[Văn 8] tưởng tượng 20 năm sau trở về trường cũ – bài viết số 2

[Văn 8] tưởng tượng 20 năm sau trở về trường cũ – bài viết số 2

Đề: tưởng tượng 20 năm sau trở về trường cũ trong một ngày hè, hãy viết một lá thư gửi cho bạn cũ cùng học ngày xưa.

Cần Thơ, ngày tháng năm

Trinh xa nhớ!

Chắc cậu sẽ rất ngạc nhiên khi nhận đuợc lá thư này. Cậu còn nhớ mình không? Thư đây! Có lẽ cậu sẽ nhớ mình mà cũng có lẽ không. Bởi vì hai mươi năm rồi còn gì, bận rộn với công việc thường nhật, với bao lo toan cuộc sống thì ai đâu mà còn nhớ đến bạn bè từ thuở xa xưa, đúng không Trinh?

Đầu thư, mình xin chúc gia đình Trinh thật nhiều sức khoẻ, hạnh phúc vuông tròn. Riêng Trinh sớm sinh đựợc cậu quý tử bụ bẩm, đáng yêu nhé!

Dạo này cậu sống như thế nào? Sức khoẻ có tốt hơn không? Nhớ lúc mình còn học cùng nhau dưới mái trường trung học cơ sở, cậu là một đứa tiểu thư yếu đuối, hở chút là bệnh, cứ bị mấy bạn trong lớp trêu là “Trinh dự báo thời tiết”. Còn công việc nữa, Trinh có theo đuổi uớc mơ trở thành bác sĩ hay không? Mình giờ đây đã trở thành một cô giáo rồi nhé! Dù công việc nhiều khi làm mình mệt mỏi và cảm thấy “sao mà tổ nghịệp bạc bẽo với mình quá!” nhưng mình vẫn không bỏ cuộc đâu. Mình luôn sống và cháy hết mình với đam mê làm “kỹ sư tâm hồn”, xây dựng đất nước bằng tri thức. Niềm an ủi, động viên lớn nhất đối với mình là gia đình, là cha mẹ, là chồng, là đứa con gái độc nhất của mình – Nhật Hạ. Khi nào có dịp, kể cho mình nghe về cuộc sống hiện giờ của cậu nhé!

Trinh có biết không? Sẽ có lúc ta cảm thấy tiếc nuối, nhớ nhung về một thoời đã xa, về một miền kí ức đã trở thành hoài niệm…Trong một lần đi đón bé Hạ tiện thể ghé chợ mua rau thịt chuẩn bị bữa tối cho gia đình, mình vô tình nghe đứa con gái nhỏ của chị bán rau khoe với mẹ: “Mẹ ơi! Hôm nay cô giáo cho đề tập làm vănMiêu tả ngôi trường em đang học”, con làm đựơc 10 điểm đó mẹ, mẹ có thưởng gì cho con không?”. Chị bán rau vui mừng trìu mến nhìn nó bằng ánh mắt tự hào: “Có chứ. Tháng sau dành đủ tiền mẹ sẽ mua cho con cái cặp mới để đi học, cái cặp của con cũng rách nhiều chỗ lắm rồi”. Đứa bé mừng rỡ cảm ơn mẹ…“Ngôi trường”, hai tiếng “ngôi trường” sao vừa xa lạ, vừa quen thuộc. Chợt trong lòng mình trỗi dậy một cảm xúc khó tả về mái trường xưa, về bạn bè, về cái thời thơ ấu trốn tiết đi tắm sông, không thuộc bài bị cô giáo mắng,…Thì ra, mình vẫn chưa bao giờ quên được những năm tháng học trò, chưa quên được ngày cả lớp chia tay, một ngày của hai mươi năm về trước mà ba mươi mốt tâm hồn cùng hoà làm một, cùng vỡ oà trong tiếng nấc nghẹn ngào…Chợt dòng suy nghĩ của mình bị cắt ngang bởi giọng nói của con gái: “Mình còn phải mua gì nữa không mẹ?”…Lúc ấy, mình tự nhủ với lòng rằng, nhất định hè này sẽ đưa cả gia đình về thăm quê, thăm trường cũ và bạn bè năm xưa…

Và thế là cái ngày mình mong chờ cũng đã đến – ngày được về quê thăm lại ngôi trường cũ với thật nhiều những kỉ niệm đẹp, khó quên. Trên đường đi, mình cứ có một cảm giác bồi hồi, xúc động đến nao lòng. “Trường xưa ơi! Ta đã về đây!”. Mình đến thăm trường vào một buổi sớm tinh sương. Thời điểm này, trường trông thật nguy nga, tráng lệ, cứ như những toà lâu đài trong truyện cổ tích thấp thoáng ẩn hiện dưới làn sương mai mờ mờ ảo ảo. Trường THCS Trương Tấn Hữu ngày nào đã thay đổi hẳn. Không phải hai dãy trường với một trệt, một lầu như ngày xưa nữa mà thay vào đó là hai dãy phòng học với một tầng trệt, ba tầng lầu trông đến lạ. Nhà xe ngày xưa nay đã không còn nữa mà đã trở thành dãy nhà tập thể dành cho giáo viên ở xa đến dạy và những học sinh giỏi nhà xa, không có điều kiện đi lại thuận tiện. Sân trường ngày xưa toàn nắng với cát bây giờ đã được lát đal phẳng lì và rợp bóng cây xanh. Vào mùa này, dù vẫn còn sớm nhưng tiếng ve đã inh ỏi trên khắp các tàn phượng già đỏ rực toàn hoa là hoa. Vòng rào tre tạm thời ngày ấy nay đã được thay thế bằng sắt, thép, xi – măng trở nên kiên cố hẳn ra. Bước vào trường, người đầu tiên mình gặp là chú Thanh bảo vệ. Dù đã hai nươi năm, giờ chú đã ngoài sáu mươi tuổi nhưng trông vẫn còn khoẻ mạnh, hồng hào lắm! Gặp lại mình, chú mừng lắm, vừa cười vừa nói: “Lâu lắm chú mới thấy con về thăm trường, giờ trông chững chạc nhiều rồi nhé!”. Không nói gì, mình chỉ cười lại với chú rồi “Dạ!” một tiếng rõ to. “Dạo này công việc thế nào? Con dạy bên đó học sinh có ngoan không? Rồi chồng con thế nào?” – Chú tiếp tục hỏi. “Dạ công việc của con cũng ổn định, học sinh bây giờ nó nghịch phá lắm, không ngoan giống tụi con ngày xưa! Gia đình con thì hạnh phúc lắm, bé Hạ cứ tíu tít suốt ngày làm cha mẹ cười mãi thôi!” – Mình trả lời. Sau đó mình hỏi thăm chú về sức khoẻ, về cậu con trai út ngày nào còn chạy lẫm đẫm quanh sân trường. Chú cười hiền trả lời đầy đủ những gì tôi hỏi: “Nhìn thế này chứ nay bệnh, mai đau hoài à con ơi, chắc năm sau chú xin nghỉ về quê dưỡng già. Thằng Thắng bây giờ đang học đại học trên Sài Gòn, lâu lắm mới về thăm chú với cô một lần, buồn lắm con ơi!”…Hỏi thăm chú Thanh xong mình xin phép đi tham quan trường một vòng.

Khuôn viên trường giờ mới rộng và đẹp làm sao Trinh ạ! Cậu có biết không? Những cây Nữ hoàng chúng mình trồng ngày nào giờ đã ra hoa vàng rực cả một vùng trời. Vườn sinh vật ngày xưa toàn cỏ là cỏ mà nay đã trở thành một nơi lý tưởng cho các em học sinh học tập, nghiên cứu. Trước các lớp học còn có những bồn hoa tự quản được giao cho từng lớp trồng và chăm sóc. Yêu lắm Trinh! Các em trồng toàn những loài hoa chúng mình thích, nào là băng – xê, mười giờ, nào là chiều tím, dừa cạn,…đủ các màu sắc, hương thơm…

Đi lên các dãy phòng học mình lại thêm một lần ngỡ ngàng. Lớp 9A1 của mình ngày nào giờ đã trở thành phong chức năng phục vụ cho việc làm thí nghiệm Hoá học. Tuy chỉ là phòng chức năng, mỗi tuần các bạn chỉ vào một vài lần nhưng lại được trang trí rất dễ thương. Nào là tranh ảnh về thầy cô, về mái trường, về các nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực Hoá học, nào là trường sinh, trầu bà…mọi thứ gợi cho mình cảm giác thân thương, thoải mái.

Đứng trên lầu ba nhìn xuống, mình cảm nhận tất cả như một bức tranh, một mô hình thành phố nào đó thu nhỏ. Bất chợt mình nhìn thấy bóng dáng quen thuộc…Cô Hạnh, đúng là cô Hạnh rồi – người má ngày nào của lớp chúng ta…Mình vuằ vui mừng, vừa nghẹn ngào chỉ biết thốt lên: “Cô ơi!”. Bằng tốc độ nhanh nhất, mình chạy đến chỗ cô…Hình như cô vẫn chưa quên đứa học trò cá tính ngày nào, ánh mắt cô bừng sáng, cô dang rộng vòng tay chào đón mình như cái ngày mới vào trường…Cô – trò gặp nhau tay bắt mặt mừng, cô đã kể cho mình nghe về cuộc sống của nhiều bạn trong lớp: Giang Thanh giờ cũng đã làm giáo viên trường mầm non Sơn ca ở huyện, Thuý Lam – một bác sĩ tâm lý có tay nghề cao,…nhưng bất ngờ nhất là Chí Anh – cậu bạn nằm trong nhóm “tứ đại thiên vương” của lớp ngày nào hay gây chuyện, đánh nhau, chọc phá các bạn trong lớp ngày nào nay đã là Phó giám đốc một công ty may mặc lớn ở Bình Dương, đã cưới vợ và có hai thiên thần nhỏ rất đáng yêu…Cô trò cùng nhau trò chuyện đến quên cả giờ giấc, mặt trời bây giờ cũng đã đứng bóng, minh xin phép cô ra về dù rất muốn ở lại lâu hơn nữa.

Khi nào có thời gian rãnh, mình hy vọng chúng ta sẽ cùng nhau về thăm trường một chuyến, Trinh nhé!

Có thể guồng quay cuộc sống đã kéo chúng ta đi nhanh quá, không cho ta những phút giây ngơi nghỉ để nhớ về một thời vô tư, hồn nhiên của tuổi học trò. Nhưng khoảng thời gian bình yên ấy vẫn tồn tại đâu đó trong một góc khuất nơi trái tim ta, chỉ cần khơi lên lại bùng cháy trong lòng….

Thôi! Thư đã dài, mình dừng bút nhé. Một lần nữa chúc Trinh cùng gia đình luôn vui vẻ và thật hạnh phúc. Có dịp lên Cần Thơ thì ghé thăm gia đình mình nhé! Chào cậu!

Bạn cũ của cậu,

5/5 - (1 vote)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →

Leave a Reply