[Văn 8] Kể về một việc tốt em đã làm khiến bố mẹ vui lòng – bài viết số 2

[Văn 8] Kể về một việc tốt em đã làm khiến bố mẹ vui lòng – bài viết số 2

Bài làm:

Trong bài hát “Để gió cuốn đi” nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có viết: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”. Nhà thơ Tố Hữu cũng tùng nhắc nhở chúng ta rằng:

“Có gì đẹp trên đời hơn thế

Người với người sống để yêu nhau”

(Bài ca mùa xuân năm 1961)

Cha mẹ cũng luôn dạy tôi rằng: “Thương người như thể thương thân” (Tục ngữ)… Ngay từ nhỏ,tôi đã nhận được một nền giáo dục đầy tình thương giữ người với người. Bởi vậy, tôi luôn tự nhủ với lòng rằng phải biết yêu thương, quan tâm và giúp đỡ mọi người xung quanh, có như vậy mới là một đứa trẻ ngoan. Có một lần, tôi giúp đỡ một bạn học cùng lớp có hoàn cảnh khó khăn, được cha mẹ ủng hộ và khen ngợi rất nhiều. Tôi cảm giác đó là một việc ý nghĩa nhất tôi làm được kể từ khi ra.

Tôi và Mai học cùng lớp với nhau, chúng tôi là một đôi bạn thân rất thân từ khi còn bi bô bập bẹ. Tôi may mắn sinh ra trong một gia đình đủ đầy, có ba, có mẹ, có một cuộc sống ấm êm, sung túc chẳng phải lo nghĩ gì. Mai thì không được như vậy, Mai bất hạnh hơn tôi rất nhiều. Mẹ của Mai mất khi Mai vừa chào đời vì sinh khó, cha của Mai không cưới vợ khác mà ở vậy nuôi Mai đến tận bây giờ. Nhà của Mai còn có bà nội năm nay đã ngoài bảy mươi nay ốm mai đau…Cha của Mai bị tai nạn lao động khi đi phụ hồ nên giờ đây cũng không thể làm việc nặng, chỉ có thể quanh quẩn xóm làng làm công nhật cho người ta. Khi thì nhận nhổ cỏ vườn, làm cỏ lúa, khi thì đi rải phân, xịt thuốc ruộng, khi thì đi hứng cám trong máy chà, có hôm thì tôi thấy ông đi giao bánh mỳ ngoài chợ,…Ai mướn gì ông cũng làm để kiếm tiền lo thuốc thang cho mẹ, trang trải cơm gạo trong nhà và dành dụm tiền nuôi con ăn học. Thương cha vất vả, phải làm việc cật lực để lo cho gia đình, nên ngoài giờ học Mai còn đi bắt cua, bắt ốc, cắt rau trong vườn đem ra chợ bán đỡ đần phụ cha. Hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng Mai học rất giỏi, năm nào cũng xếp nhất lớp. Tôi rất khâm phục tinh thần vượt khó vươn lên của bạn ấy, luôn xem bạn ấy là tấm gương sáng để bản thân noi theo…Bỗng một ngày, trong giờ ra chơi, Mai lí nhí nói với tôi rằng: “Thư à! Chắc Mai phải nghỉ học thôi, nghỉ học để đi làm, phụ giúp cha kiếm tiền lo cho nội…”. Nói đến đó rồi Mai khóc…Lần đầu tiên tôi thấy đứa bạn lúc nào cũng lạc quan, yêu đời, nụ cười luôn thường trực trên môi như lan toả niềm vui cho người khác bật khóc. Mai khóc nức nở như một đứa trẻ lên ba…Mai nói trong nghẹn ngào: “Thật sự…Thật sự mình không muốn nghỉ học đâu, mình rất thích đi học, mình muốn đi học để sau này có việc làm ổn định, có thể lo cho cha cuộc sống đủ đầy, bù đắp cho cha những tháng ngày quần quật cảnh “gà trống nuôi con”…Nhưng nội đang bệnh, phải nhập viện, cả tuần nay cha phải ở trong viện nuôi nội…Mình không biết phải làm sao nữa…Mình…”. Nói đến đó, Mai hoàn toàn bất lực, những tiếng nấc làm Mai không thể tâm sự tiếp với tôi…Lúc đó tôi bối rối lắm, tay chân như thừa thải và cũng không biết dùng ngôn từ nào để an ủi Mai, không biết làm cách nào để giúp đỡ Mai, giúp Mai tiếp tục đi học, tiếp tục hoàn thành ước mơ nhỏ nhoi của bạn ấy…Tôi chỉ biết ôm Mai vào lòng, vỗ vỗ vào tấm lưng gầy của bạn ấy trong vô thức….

Chiều hôm ấy về nhà, tôi không buồn tíu tít kể chuyện trên lớp cho cha mẹ nghe như mọi ngày, chỉ chào hỏi rồi lẳng lặng vào phòng riêng…Tôi suy nghĩ rất nhiều, tôi phải làm gì giúp Mai đây? Một học sinh giỏi như bạn ấy nghỉ học thì quả thật đáng tiếc…Sau một hồi lâu tôi liền nảy ra một ý tưởng có thể giúp bạn. Tôi bật dậy tìm lại những quyển vở cũ còn những trang giấy trắng, cắt ra rồi đóng thành cuốn…Tôi lục lọi trong tủ quần áo của mình những bộ đồ không còn mặc nữa…Tôi chạy xuống nhà xin mẹ đống tạp chí đã cũ trên bàn, mẹ hỏi làm gì tôi chỉ cười rồi đặt ngón tay trỏ lên miệng làm ra bộ “bí mật”. Tôi gom luôn những chai nhựa trong nhà bếp mà cha vẫn hay than phiền rằng chúng quá chiếm không gian,…Ngày hôm sau, tôi đã đem đống sách báo và chai nhựa ra vựa ve chai bán lấy tiền. Sau đó mang quần áo của mình và những quyển vở nhỏ do chính tay tôi làm sang tặng Mai cùng số tiền kiếm được từ việc “làm kế hoạch nhỏ trong nhà” cộng với đập ống heo đất. Mai rất bất ngờ vì điều đó, bạn ấy cảm ơn tôi rối rít rồi bỗng vân vê tà áo tỏ vẻ bối rối… “Ở đâu…ở đâu cậu có số tiền này vậy? tớ không thể nhận số tiền này đâu…”. Mai nhất quyết không nhận. Tôi phải mất một khoảng thời gian rất lâu để giải thích với Mai rằng số tiền đó một phần là tiền tiết kiệm của tôi, một phần do tôi bán ve chai nên có đựơc Mai mới xuôi lòng nhận nhưng rất áy náy…Mai nói với tôi: “Hãy xem như số tiền này là mình mượn của Thư, sau này có tiền nhất định mình sẽ gửi lại…Mà không biết đến khi nào mình mới có nữa…”. Mai cười trong nước mắt…Cuối tuần đó, tôi đã mạnh dạn trình bày vấn đề của Mai với cô chủ nhiệm, cô nghe xong rất xúc động và hứa sẽ vận động mọi người để cùng giúp đỡ Mai tiếp tục đến trường.Vậy là Mai không phải nghỉ học nữa, vậy là Mai có thể tiếp tục theo đuổi đam mê của mình…

Giúp đỡ được một phần cho Mai làm tôi thấy vui lắm! Tôi lại là tôi của ngày nào cứ nói líu lo không ngừng về đủ thứ chuyện trên đời sau giờ tan học. Tôi kể cho cha mẹ nghe rằng hôm nay tôi được cô giáo nêu gương người tốt việc tốt, tuyên dương trước lớp về việc đã giúp đỡ Mai…Cha mẹ rất vui mừng và khen ngợi tôi rất nhiều. Cha nói: “ Con gái của cha lớn thật rồi, biết giúp đỡ bạn bè như thế là tốt nhưng mai mốt làm gì phải nói với cha mẹ, để cha mẹ có thể cùng con làm, như thế sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, con gái nhé!”. Tôi “Dạ!” đáp lời cha mà vui như mở cờ trong bụng, bữa cơm gia đình hôm ấy bỗng ngon đến lạ…

Tôi đã làm được một việc tốt không chỉ khiến cha mẹ vui lòng mà bản thân tôi cũng cảm thấy hạnh phúc. Tôi tự nhủ với lòng phải sống tốt hơn nữa, giúp đỡ mọi người trong khả năng của mình:

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Tuỳ theo sức của mình”

Vì tôi luôn tin rằng: “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”.

4.5/5 - (2 votes)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →

Leave a Reply