[Văn 6] Tả một cây mai vàng nhân dịp tết đến, xuân về

[Văn 6] Tả một cây mai vàng nhân dịp tết đến, xuân về

Bài làm

Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, những khu vườn đều ngập tràn hương sắc, có khi là màu đỏ của hoa hồng, màu tím của cát tường, màu xanh của cúc nhật và đặc biệt không thể không kể đến màu vàng của cây hoa mai – một loài hoa tượng trưng cho hương sắc phương Nam.

Nếu hoa đào trở thành biểu tượng của mùa xuân phía bắc thì hoa mai vàng chính là đặc trưng của vùng phương Nam ấm áp. Thân mai không to mà mảnh khảnh. Có nhiều cây lên đến hàng chục tuổi nhưng gốc cũng chỉ to bằng gốc mít trước nhà, tán xòe rộng lớn.

Mai thường được trồng trong chậu, tùy từng gốc mai mà người ta lựa chọn cho chúng một “ngôi nhà” phù hợp. Một số cây mai có gốc nhỏ sẽ được trồng trong đất, khi đến Tết, người làm vườn sẽ đào lên và đặt vào trong chậu để khách hàng có thể thoải mái chọn lựa và trưng bày trong nhà.

Rễ của cây mai rất dài, là loại rễ cọc, ăn sâu vào lòng đất. Mỗi khi đào lên để chuyển sang chậu, đòi hỏi phải tốn nhiều công sức vì rễ rất nhiều và rất dài. Một số cây mai sống nhiều năm, rễ của chúng nổi cả lên mặt đất, tạo thành những hình thù lạ lẫm, độc đáo, có khi nhìn giống như con rồng, có khi như con rùa, có khi lại có dáng người dựa gốc cây nghỉ ngơi, đọc sách… Những cây đó được người chơi cây cảnh rất ưa chuộng.

Thân mai cao, ngoằn ngoèo, có thể được uốn nắn thành nhiều hình dáng, có khi là hình vòng, hình xoắn, hình cây thông v.v… từ thân ấy, những cành cây tỏa ra khắp nơi. Người chăm sóc phải thật khéo léo để cắt tỉa sao cho những cành cây mọc đều, đẹp, đúng vị trí, hình dáng mình mong muốn.

Khắp nhành mai là lá, lá mai có hình thoi, bầu ở hai bên cạnh, lá non có màu nâu nhạt, lớn lên một chút lá có màu xanh lục, khi lá già thì màu xanh ấy sẽ càng sẫm hơn. Vào khoảng hai mươi tháng Chạp, người người, nhà nhà đều xúm xít quanh gốc mai để lặt lá mai. Bởi theo quan niệm của dân gian, khi lặt lá thì cây mai mới trổ hoa, và cây mai càng ít lá thì sẽ càng thấy được vẻ đẹp của hoa mai.

Ít lâu sau khi lặt lá, những chiếc nụ xanh biếc mọc lên chứa đựng những cánh hoa rực rỡ. Độ ba hôm kể từ ngày có nụ, hoa mai dần dần được bung nở, lan tỏa vẻ đẹp ra ngoài. Hoa mai có màu vàng rực như ánh nắng ban mai. Có loại năm cánh, có loại mười thậm chí là mười hai cánh. Những cánh hoa đan vào nhau để che chở cho nhụy hoa đỏ thẫm ở phía trong. Hoa mai không mọc riêng lẽ mà mọc thành chùm, thành cụm vì thế vẻ đẹp của hoa mai lại càng được nhân lên gấp bội Những cánh hoa mỏng mảnh đung đưa trong gió nhẹ khoảng vài ngày rồi cũng rời cành, tạo thành một tấm thảm vàng trên mặt đất, trên gốc mai. Tưởng chừng cánh hoa rụng là hoa mai đã kết thúc. Nhưng không. Cánh hoa dẫu rụng nhưng hoa mai vẫn tiếp tục phát triển. Từ chỗ cánh mai mọc, mọc ra những hạt mai. Hạt mai khi chuyển từ xanh sang đen, rụng xuống đất lại bắt đầu gieo tiếp mầm sống cho một cây mai khác ra đời. Cứ thế, hết cây mai này đến cây mai khác lần lượt sinh sôi, mang mùa xuân đến cho vùng quê Nam Bộ.

 Có thể thấy cây hoa mai chính là nét đẹp của ngày Tết truyền thống ở miền Nam. Bông hoa màu vàng tượng trưng cho sự may mắn, nụ hoa màu đỏ tượng trưng cho lời cầu chúc tốt lành, lá mai xanh chính là niềm tin và hy vọng. Chúng ta cần phải biết giữ gìn và chăm sóc để cây hoa mai tiếp tục nở những bông hoa thật đẹp để những ngày Tết thật vui tươi, đầy màu sắc.

4.4/5 - (5 votes)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →