Đề: Cảm nhận của anh chị về vẻ đẹp của hai khổ thơ sau
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.”
(Tây Tiến – Quang Dũng)
Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lor-ca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du
(Đàn ghi ta của Lor- ca, Thanh Thảo)
Gợi ý làm bài:
Mở bài: Khái quát tác giả, tác phẩm và chủ đề chung của hai đoạn thơ
Ví dụ: Văn học bao giờ cũng là những mảnh ghép của cuộc đời và là khúc hát ca ngợi con người. Giữa một nhà thơ Cách mạng ca ngợi về người lính cộng sản và một nhà thơ tri thức nhiều suy tư trăn trở; giữa một tâm hồn hào hoa, lãng mạn và một trái tim giàu suy tư mãnh liệt, Quang Dũng và Thanh Thảo bắt gặp nhau ở tấm lòng trân trọng, yêu thương dành cho những người chiến sĩ anh hùng đã ngã xuống vì nghĩa lớn.
Hai nhà thơ viết về chủ đề khác nhau nhưng cùng chung một nỗi cảm phục về cái chết bi tráng, bi hùng của người lính Tây Tiến và người chiến sĩ Lorca.
Trích hai khổ thơ
Thân bài:
- Cảm nhận đoạn thơ Tây Tiến:
- “Rải rách biên cương mồ viễn xứ”: Nhà thơ là người lính, là người hiểu hơn ai hết nỗi đau của chiến tranh. Ông không hề che giấu những mất mát ấy, những nấm mồ viễn xứ là sự thật khốc liệt gợi nên sự bi thương về những người chiến sĩ ngã xuống trên đường hành quân mà mộ phận lại nằm tha hương nơi viễn xứ.
- “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”: Khí phách mạnh mẽ quyết lên đường xông pha của tuổi trẻ. Mặc dù biết chiến trường ác liệt và không tránh khỏi những gian khổ, thậm chí là cái chết nhưng họ vẫn sẵn sàng dâng hiến tuổi xuân cho đất nước. Đấy cũng là tư thế ra trận hiên ngang, bất chấp của người lính trong thời kì kháng chiến
- “Áo bào thay chiếu anh về đất/ sông Mã gầm lên khúc độc hành”: một lần nữa cái chết được nhắc đến trong hình ảnh mang tính sử thi “áo bào” gợi không khí cổ kính của những vị anh hùng, tướng sĩ ngày xưa ra đi vì nghĩa lớn. Hình tượng phóng đại này nhằm khắc hoạ một cách mạnh mẽ sự hào hùng của người lính thời đại mới. Người chiến sĩ ngã xuống nơi rừng hoang, không một nén nhang, không cổ quan tài, cả manh chiếu bó thân cũng thay bằng tấm áo, chỉ có tiếng “gầm” của dòng sông đưa tiễn như tiếng hồn thiêng sống núi.
- Nghệ thuật:
+ Bút pháp của Quang Dũng mang đậm chất sử thi và khuynh hướng lãng mạn, viết về những người phi thường trong hoàn cảnh phi thường.
+ Sử dụng nhiều biện pháp như đối lập, ẩn dụ, từ láy…
+ Từ mượn Hán Việt mang sắc thái trang trọng: mồ viễn xứ, biên giới, quân…
- Cảm nhận đoạn thơ Đàn ghi ta của Lorca
- Đoạn thơ tái hiện lại giây phút bi phẫn nhất trong cuộc đời người nghệ sĩ, chiến sĩ cả đời chiến đấu với bọn độc tài Phrăng –cô để cải cách nền nghệ thuật già cỗi của Tây Ban Nha.
+ Phép đối giữa “Tây Ban Nha/hát ngêu ngao” và “áo choàng bê bết đỏ”: một bên là hình ảnh người nghệ sĩ tự do, tâm hồn phóng khoáng, một bên là tội ác của bọn thống trị tàn bạo, đê hèn => khung cảnh đất nước Tây Ban Nha dưới sự độc quyền của phát xít chẳng khác nào một đấu trường đẫm máu và hết sức căng thẳng.
+ “Bỗng kinh hoàng” tiếng thốt đầy đau thương của nhà thơ với thái độ bất ngờ, sửng sốt khi người nghệ sĩ còn đang “hát nghêu ngao” cho lí tưởng tự do của mình thì bỗng bị điệu về bãi bắn. Cái chết quá bất ngờ, quá thương tâm.
+ “áo choàng bê bết đỏ” gợi đấu trường của những chàng cao bồi đang đấu bò tót hay chính cuộc chiến khốc liệt của Lorca với bọn Phrang – cô mà kết cục là án tử. Màu đỏ ở đây là màu của chiếc áo choàng cũng là màu của máu, nó vừa gợi sự chết chóc vừa nhuốm màu tang thương.
+ “Chàng đi như người mộng du”: mộng du là trạng thái hồn lìa khỏi xác, ở đây có thể hình dung được tư thế ra pháp trường của Lorca, không hề sợ sệt, không hề lo lắng bởi vì ngay từ khi bước chân vào con đường chiến đấu cho công lý, người nghệ sĩ đơn độc đã được báo trước cái chết.
- Nghệ thuật:
+ Thể thơ tự do, câu thơ không viết hoa đầu, không dấu, không vần
+ Kết hợp giữa tự sự và trữ tình, lãng mạn và bi tráng
+ Sử dụng nhiều biện pháp như ẩn dụ, so sánh.
- Nét tương đồng và khác biệt:
- Tương đồng: Đều viết về những cái chết của những con người tài năng, yêu tự do, yêu đất nước, tiên phong mở đường cho lí tưởng mang vẻ đẹp bi tráng, hào hùng vượt lên trên hiện thực khốc liệt, bi thảm
- Sự khác biệt:
+ Trong Tây Tiến sự hi sinh được miêu tả gián tiếp qua hình ảnh bi hùng của nhiều từ Hán Việt. Sự hi sinh của người lính là không đơn lẻ mà trở thành một tượng đài bất tử mang dấu ấn của thời đại anh hùng. Cảm hứng lãng mạn chắp đôi cánh cho cái bi trở nên hào hùng, khí phách. Nghệ thuật chính của Quang Dũng là bút pháp lãng mạn kết hợp nhiều hình ảnh độc đáo, giàu tính hội họa và âm nhạc.
+ Cái chết trong thơ Thanh Thảo được gợi tả trực tiếp. Sự hi sinh này mang tính chất đơn lẻ bởi người nghệ sĩ Lorca trong hành trình đơn độc đấu tranh chống bọn phát xít để cải cách nền chính trị và nghệ thuật già nua của Tây Ban Nha. Thanh Thảo sử dụng thể thơ tự do, tượng trưng, siêu thực mang đậm dấu ấn cá nhân của một nhà thơ giàu suy tư.
- Lí giải sự khác biệt: hai nhà thơ sống ở hai thời đại khác nhau, quan điểm nghệ thuật thẫm mĩ và hoàn cảnh sáng tác không giống nhau.