làm gào nước, làm bộ ấm trà, làm chén và những đồ chơi khác được con người tỉ mỉ gọt dũa. Trong mỗi gia đình người Việt không thể thiếu những vật dụng làm từ dừa. Cây chổi quét nhà được tuốt từ sóng dừa trên lá, chiếc đũa bếp xới cơm của mẹ cũng làm từ bẹ dừa khô. Giá trị kinh tế lớn nhất từ dừa phải kể đến quả dừa. Nước dừa ngọt mát chứa nhiều dưỡng chất như vitamin B, khoáng chất…tốt cho sức khỏe và làm đẹp. Thịt dừa tươi béo ngậy là nguyên liệu cho nhiều món đặc sản: mứt dừa,kẹo dừa.. Dừa khô ép thành dầu dừa, nước cốt dừa là nguyên liệu không thể thiếu của một số bánh dân gian truyền thống: xôi, chè, bánh chuối…Không chỉ thế, dừa còn có giá trị y học: xơ dừa dùng rửa vết thương, bỏng, chàm.. Tro dừa đốt thành than trị tiêu chảy. Dầu dừa có tác dụng làm đẹp. Ngày nay, dừa được đưa vào các khu du lịch, khu đô thị, công viên để tạo cảnh quan.
Cây dừa lớn lên cùng đất nước.Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dừa trở thành nhân chứng sống còn của dân tộc. Những rặng dừa che chở mái nhà khỏi làn bom đạn. Bao nhiêu vết sẹo trên thân dừa là bấy nhiêu mất mát, thương đau của nhân dân. Những chiếc bánh lá dừa được các mẹ Việt Nam gói nuôi quân theo các anh chiến sĩ ra mặt trận. Tuổi thơ của những đứa trẻ nông thôn đều gắn bó dưới bóng dừa. Những trưa hè oi bức, bọn trẻ thi nhau lấy lá dừa làm kèn, làm chong chóng, làm cả máy bay. Biết bao món đồ chơi được làm từ lá dùa,tàu dừa đong đầy kỉ niệm.
Cái dáng đứng hiên ngang giữa trời của loài cây này đã trở thành biểu tượng bất khuất, anh hùng của người dân quê.
“Dừa vẫn đứng hiên ngang cao vút
Lá vẫn xanh rất mực dịu dàng
Rể dừa bám sâu vào lòng đất
Như dân làng bám chặt quê hương”.
Hiếm có một loài cây nào đi vào đời sống tinh thần của người Việt như cây dừa. Nhà thơ Lê Anh Xuân đã từng nhìn dừa bằng ánh mắt yêu thương, ấm áp của tình bà cháu. Có ông nhạc sĩ nào đã say sưa ngắm cô gái tóc dài dưới bóng dừa để lại cho đời những lời ca dìu dặt “ai đứng dưới bóng dừa, tóc dài bay trong gió”. Không chỉ thế,cây dừa đi vào hội họa, điêu khắc từ những hình ảnh xa xưa nhất trong bức tranh dân gian “Hứng dừa” của làng tranh Đông Hồ.
Dừa là người bạn, người chị, người mẹ của nông dân. Dừa dành trọn cuộc đời mình để làm giàu đời sống vật chất và tinh thần của con người. Đáp lại lòng chung thủy, sắt son của dừa, người dân Việt Nam đã dành tình cảm sâu nặng nhất đối với loài cây này. Dừa mãi là kỉ niệm, là tình yêu che bóng mát tâm hồn bao thế hệ.