[Văn 8] Thuyết minh về cây tre

[Đề Văn 8] Thuyết minh về cây tre

“Tre xanh, xanh tự bao giờ

Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh”

Mối duyên tình giữa cây tre với đất đai, quê hương cũng như mối duyên tình của nó với người nông dân Việt Nam, vừa bền chặt, vừa dai dẳng, đời đời, kiếp kiếp. Hình ảnh những bụi tre, khóm tre, liếp tre, rặng tre trở thành hình ảnh thật quen thuộc, gần gũi trên khắp mảnh đất hình chữ S này.

Tre là thực vật họ cỏ, phổ biến trên thế giới, lớp thân gỗ, rể chùm. Thân tre rỗng bên trong, bên ngoài có màu xanh sẫm hoặc vàng nâu. Thân tre chia thành nhiều đốt bởi những mấu mắt. Mỗi mấu mắt tạo thành một khoảng gọi là lóng tre. Thân tre cao từ 1- 20m, đường kính 1- 25 cm. Các cành mọc từ mắt tre, mỗi mắt mọc 3 – 5 cành, cành phân nhánh và mang lá. Lá tre có phiến dài, thon, không có lông tơ, mỗi lá có từ 3 -5 đôi gân bên song song. Một đặc điểm đặc trưng của tre là trên thân có các vòng mo, được coi là phiến lá thân.  Đối với các loài cây có hình thức sinh sản hữu tính là thụ phấn thì cây tre ra hoa là một kì tích. Tre chỉ ra hoa một lần trong đời vì chu kì ra hoa của nó từ 30- 50 năm có khi dài hơn. Hoa tre màu vàng nhạt, quả tre nhỏ có thể mọc thành cây con. Tre thuộc họ rẻ chùm, với các rể tua tủa tự gốc thân bám chặt vào lòng đất.Từ một cây tre ban đầu, thêm một chồi măng mọc ra có nghĩa là cây tre mới ra đời. Cứ thế tre  chẳng bao giờ sống đơn lẻ mà mọc thành từng bụi, từng rặng, từng bờ. Loài cây này không kén đất vì thế nó có ở khắp nơi, từ sau hè, trước ngõ, ra bờ sông đến đình làng.

Họ hàng nhà tre cũng khá đông đúc, chỉ riêng tre đã có nhiều loại: tre gai: có nguồn gốc từ Quảng Ngãi, cây khá dài nhưng mắt ngăn và nhiều cành nhỏ. Tre tầm vong có nguồn gốc Tây Ninh, thân óng, đặc có nhiều lỗ nhỏ và mắt ngăn. Tre đằng ngà có nguồn gốc từ các nước Châu Á, thân tre màu vàng, lóng tre dài, thân và ruột đều đặc…Ngoài tre còn có trúc, nứa, mai, vầu cũng có chung một số đặc điểm của loài.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi tre là loài cây của làng quê Việt Nam. Cây tre đã đi vào đời sống người nông dân như hình với bóng. Từ xưa, khi chưa có cốt, thép,xi măng, tre trở thành cái kèo, cái cột, phên vách làm nhà. Tre trở thành chiếc bàn ăn cơm, bộ ghế đặt trước nhà. Tre kẽo kẹt tiếng võng đưa mẹ ru con những trưa hè. Chiếc giường được làm từ bụi tre già qua mấy đời vẫn còn nguyên vẹn. Dưới tán tre xanh,các làng nghệ thủ công truyền thống ra đời. Qua bàn tay khéo léo của con người, tre trở thành cái rổ, thúng, giỏ hoa, cái nôm,cái đó.. Chẳng đứa trẻ nông thôn nào lại không biết đến những cánh diều làm từ khung tre, những chiếc sáo diều vi vu và những chiếc cần câu cong vút. Tre gắn bó đời mình vào cuộc đời lam lũ của người nông dân. Chiếc đòn gánh trên vai mẹ làm từ tre nuôi các con khôn lớn. Tre làm cán cuốc, đòn cày theo cha ra ruộng…

Một đất nước không tấc sắt nhưng lại chiến thắng kẻ thù hùng mạnh nhờ vào sự kiên cường của con người trong đó tre góp một phần quan trọng. Gậy tre, tầm vông làm vũ khí đánh giặc. Tre xung phong trên khắp các trận địa, từ cộc tre trên sống Bạch Đằng đến các hầm chông khiến kẻ thù khiếp sợ.

Nếu có một loài cây xứng đáng là quốc thụ thì đó chính là cây tre. Cây tre mang linh hồn, tính cách, phong tục, tập quán của người Việt. Đó là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, san sẻ. Những bụi tre đứng thẳng, hướng về phía mặt trời tượng trưng cho tinh thần bất khuất, ham tự do của nhân dân. Tre nhũn nhặn, đứng khép mình nhưng lại mieetjmaif bám chắc vào lòng đất hay chính người nông dân hiền làng, chung thủy và mang trong lòng tình yêu nước sâu nặng.

Cây tre đi vào đời sống tinh thần của người Việt Nam từ khi mới lọt lòng mẹ qua câu ầu ơ: “Em về cắt rạ đánh tranh

Chặt tre, chẻ lạt cho anh lợp nhà”

Lớn lên, ngồi hiên sau nghe bà kể chuyện Thánh Gióng bẻ che làm gậy đánh giặc với đôi mắt ngưỡng mộ rồi thương cho anh Khoai hiền lành tìm mãi cây tre trăm đốt. Cây tre trở thành lời dạy bảo của ông bà qua thành ngữ: “tre già măng mọc, tre non dễ uốn”. Có không ít nhà thơ, nhà văn viết về cây tre nhưng tre chưa bao giờ lặp lại mình trong cảm hứng của mỗi tác giả. Tre là hình bóng quê nhà của tế Hanh khi nhớ về con sông quê hương miền nam “Quê hương tôi có con sông xanh biếc

Nước gương trong soi tóc những hàng tre”

Tre thành biểu tượng của đất nước, dân tộc qua “Cây tre Việt Nam” của Nguyễn Duy

“ Năm qua đi, tháng qua đi

Tre già măng mọc có gì lạ đâu”

Cây tre đã sống và cống hiến trọn đời mình cho đời sống nhân dân. Dù hôm nay, xi măng,sắt, thép đã thay thế dần vị trí của tre nhưng chẳng có bất cứ thứ gì thay thế được sự chung thủy, gắn bó mà loài cây này đối với con người. Cây tre anh hùng, bất khuất, trung hiếu, cần mẫn mãi là hình đẹp đi vào truyền thống lao động, chiến đấu của chúng ta.


Nếu bạn thấy bài văn Thuyết minh về cây tre hữu ích cho bạn, hãy để lại cho chúng tôi một tương tác bên dưới mỗi bài viết, chúng tôi sẽ gửi đến các bạn nhiều bài văn mẫu khác hay nhất cho bạn tham khảo nhé.!

5/5 - (1 vote)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →