[Văn 11] Vẻ đẹp của hình tượng người nông dân trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu
Bài làm
Hình tượng người nông dân xưa được biết đến qua những câu ca dao mà họ chính là cánh cò lam lũ. Đâu ai biết rằng họ cũng là những vị anh hùng đã đổ xương máu để giữ gìn nền độc lập. Trước thế kỉ XIX người nông dân đã khẳng định vai trò làm chủ đất nước mỗi khi có giặc ngoại xâm, trước khi thực dân Pháp đến xâm lăng nước ta. Thế nhưng có lẽ chỉ từ khi Nguyễn Đình Chiểu tạc họ vào bức tượng đài bất khuất trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (1861) thì trong thi ca Việt Nam hình ảnh người nông dân mới thật sự được đặt đúng vị trí của mình.
Đầu thế kỉ XIX, Pháp tấn công kinh thành Huế, triều đình thua trận và quỳ gối xin hàng. Đất nước nhuộm màu tan tóc, nhân dân lầm than, cơ cực, lòng người oán hận mà đấng bề trên vẫn mặc nhiên cho kẻ giặc lộng hành. Trong cái khung cảnh bão táp của lịch sử, người nông dân Cần Giuộc hiện lên rõ nét:
“Súng giặc đất rền, lòng dân trời tỏ”
Câu văn đầu tiên mở ra cuộc đụng độ giữa lòng tham lam vô đáy của kẻ ngoại lâm và tinh thần yêu nước của dân tộc. Tinh thần yêu nước ấy gói gọn trong tấm chân tình của người nông dân cơ cực để từ một người chỉ quen ruộng nương, quen luống ra, bờ chuối, quen việc cấy cày, không biết đến chuyện đánh nhau, thắng thua và quân sự.
“Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung
Chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ”
Ấy vậy mà bỗng chốc học vươn vai thành những dũng sĩ kiên cường. Tinh thần Phù Đổng Thiên Vương chắc còn lưu lại ngàn đời nên không đợi người bắt bớ, kêu gọi, họ tự nguyện tìm đến nhau để lập ấp, tính chuyện đấu tranh.
Trước khi tự mình làm việc nghĩa họ cũng đã chờ đợi và hi vọng một đức thánh quân. Thế nhưng càng chờ đợi họ càng thất vọng. Chính nỗi thất vọng đan xen lòng căm thù những thói tầm thường, độc ác của bọn giặc là động lực khiến người nông dân đứng lên hứng mũi chịu sào, “ Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu, hai vầng nhật nguyệt chói lòa, đâu dung lũ treo dê bán chó”.
Bao nhiêu người nông dân Việt Nam xưa và nay đã tham gia cuộc chiến đấu cũng vì tình cảm tự nhiên ấy. Hơn thế nữa họ còn nhận thức sâu sắc về vai trò trách nhiệm của một người dân đối với tổ quốc. Đáng khen thay những tấm lòng sáng như gương và to dày đạo nghĩa. Kẻ nhận được ân huệ to lớn của dân tộc đang ngất ngưỡng trên cao mà bận tâm giữ ngai vàng, còn người luôn chịu số kiếp bần hàn lại làm việc nghĩa đền ơn nước. Lúc ấy, họ chưa nghĩ đến vai trò to lớn của mình đã giúp các triều đại phong kiến giữ vững nền độc lập. Rất đơn giản họ nhận thấy việc trái với đạo nghĩa ở đời, trái với ý trời, lòng dân nên họ đảm nhận trọng trách. Cái khí phách hào kiệt ấy làm sao giấu nổi bên trong manh áo cật, đến lúc nào đấy nó sẽ phát triển thành ý thức, ý chí và sự quyết tâm chống giặc ngoại xâm.
“nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình, chẳng thèm trốn ngược, trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ”
Bằng những từ ngữ mộc mạc như lời ăn tiếng nói hằng ngày của người nông dân, Nguyễn Đình Chiểu đã miêu tả chân thật những chuyển biến trong suy nghĩ và hành động của người nông dân. Cũng chính những suy nghĩ này đã tạo đà vững chắc cho bước phát triển từ người nông dân đến người nghĩa sĩ.
“ Mười tám ban võ nghệ nào đợi tập rèn, chín chục trận binh thư không chờ bày bố
Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu bầu ngòi; trong tay cầm một ngọn tầm vong, chi nào sắm dao tu, nón gõ”
Ngoài tinh thần của một nghĩa sĩ thì thì họ vẫn giữ nguyên hình hài người nông dân với mọi thiếu thốn về vật chất. Cả điều cần thiết là vũ khí để đánh giặc những nghĩa sĩ này cũng dùng “con cúi, gậy tầm vông, dao phay..” những dụng cụ mộc mạc, thô sơ gắn với cuộc sống lao động. Nghèo khó thế mà tinh thần nào thiếu thốn, thô sơ đấy nhưng tình yêu nước dạt dào, quê mùa đấy mà đại diện cho cả một dân tộc anh hùng. Mặc dù bước ra từ văn học mang đậm chất trung đại nhưng để khắc họa hình tượng người nghĩa sĩ, Nguyễn Đình Chiểu lại thoát ly hẳn cách viết ước lệ tượng trưng, thay vào đó là lối tả chân thực, sinh động. Không chỉ thế bức tượng đài người nghĩa sĩ nông dân còn được khắc họa bằng từ ngữ mang đậm chất Nam bộ, phóng khoáng, mạnh mẽ và giàu chất khẩu ngữ “thằng Tây, hè, ó, nhà dạy đạo…” và hàng loạt động từ mạnh thể hiện khí chất hiên ngang của người nông dân “đánh, chém, đốt, đạp, xô..”
Phải khẳng định một điều là hình ảnh người nông dân khởi nghĩa đã được nhắc đến trong văn chương trung đại. Tuy nhiên đó chỉ là bệ phóng để ca ngợi chiến công của các vị anh hùng dân tộc- những người còn để tại danh thơm muôn đời. Đến Nguyễn Đình Chiểu, hình tượng người nông dân yêu nước mới được tạc trọn vẹn bằng sự trân trọng, tôn kính và lòng biết ơn của những người còn sống.
Buổi đầu chiến đầu gian khổ cũng như cuộc chiến chống kẻ thù đã trở thành trang sử hào hùng của quá khứ. NHìn lại cả chặng đường đấu tranh của dân tộc chúng ta có quyền tự hào về truyền thống anh hùng của nhân dân. Và truyền thống vẻ vang ấy được tạc vào tượng đài văn chương bằng hình ảnh nghĩa sĩ nông dân trong trận khởi nghĩa Cần Giuộc năm nào. Một lần nữa chúng ta tự hào khẳng định đất nước này chính là đất nước của nhân dân.