Bộ đề thi tốt nghiệp THPT 2018
Đề 4:
Phần I: Đọc Hiểu
Hài hước cũng phải học, học để thưởng thức được cái hài, học để diễn được cái hài. Chính khách nhiều nước phải thuê thầy riêng đến nhà dạy cách pha trò hài hước. Hài để làm cho việc tuyên truyền được vui vẻ tự nhiên đậm đà ý nhị. Hài để tấn công đối thủ cũng đang đi vận động tuyên truyền lấy phiếu cử tri. Hài để đá bóng về sân đối phương. Hài để gỡ bí trong tình huống trớ trêu khó xử. Lúc ấy mà mặt khó đăm đăm thì chắc chắn sẽ liệt, sẽ mất điểm.
Chính khách khi nói một câu hóm hỉnh chưa chắc đã thực lòng nói, diễn đấy. Nghệ sĩ nhân dân đấy nghệ sĩ ưu tú đấy. Nhưng cái hóm hỉnh hài hước ấy thuyết phục được cử tri và công chúng, vậy là đạt được mục đích.
Cao hơn cả diễn nữa, là mình có khả năng hiểu được cái hài, thích cái hài, thấm được cái hài, mình cười một cách tự nhiên, pha trò một cách tự nhiên. Đấy là của trời cho. Đấy là người được thiên phú. Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ.
(Trích Không biết cười – Hồ Anh Thái, Lang thang trong chữ)
Câu 1: Chủ đề của đoạn văn là gì? Hãy đặt cho đoạn văn một tiêu đề mà anh chị cảm thấy thích hợp.
Câu 2: Tác giả đã nói đến những tác dụng gì của cái hài và nói với giọng điệu ra sao?Hãy liệt kê các yếu tố hình thức cho phép anh chị nhận ra giọng điệu ấy?
Câu 3: Trong đoạn văn từ “diễn” được đùng đến ba lần, anh chị hiểu thế nào về hàm ý của từ này.
Câu 4: Từ điều tác giả gợi mở hãy viết đoạn văn 5- 7 câu nói về ý nghĩa của cái hài trong cuộc sống.
Phần II: Tập làm văn:
Câu 1: Gập máy tính lại. Tắt điện thoại đi. Hãy giao tiếp nhiều hơn với xã hội và tận hưởng cuộc sống thực tại.
Viết đoạn văn (200 chữ) trình bày suy nghĩ anh chị về vấn đề trên.
Câu 2: Cảm nhận của anh chị về hình ảnh bát cháo hành trong truyện ngắn Chí Phèo và nồi cháo cám trong truyện ngắn Vợ nhặt.
Gợi ý làm bài
Phần I:
Câu 1: Chủ đề: sự cần thiết của việc học cách hài hước
Tiêu đề: “Học cách hài hước” hoặc “Hài hước – cái cần học”
Câu 2:
- Tác dụng của học cái hài: hài giúp việc tuyên truyền, vận động diễn ra tự nhiên; giúp chủ động trong giao tiếp; gỡ bí trong tình huống khó xử; tạo không khí thoải mái trong cuộc sống, có lợi cho sức khỏe..
- Giọng điệu của tác giả: hài hước
- Các dấu hiệu:
+ Dùng từ lấp lửng đa nghĩa: từ “diễu”
+ Dùng lối diễn đạt kiểu lật tẩy: “tấn công đối thủ, gỡ bí..”
+ Dùng tiểu từ tình thái đúng chỗ: từ “đấy”
Câu 3: Giá trị biểu đạt của từ “diễn”biến hóa nghĩa theo từng lượt sử dụng, ban đầu chỉ hoạt động diễn hài, sau đó chỉ hành vi “diễn trò”, “làm hề” của một số đối tượng.
Câu 4: Nêu được ý nghĩa của cái hài:
- Rất cần thiết, giải trí, giải tỏa những điều nặng nề
- Vũ khí tấn công thói hư tật xấu, điều đáng phê phán
- Niềm lạc quan rất cần thiết của con người trong nhiều tình huống.
Phần II:
Câu 1:
- Mở đoạn: nêu lên vấn đề cần nghị luận: “Gập máy tính lại. Tắt điện thoại đi. Hãy giao tiếp nhiều hơn với xã hội và tận hưởng cuộc sống thực tại”. Con người ngày nay quá quan tâm đến cuộc sống ở thế giới ảo trên các phương tiện thông tin mà quên mất mình đang sống trong thực tại.
- Giải thích:
+ Con người quá quan tâm đến điện thoại di động, những thiết bị thông minh nên lãng quên giá trị cuộc sống đích thực, những điều đáng quý bên cạnh.
+ Vấn đề mở ra cách nhìn nhận, đánh giá thiết thực về những việc nên và không nên để sống hài hòa hơn.
- Chứng minh: Vì sao phải gấp máy tính, tắt điện thoại:
+ Điện thoại, máy tính và các thiết bị thông minh khác rất tiện ích, mang cả thế giới đến với người sử dụng.
+ Tuy nhiên quá nhiều người lạm dụng nó, dành quá nhiều thời gian vào màn hình vi tính, điện thoại thay vì dành thời gian cho những người thân và các hoạt động khác.
+ Không chỉ vậy, hệ lụy của việc nghiện mạng xã hội là những bệnh hiện đại như vô cảm, sống ảo…
+ Gập máy tính, tắt điện thoại để giao tiếp nhiều hơn, dành thời gian cho người thân, nối kết các mối quan hệ thực tế; tham gia các hoạt động xã hội để làm việc có ích cho bản thân và mọi người; có thêm thời gian để sáng tạo, tự học, nghiên cứu, mơ mộng và suy ngẫm về đời sống…
- Bình luận:
+ Điện thoại, máy tính chỉ là những phương tiện giúp con người có cuộc sống tiện nghi chứ không phải là ông chủ điều khiển mọi suy nghĩ và hành động của con người. Con người sống với nhau mới đáng quý, những giá trị thực tế ngoài đời mới là mục đích sống của chúng ta.
+ Cách sử dụng điện thoại, máy tính cũng là thước đo trình độ nhận thức của mọi người. Đừng lệ thuộc quá nhiều vào công nghệ số hiện đại.
- Kết bài: bài học thực tế và liên hệ bản thân.
Câu 2:
Mở bài: Giới thiệu khái quát về hai tác giả cùng hai tác phẩm:
- Nam cao là cây bút hiện thực chuyên viết về người nông dân trên con đường bị tha hóa nhân cách trước Cách mạng tháng tám, Chí Phèo là truyện ngắn kết tinh đặc sắc nghệ thuật của Nam Cao. Kim Lân là nhà văn của nông thôn miền Bắc vừa giản dị, chân thành lại chan chứa tình người. Tác phẩm Vợ nhặt là tác phẩm mang giá trị nghệ thuật và tư tưởng nhân đạo lớn.
- Hai hình ảnh bát cháo hành và nồi cháo cám đều là những đặc sắc nghệ thuật hội tụ tư tưởng, chủ đề của tác phẩm.
Thân bài:
- Hình ảnh bát cháo hành:
- Sự xuất hiện: chi tiết xuất hiện ở giữa truyện. Chí Phèo say rượu nên quay về bờ sông, gặp Thị hớ hênh nằm ngủ. Sự gặp gỡ giữa một con quỹ dữ và đứa dở hơi trong đêm trăng, bên vườn chuối đã làm nên một mối tình. Sau hôm đó, Phèo bị bệnh, Thị nấu cho Phèo một bát cháo hành.
- Ý nghĩa nội dung:
+ Sự chăm sóc của Thị Nở khi Chí Phèo ốm đau, sự chăm sóc, quan tâm không vì mục đích nào
+ Liều thuốc giải cảm cho căn bệnh của Chí và cũng giải độc cho tâm hồn hắn, khiến hắn ngạc nhiên, xúc động, hối hận và ước mơ về những điều tốt đẹp. Chí khao khát được hoàn lương => bát cháo hành thức tỉnh nhân cách của Chí, cho Chí một cơ hội để phục thiện.
+ Bát cháo đối với Chí là một tình thương, một sự ân cần, quan tâm còn là một ân huệ điều mà trước giờ Chí chưa bao giờ nhận được từ ai. Nó là tình người hiếm hoi làm Phèo tìm thấy hương vị tình yêu và hạnh phúc.
- Ý nghĩa nghệ thuật:
+ Chi tiết đắc thúc đẩy diễn biến của cốt truyện, khắc họa được tâm lí, tính cách và hình tượng nhân vật.
+ Thể hiện tư tưởng của Nam Cao về niềm tin sức mạnh của tình cảm có thể cảm hóa con người.
- Nồi cháo cám
- Sự xuất hiện: phần cuối truyện, trong bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới.
- Ý nghĩa nội dung:
+ Đối với Tràng, Thị thì nồi cháo cám là món ăn qua cơn đói, là bữa tiệc duy nhất đón nàng dâu mới => khắc họa sự nghèo đói, khổ cực của người lao động trước cách mạng tháng tám.
+ Nồi cháo là tấm lòng người mẹ nghèo thương con, là tình người nồng hậu giữa cơn đói khổ và cũng là niềm tin, hi vọng trong những ngày tăm tối. Bà cụ Tứ, Tràng đã cưu mang, đùm bọc chia sẻ sự sống cho Thị, họ tìm đến nhau để nương tựa vào nhau và tìm hạnh phúc.
+ Qua nồi cháo cám, tính cách của các nhân vật được bộc lộ: Bà cụ Tứ hiện rõ qua hình ảnh người mẹ chịu thương, chịu khó, đảm đang lo toan chu đáo cho các con mình. Thị đã biết chấp nhận hoàn cảnh và sẵn sàng cùng gia đình mình vượt qua khó khăn, Thị không còn tính nết chỏng lỏn như trước kia nữa.
- Ý nghĩa nghệ thuật: góp phần bộc lộ tính cách nhân vật và thể hiện được tài năng lựa chọn chi tiết đặc sắc của Kim Lân.
- So sánh:
- Giống nhau:
+ Giữa hai chi tiết đều là đặc sắc nghệ thuật thể hiện tình người ấm áp
+ Góp phần phản ánh hiện thực và xây dựng bi kịch của nhân vật.
+ Đều thể hiện được tài năng nghệ thuật đồng thời tấm lòng nhân đạo, nhân văn sâu sắc của hai nhà văn đối với con người.
- Khác nhau:
+ Bát cháo hành là tình thương của Thị Nở dành cho Chí Phèo nhưng không đủ sức đem Phèo về với lương thiện bởi vì xã hội đã cự tuyệt hắn. Qua đó, ta thấy được tội ác của xã hội thực dân, phong kiến đã đẩy người nông dân vào bước đường cùng => Nam Cao có cái nhìn khá bi quan, bế tắc khi không thể tìm thấy con đường nào khác cho nhân vật.
+ Nồi cháo cám: biểu tượng của tình người, tình thương, niềm tin vào những phẩm chất tốt đẹp nơi con người và niềm hi vọng vào một tương lai mà ở đó những người dân nghèo sẽ cùng nhau đoàn kết đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng => Kim Lân đã có cái nhìn lạc quan đầy niềm tin, hi vọng.
+ Sự khác nhau đó không phải nằm ở tư tưởng nhà văn còn hạn chế mà do ánh sáng lí tưởng cách mạng ảnh hưởng ở mỗi nhà văn là khác nhau.