Văn 12: Cảm nhận về chân dung chiến sĩ vệ quốc quân trong đoạn thơ sau của bài thơ Tây Tiến: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc … Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Mở bài:
- Quang Dũng là nhà thơ quân đội, thơ ông mang đậm chất hiện thực nhưng cũng đầy tính lãng mạn.
- Bài thơ Tây Tiến tiêu biểu cho hồn thơ phóng khoáng, giàu cảm xúc đã khắc họa thành công chân dung người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp hòa hùng, bi tráng.
- Đoạn thơ trên là nỗi nhớ thương khắc khoải của nhà thơ về những người đồng đội thân yêu.
Thân bài:
- Nội dung
Là một nhà thơ đồng thời cũng là họa sĩ nên thơ Quang Dũng không thiếu chất họa. Ông không vẽ chân dung của người lính Tây Tiến bằng nhiều đường nét, màu sắc mà vẽ bằng việc chọn lọc, phác họa những nét tiêu biểu nhất.
a. Chân dung người lính hiện ra trên diện mạo oai phong, dữ dội
“ Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm”
- “không mọc tóc, quân xanh màu lá” nghe tưởng chừng như những trò đùa nghịch ngợm của tuổi trẻ nhưng đằng sau đấy là một hiện thực đau khổ. Những thiếu thốn lương thực, thực phẩm, đạn dược thuốc men thêm vào đó là sự khắc nghiệt của thời tiết núi rừng khiến những chàng trai Hà Thành bị cơn bệnh sốt rét rừng tàn phá. Ngoài những cơn “sốt rung người vừng trán ướt mồ hôi” thì di chứng để lại là “không mọc tóc, da xanh màu lá”. Hiện thực thì khắc nghiệt mà tinh thần thì không lùi bước. Họ vẫn vui vẻ gọi nhau là anh vệ trọc.
- “đoàn binh” thay cho đoàn quân phía trước mang âm hưởng mạnh mẽ của thời đại và cả hào khí của những nghĩa sĩ mặc áo bào ra trận ngày xưa. Cả cái đoàn quân “xanh màu lá” cũng mang vẻ đẹp dữ dội của núi rừng chứ không hề hiện lên bị lụy.
- Nhà thơ không che đậy sự thật khốc liệt của chiến tranh chỉ có điều nhà thơ thể hiện nó qua cách nhìn hào hùng, lãng mạn.
b. Chân dung người lính với tâm hồn hào hoa, lãng mạn
“mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
- Nếu đoạn thơ trước đó ta nhìn thấy những người lính gai góc, oai hùng vẻ ngoài dữ dội thì hai câu thơ này QD đào sâu tâm hồn nhạy cảm, mơ mộng của họ bởi vì trước khi là người lính họ là những thanh niên tri thức Hà Nội nhiều ước mộng.
- “Mộng biên giới” là ước mộng lớn nhất của người lính gắn với những chiến công, tiêu diệt kẻ thù và giấc mơ hòa bình.
- “Mơ Hà Nội” không còn là “mộng” nữa mà là “mơ” vì mơ chính là một góc tâm tư nhỏ trong tâm hồn người trai trẻ. “Dáng kiều thơm” chỉ người con gái đẹp hay một bóng hồng nào đấy trong trái tim của người lính trước lúc ra đi. Có một thời người ta cho rằng đó tình cảm cá nhân, tiểu tư sản, nhưng suy cho cùng nó cũng là tình cảm đẹp góp phần thôi thúc tinh thần quyết chiến của người chiến sĩ.
- Người lính Tây Tiến không chỉ đẹp về dáng vẻ hào hùng, lẫm liệt bên ngoài mà còn được khắc họa với vẻ đẹp lãng mạn, thơ mộng trong tâm hồn.
c. Sự hi sinh anh dũng và ý chí chiến đấu
“rải rác biên cương…khúc độc hành”
- “Rải rác biên cương mồ viễn xứ” diễn tả hiện thực chiến tranh, hiện thực về những cái chết tha hương xót xa, đau đớn.
- “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, đời xanh là khoảng thời gian đẹp nhất của tuổi trẻ nhất là khi họ đang sống yên bình ở thủ đô. Thế mà những người lính lại chẳng tiếc đời xanh, họ ra đi theo tiếng gọi của tổ quốc, họ mặc kệ những hi sinh, mất mát có thể xảy ra.
- “Anh về đất” một lần nữa nhà thơ nhắc đến cái chết nhưng cái chết được thi vị hóa như một sự trở về. Biện pháp nói giảm nói tránh làm dịu đi sự đau thương cho những người ở lại.
- Để tăng thêm vẻ lãng mạn, bi tráng cho hình tượng người lính, QD đã khoác lên đôi vai họ tấm áo bào trang trọng của những tướng quân tử trận nơi xa trường thay cho tấm áo vá, bạc màu vì mưa nắng.
- Người chiến sĩ nơi biên giới ra đi trong sự luyến tiếc của đồng đội, không có tiếng khóc tỉ tê, chỉ có tiếng “gầm” đưa tiễn của con sông Mã. Con sông xuất hiện ngay đầu bài và cũng là hình ảnh kết thúc đưa tiễn linh hồn người về đất.
- Đoạn thơ có nhắc đến cái bi về sự hi sinh, mất mát mà người lính trải qua nhưng nó không hề mang cảm giác bi lụy mà là bi tráng. Nhà thơ đã sử dụng nhiều biện pháp nói giảm, nói tránh kết hợp nhiều từ Hán Việt trang trọng gợi sắc thái cổ kính, linh thiêng. Mặc khác cái bi thương bị lu mờ trước lí tưởng xả thân vì nghĩa lớn và tinh thần quyết tử cho tổ quốc quyết sinh của người lính.
- Nghệ thuật
- Cảm hứng lãng mạn kết hợp tinh thần bi tráng, đan xen giữa cái bi và cái hùng.
- Vận dụng từ ngữ tinh tế, khéo léo, kết hợp nhiều biện pháp tu từ đã góp phần khắc họa bức chân dung của người lính vừa oai hùng, lẫm liệt vừa mang hơi thở của thời đại.
- Giọng thơ trang trọng, chứa đựng tình cảm và nỗi nhớ da diết của tác giả dành cho đồng đội của mình.
Kết bài:
Đoạn thơ đã tạc nên tượng đài người lính Tây Tiến trong thời kì kháng chiến chống Pháp mang vẻ đẹp hào hùng, oai phong, hào hoa, lãng mạn có sức thu hút lớn đối với người đọc.
Quang Dũng truyền được cảm hứng bi tráng của thời đại anh hùng và niềm tự hào đối với dân tộc.