Đề số 2 – Ôn tập văn tốt nghiệp THPT – Có đáp án

Bộ đề thi tốt nghiệp THPT 2018

Đề 2:

  1. Phần đọc hiểu (3đ)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Nhiều người cho rằng trẻ em ngày nay quá ám ảnh về bản thân là do sự xuất hiện của mạng xã hội cùng các công cụ chụp và đăng ảnh “tự sướng”. Tuy nhiên, thực tế, căn bệnh “ái kỷ” này có thể nảy sinh từ rất sớm. Một giả thuyết được đưa ra, cho rằng sự thiếu vắng tình thương yêu của bố mẹ có thể khiến cho trẻ tự an ủi bản thân bằng cách huyễn hoặc rằng mình hơn người và đòi hỏi nhận được đối xử đặc biệt. Một giả thuyết khác lại cho rằng các bậc phụ huynh đơn giản là thường đánh giá quá cao con mình, khiến đứa trẻ nảy sinh lòng tự kiêu.

Một nghiên cứu đã được thực hiện nhằm mục đích so sánh tính xác thực của hai giá thuyết nêu trên. Các chuyên viên đã tiến hành theo dõi 565 đứa trẻ ở độ tuổi từ 7 đến 12 và 705 vị phụ huynh ở Mỹ và Hà Lan trong vòng 18 tháng. Kết quả cho thấy, việc cha mẹ đánh giá quá cao con cái vẫn có tác động tiêu cực nhiều hơn.

Những đứa trẻ tự yêu bản thân thường có xu hướng phản ứng lại một cách mạnh mẽ hoặc thậm chí là sử dụng bạo lực khi có ai đó đụng chạm đến cái tôi của chúng. Chúng cũng dễ căng thẳng và rơi vào tình trạng trầm cảm hơn các bạn cùng lứa. Tự yêu bản thân thực chất là một chứng bệnh tâm lý khá nghiêm trọng..”

(Trẻ mắc bệnh “Tự yêu bản thân” do cha mẹ ngợi khen quá nhiều – Báo điện tử Dân Trí)

Câu 1: Đoạn văn được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?

Câu 2: Dựa vào văn bản, anh chị hãy nêu ngắn gọn hậu quả của bệnh ái kỷ?

Câu 3: Nội dung chính đoạn văn?

Câu 4: Theo anh chị bệnh ái kỷ còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng nào khác?

  1. Phần tập làm văn (7đ)

Câu 1: (2đ)

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của anh chị ý kiến: về chứng ái kỷ của con người trong xã hội hiện nay”

Câu 2:

Phân tích giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ Nhặt (Kim Lân)

Gợi ý đáp án:

Phần I: 

Câu 1: Phong cách ngôn ngữ báo chí

Câu 2: Phản ứng lại một cách mạnh mẽ hoặc thậm chí dùng bạo lực nếu ai đó chạm đến cái tôi. Dễ căng thẳng và rơi vào tình trạng trầm cảm.

Câu 3: Trẻ mắc bệnh tự yêu bản thân do cha mẹ ngợi khen quá nhiều.

Câu 4: Những hậu quả nghiêm trọng khác:

  • Sống thiếu trách nhiệm với bản thân, thu mình vào vỏ bọc, vô cảm với xã hội
  • Tự cho những hành động, suy nghĩ của mình là đúng
  • Dẫn tới những hành động dại dột

Phần II: Tập làm văn

Câu 1: Vấn đề nghị luận: chứng ái kỷ của trẻ em trong xã hội hiện đại

  • Giải thích: Chứng ái kỷ (bệnh tự yêu bản thân), một dạng của rối loạn nhân cách khi một người có biểu hiện ảo tưởng, thiếu đồng cảm với người khác.
  • Phân tích:

+ Biểu hiện: sống thu mình vào thế giới mà bản thân tự tạo ra, tách biệt với xã hội, có những ảo tưởng sai lệch dẫn đến hành động dại dột như tự tử; sống thiếu trách nhiệm, đôi khi trở nên vô cảm, thờ ơ trước mọi người

+ Nguyên nhân: có thể bắt đầu do tâm lý tự phụ vào bản thân, thích hưởng thụ..

+ Hậu quả: làm mất đi những giá trị tinh thần tốt đẹp của con người như lòng vị tha, lòng nhân ái..

  • Biện pháp: Quan tâm đến tâm lí, tình cảm của giới trẻ, giáo dục kỹ năng sống, giúp đỡ những người mắc bệnh ái kỷ hòa nhập với cộng đồng; tuyên truyền lối sống tốt đẹp..
  • Bài học, nhận định của bản thân.

Câu 2: Học sinh có thể làm theo cấu trúc khác nhau nhưng nội dung cần đạt được:

Mở bài:

  • Giới thiệu được tác giả, tác phẩm và khái quát vấn đề: Giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ Nhặt.
  • Cảm nhận, đánh giá khái quát về tác phẩm

Thân bài:

  • Giải thích vấn đề:

+ Giá trị hiện thực: Là toàn bộ bức tranh hiện thực đời sống được miêu tả trong tác phẩm

+ Giá trị nhân đạo: Thái độ, tình cảm của nhà văn thể hiện trong tác phẩm thông qua niềm cảm thương, thấu hiểu, thái độ trân trọng, đặt niềm tin vào con người của tác giả..

  • Phân tích những biểu hiện giá trị hiện thực trong Vợ nhặt

+ Phản ánh chân thật bối cảnh nông thôn Việt Nam trong nạn đói 1945: cảnh những người dân khốn khổ tản cư “ những gia đình từ những vùng…đội chiếu lũ lượt bồng bế nhau, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma..”; Cảnh người chết vì đói khắp nơi “người chết như ngả rạ”; không khí u ám, nặng nề “vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”

  • Tác giả lựa chọn thời gian của buổi chiều và không gian mờ mập giữa cõi âm và dương khiến cho bức tranh hiện thực có sức ám ảnh lớn về một gia đoạn lịch sử tàn khốc của nhân dân. Ở đấy, xã hội Việt Nam đang đứng trên bờ vực của sự sống và cái chết. Đó cũng chứng cứ để thấy được sự tàn phá ghê gớm của nạn đói.

+ Phản ánh hiện thực về thân phận người dân lao động: Cái đói cái nghèo khiến người lao động trở nên túng cùng. Thị – một người đàn bà xơ xác bởi đói nghèo “áo quần tả tơi như tổ đĩa, gầy sọp hẳn đi, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”,  vì lời bông đùa và bốn bát bánh đúc mà theo không Tràng về làm vợ; Tràng xấu xí, ngô nghê lại nhặt được vợ như nhặt được thứ gì đó trên đường; hai mẹ con Tràng là dân nghèo mà lại là dân ngụ cư sống trong một cái nhà “vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổm nhổm những búi cỏ dại”. Thê thảm hơn là bữa ăn ngày cưới “giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháu”.

  • Con người đứng trước cái đói trở nên thật đáng thương. Những kiếp người như Thị, Tràng, bà cụ Tứ là chứng cứ hùng hồn để từ đó tác giả vạch trần tội ác của bọn thực dân, phát xít.
  • Phân tích những biểu hiện giá trị nhân đạo trong Vợ Nhặt

+ Kim Lân luôn khai thác con người ở tấm lòng, tâm hồn được ẩn dấu đằng sau vẻ ngoài xấu xí, thô kệch. Nhà văn phát hiện và khẳng định phẩm chất tốt đẹp của người dân nghèo: Trong cơn đói khổ, Tràng vẫn sẵn sàng mời người đàn bà xa lạ, chấp nhận cưu mang thêm một người. Bà cụ Tứ là người mẹ nghèo thương con, thông cảm cho thân phận đứa con dâu, cũng chính là người thắp lên ngọn lửa niềm tin tương lai của cả gia đình. Mặc dù ban đầu Thị có đanh đá nhưng khi trở thành vợ, dâu, Thị về với sự hiền lành, ngoan ngoãn. Việc bám víu lấy Tràng như theo không một người đàn ông cũng vì khát vọng được yêu thương, được sống.

  • Thông qua cái nhìn nhân đạo, nhà văn cho chúng ta về những phẩm chất đáng quý của người dân nghèo: niềm khao khát sống, khao khát hạnh phúc, tình yêu, đùm bộc lẫn nhau, hi vọng vào tương lai…

+ Niềm xót xa thương cảm đối với cảnh sống cùng cực của người lao động, vì thế mà KL đã để Thị gặp được Tràng, tầm gửi cuộc đời vào Tràng, còn Tràng có được vợ. KL để người mẹ nghèo tìm thấy hi vọng trong cuộc đời của các con mình.

+ Kết thúc tác phẩm là chi tiết nghệ thuật đặc sắc thể hiện rõ giá trị nhân đạo của nhà văn: hình ảnh “đám người đói và lá cờ đỏ..”gợi xu hướng phát triển theo chiều tích cực. Những con người nghèo khổ trong bước đường cùng sẽ đứng lên theo ngọn cờ cách mạng. Đó là lối đi, ánh sáng đúng đắn mà nhà văn dành cho nhân vật.

  • Nghệ thuật cũng góp phần làm nên giá trị nhân đạo và hiện thực của tác phẩm:

+ Giọng kể chậm rãi, từ tốn, nhẹ nhàng, cái nhìn của người kể gần gũi, cảm thông, cách miêu tả tâm lí tinh tế, sâu sắc.

 

+ Tác giả xây dựng nhân vật Tràng có vẻ hoang sơ nhưng chưa phải là hoang dã, thô kệch nhưng không thô lỗ, hồn nhiên, vô tâm nhưng chưa phải ngờ nghệch. Còn người vợ nhặt có chút điêu ngoa nhưng chưa phải đanh đá, nanh nọc; có chút lẳng lơ nhưng chưa hư hỏng. Ranh giới giữa hai khái niệm trên rất mỏng, nếu ngòi bút thiếu bản lĩnh, rơi vào sa đà thì nhân vật sẽ không chiếm được cảm tình nơi người đọc. Giữ được điều ấy chứng tỏ tác giả đã có một lập trường vững vàng và xây dựng nhân vật của mình bằng cả một tấm lòng.

  • Truyện kết thúc nhưng vẫn mở cho người đọc về những ngày tháng đau khổ của nhân dân ta dưới sự bạo tàn của phát xít, thực dân. Trên nền hiện thực ấy, người lao động vẫn ngời lên những đức tính đáng quý: giàu lòng vị tha, bao dung, khao khát yêu thương và hạnh phúc…
5/5 - (1 vote)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →