Văn 7: Kể về một kỉ niệm đáng nhớ của em với người thân (văn mẫu 2)
Người thân không chỉ là những người máu mũ với mình hay sống chung với mình, người thân đối với tôi là những người luôn bên cạnh, yêu thương, chăm sóc tôi. Người đó là thím út tôi, người cho tôi một kỉ niệm đáng nhớ nhất cuộc đời.
Thím út tôi bây giờ là vợ sau của chú tôi và không phải là mẹ ruột của bé Hoàng. Mẹ ruột bé Hoàng mất vì bệnh nặng lúc Hoàng mới lên 3. Khi đó tôi được 8 tuổi, tôi cứ nghĩ tất cả những gì ghẻ trên đời đều độc ác nên từ lúc thím út về sống với chú, tôi đã không thích thím. Tôi vẫn hay sang nhà chú để dò la những lúc chú vắng nhà. Nếu tôi thấy trên người bé Hoàng có bất cứ dấu trầy xướt nhỏ nào tôi đều về mách cha tôi. Cha không hề la mắng thím ấy mà còn luôn bênh vực thím khiến tôi càng ghét thím ra mặt. Có lẻ thế mà thím cũng ngại sang nhà tôi chơi.
Tôi thích bày đủ trò chọc phá thím, khi thì giấu quần áo thím phơi ngoài sân, khi thì bỏ thêm ít muối vào nồi canh thím nấu. Có một lần tôi dắt bé Hoàng ra sông chơi vì muốn cho thím đi tìm. Tôi bơi xuồng chở bé Hoàng, bé Hoàng nghịch nước cúi xuống sông vớt những chiếc lá trôi. Bỗng em té nhào xuống sông, tôi hốt hoảng la lên nhưng khúc sông vắng không có ai trông thấy. Tôi nhảy xuống nước dù mình lội không giỏi. Tôi bị chuột rút cứng cả chân, miệng cũng không thể kêu la được nữa. Lúc ấy tôi thấy thím vội vàng bơi nhanh đến chỗ tôi và Hoàng, thím xốc nách chúng tôi lên và cố gắng ngược dòng nước bơi vào bờ. Trong lúc suýt chết đuối tôi cứ nghĩ người cứu tôi là một bà tiên trong cổ tích. Lên đến bờ, thím út hô hấp nhân tạo cho em Hoàng và ép cho tôi nôn hết nước vừa uống ra ngoài. Em Hoàng và tôi không sao, em khóc nhiều lắm và ôm chặt lấy thím, thím bế em Hoàng vào nhà, lau chùi và thay đồ cho em. Chiều hôm ấy tôi về nhà và đợi cơn giận của chú và cha trút xuống. Nhưng không hề có ai hỏi tôi về chuyện để bé Hoàng rơi xuống sông. Tôi lén qua nhà chú rồi nấp ở cửa sau, tôi nghe được tiếng chú đang trách mắng thím vì sao lại vô ý để Hoàng chơi một mình cho em té xuống sông. Thì ra bé Hoàng đã kể với chú tôi chuyện lúc sáng. Tôi lo sợ chú sẽ tìm mình và nói với cha phạt tôi. Nhưng không, thím đã nhận hết lỗi do thím vô ý mà không hề nhắc vì tôi đem bé ra sông chơi. Lúc đó tôi nhút nhát không dám nói sự thật và nhận lỗi sai. Tôi hối hận vì điều mình làm và cảm thấy mình đã sai khi nghĩ không tốt về thím.
Từ đó, tôi bỏ hẳn những trò chọc phá thím, không bao giờ nói xấu thím điều gì. Có ai nói thím là mẹ ghẻ tôi liền bênh vực. tôi và thím trở nên thân hơn, có chuyện gì ở trường tôi đều kể với thím và nghe thím tâm sự về những nỗi buồn.
Cho đến bây giờ, tôi không còn là đứa trẻ khờ dại nữa nhưng tôi vẫn được thím che chở như ngày nào. Thím không chỉ là người thân của tôi mà còn như người mẹ thứ hai đã cứu cả tôi và Hoàng. Tôi luôn kính trọng thím và nhớ mãi kỉ niệm của tôi và thím.