Tác giả, tác phẩm, Phân tích bài thơ Thương Vợ của Trần Tế Xương

Tác giả, tác phẩm, Phân tích bài thơ Thương Vợ của Trần Tế Xương

  1. Tác giả, tác phẩm

  • Trần Tế Xương (1870 – 1907), là một nhân tài để lại sự nghiệp thơ ca bất tử nhưng cuộc đời lại bất hạnh, ngắn ngủi.
  • Hai mảng thơ trào phúng , trữ tình viết về quê hương, đất nước, con người đặc biệt có những sáng tạo khi khắc họa chân dung người phụ nữ.
  • Bài thơ viết về bà Tú, người vợ chịu thương chịu khó của ông.
  1. Phân tích tác phẩm

a. Hai câu đề

“quanh năm buôn bán ở mom sông/ nuôi đủ năm con với một chồng” là lời kể về công việc làm ăn lo toan cho gia đình của bà Tú.

  • “Quanh năm” chỉ thời gian suốt cả năm không kể ngày mưa hay nắng, quanh năm còn là vòng xoay liên tục của thời gian, từ năm này qua năm khác.
  • Địa điểm mà công việc:

+ Mom sông: phần đất nhô ra ở phía lòng sông, nơi chênh vênh nguy hiểm.

+ buôn bán: công việc đầy bon chen, mặc cả giữ chốn đông người.

  • Sự tri ân của ông dành cho bà: “nuôi đủ năm con với một chồng”

+ Nuôi đủ: không thừa, không thiếu thốn

+Cách đếm: năm con một chồng cho thấy bà Tú phải một mình gánh vác cả gia đình 6 người chưa kể bản thân mình.

  • Qua câu thơ hình ảnh bà Tú tảo tần hiện lên rõ nét, bà nuôi đủ ở đây không chỉ là đủ ăn đủ mặc cho các con mà còn đủ để ông tiêu pha chuyện đèn sách cả những thú ăn chơi của những kẻ sĩ ngày xưa. Trong cái thời buổi khó khăn, một mình buôn bán lo thân đã vất vả, đằng này lại nuôi đủ thêm 6 miệng ăn. Nỗi chua chát ấy được nhà thơ thể hiện khôi hài thông qua hình ảnh “năm con với một chồng”. Ông đánh đồng bản thân mình là một thứ con đặc biệt, đứa con này lại đặt ngang hàng với 5 đứa còn lại. Tú Xương vẽ nên hình ảnh đôi gánh hàng mà bà Tú gành hằng ngày, một bên là 5 con một bên là chồng. Tự trách bản thân là gánh nặng cho vợ, ông cũng gửi niềm tri ân của mình đến bà Tú một cách kín đáo.

b. Hai câu thực

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ eo sèo mặt nước buổi đò đông” cảnh làm ăn vất vả mưu sinh của bà Tú.

  • “Lặn lội thân cò” hình ảnh thân cò, cái cò trong ca dao xuất hiện rất nhiều để chỉ người nông dân nói chúng và người phụ nữ nói riêng vất vả, gian truân…Qua bàn tay sáng tạo của Tú Xương, nó trở thành thân cò chỉ bà Tú, không còn là một cánh cò nào đấy mơ hồ về số kiếp con người, thân cò chỉ thân phận cụ thể, nỗi đau cụ thể.
  • So với ca dao hình ảnh thân cò trong thơ Tú Xương không chỉ xuất hiện trong cái rợn ngợp của thời gian mà còn cái rợn ngợp vô cùng của không gian “khi quãng vắng” chỉ thời điểm vắng vẻ, nguy hiểm ở một nơi hẻo lánh.
  • Biện pháp đảo ngữ “lặn lội” lên trước “thân cò” nhấn mạnh sự vất vả nhọc nhằn của công việc buôn bán.
  • “Eo èo mặt nước” từ láy eo sèo chỉ âm thanh nhốn nhào, ồn ào của buổi chợ trong đó có lời qua tiếng lại, mặc cả bán mua.
  • “Buổi đò đông” Ca dao có câu” Con ơi nhớ lấy câu này, sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua” để nhắc nhở chuyến đò đông ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Vậy mà, bà phải buôn bán chốn đò đông.
  • Hai câu thơ sử dụng biệp pháp đối lập “lặn lội thân cò ó eo sèo mặt nước” “buổi đò đông ó nơi quãng vắng” để làm nổi bật tính chất công việc của bà Tú.

c. Hai câu luận

“Một duyên hai nợ, âu đành phận/ năm nắng mười mưa dám quản công” cảnh đời éo le oái oăm bà Tú phải chịu.

  • Hai câu thơ Tú Xương sử dụng hai thành ngữ “một duyên hai nợ, năm nắng mười mưa”

+ “Một duyên hai nợ” theo triết trí nhà phật, con người gặp được nhau, đến với nhau là duyên nhưng sống với nhau thì do nợ. Bà Tú đến với ông Tú duyên chỉ có một mà nợ có đến hai, chứng tỏ bà Tú phải chịu nhiều thiệt thòi, éo le để trả nợ ân tình.

+ “năm nắng mười mưa” số đếm năm mười tăng theo cấp số nhân như muốn nói bà Tú sống với ông Tú phải chịu nhiều vất vả, nỗi vất vả ấy ngày một tăng dần.

+ “Âu đành phận, dám quản công” chỉ thái độ cam chịu, chấp nhận số phận của bà Tú, cực khổ thế, gian nan là thế mà bà nào dám quản công.

  • Ông Tú lên tiếng nói hộ vợ mình nỗi cực nhọc, đắng cay của cuộc đời, ấy cũng là nỗi dằn vặt bấy lâu nay của ông, một kẻ sĩ chí lớn nhưng phải ngửa tay xin tiền vợ tiêu xài. Lời thơ như một tiếng thở dài chua xót, nặng nề. Qua đó, ta thấy được nỗi lòng của ông Tú, hơn ai hết ông là người thấu hiểu, cảm thông và yêu thương vợ mình.

d. Hai câu kết

“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc/ có chồng hờ hững cũng như không” là tiếng chủi mình, chửi đời.

  • “Thói đời” tác giả đang nhắc đến là những định kiến và tư tưởng khắc khe về người phụ nữ, phụ nữ phải tam tòng, tứ đức, công dung ngôn hạnh. Họ đặt ra cho người phụ nữ quá nhiều đòi hỏi nhưng lại cướp mất đi của họ nhiều quyền lợi.
  • “Cha mẹ” tác giả vận dụng lời ăn tiếng nói của dân gian vào thơ tạo nên một giọng điệu thơ gân gũi, dung dị rất đời thường nhưng cũng chứa đựng nhiều suy ngẫm.
  • “Ăn ở bạc” tác giả oán trách thói đời bạc bẽo, bà Tú vì nợ mà phải gánh vác trách nhiệm nặng nề, nhưng không phải vì thế ông đổ hết cho duyên số. Tú Xương chửi chính bản thân mình làm chồng mà “hờ hững” để vợ gánh vác một mình.
  • Tú Xương sòng phẳng với cuộc đời và cũng sòng phẳng nhìn nhận bản thân, ông không tiếc lời mạt sát, chửi chính mình. Qua đó ta thấy một Tú Xương không hề hờ hững như ông đã nói mà là một ông Tú nặng tình đời, tình người, có nhân cách cao đẹp, đáng quý hơn là tấm lòng chân thành với vợ.
  1. Nghệ thuật

Vận dụng nhiều ca dao, thành ngữ, khẩu ngữ dân gian và sáng tạo rất thành công.

  1. Ý nghĩa tác phẩm

Khắc họa chân dung người phụ nữ trong xã hội phong kiến tảo tần, đảm đang thương yêu hi sinh mình vì gia đình, qua đó thấy được tấm lòng trân quý của người chồng dành cho vợ.

5/5 - (2 votes)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →