[Nghị Luận Văn 11] Phân tích cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù

Nghị luận văn 11: Phân tích cảnh cho chữ để thấy được nét đặc sắc về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân qua tác phẩm Chữ người tử tù.

Bài làm

Nếu Xuân Diệu cả đời đi tìm một tình yêu đúng nghĩa thì Nguyễn Tuân lại dành cả đời mình để đi tìm cái đẹp. Ông tìm cái đẹp trong chính nét văn hoá cổ truyền của dân tộc: đó là chữ viết thư pháp. Tập truyện “Vang bóng một thời” đã thể hiện những hoài niệm của Nguyễn Tuân về cái đẹp ấy. Đặc biệt, trong tác phẩm “Chữ người tử tù” cái giá trị nghệ thuật cao quý truyền thống lại càng được tôn vinh và trân trọng. Truyện ngắn này tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám. Bật lên trong truyện là một cảnh tượng độc đáo “xưa nay chưa từng có”, thể hiện những giá trị lớn lao của tác phẩm: cảnh cho chữ.

Huấn Cao là một nguời tài hoa có tài viết chữ đẹp nhưng dám nổi dậy chống lại triều đình nên bị xem là một tên nghịch thần, bị bắt và bị kết án tử. Viên quản ngục vốn là một người say mê chữ đẹp. Hai con người gặp nhau trong một hoàn cảnh hết sức ngang trái: một bên là tử tù và một bên là quản ngục. Vốn hâm mộ tài viết chữ của Huấn Cao, Viên quản ngục đã tâm sự với thầy thơ lại và cùng thầy đến nhà giam bày tỏ nỗi lòng và xin Huấn Cao cho chữ. Huấn Cao vô cùng cảm mến tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” và thái độ chân thành của Viên quản ngục nên đã đồng ý cho chữ.

Hoàn cảnh cho chữ được tác giả miêu tả một cách thật đặc biệt: “Đêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có đã bày ra trong buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”. Đó là một đêm khuya vắng lặng chỉ có “tiếng mõ vọng canh”. Quang cảnh nhà tù, buồng giam dưới ngòi bút của nhà văn thật ảm đạm và nhơ bẩn. Không dừng lại ở đó, không gian ấy còn bị thu hẹp dần trở nên thật bé nhỏ, tù túng, chật hẹp. “Trong một không khí khói toả như cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên lân hồ. Khói bốc toả cay mắt”. Nhà tù lạnh lẽo, ẩm thấp bỗng dưng được sưởi ấm bằng “ánh sáng đỏ rực” của bó đuốc tẩm dầu. Nhà văn đã dùng thủ pháp tương phản để tạo ấn tượng về hoàn cảnh cho chữ. Nguyễn Tuân thật không hổ danh là một người nghệ sĩ tài hoa có con mắt tinh đời và tài năng sử dụng ngôn ngữ bậc thầy.

Cảnh cho chữ diễn ra thật đẹp, chính lúc này, tài hoa mới thực sự toả sáng. “Một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng phẳng trên mảnh ván”. Hình ảnh Huấn Cao hiện lên sao mà sắc sảo, tinh tế đến vậy? Người nghệ sĩ tài hoa không phải ở trong tư thế tự do mà phải mang vác nào gông, nào xiềng và đội cả án tử trên đầu. Một con người ngang tàng tung hoành trong xã hội dù “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” vẫn say mê sáng tạo cái đẹp, bất kể ngày mai, khi trời sáng, cái chết đã cận kề. Huấn Cao dường như không phải đang viết mà là đang vẽ chữ, ông “dậm tô nét chữ” một cách ung dung, đĩnh đạc, không màng tất cả. Thông thường, sáng tạo nghệ thuật là một việc thanh cao cần được diễn ra ở những nơi trang trọng, thiêng liêng; nhưng không, lúc này đây, Huấn Cao lại đang viết chữ, cho chữ trong một căn buồng tối tăm, chật hẹp, nhơ nhớp. Thủ pháp tương phản lại một lần nữa được Nguyễn Tuân sử dụng một cách tài tình. Một bên là tử tù uy nghi, lồng lộng, một bên là quản ngục “khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực…”. Những con người mâu thuẫn về giai cấp, lý tưởng lại bỗng dưng trở thành tri âm tri kỉ về tinh thần. Họ chụm đầu lại, cùng nhau say sưa sáng tạo cái đẹp và thưởng thức cái đẹp. Dường như giữa chốn ngục tù đầy rẫy những bạo tàn, bất công, phép tắc, kỉ cương đã bị đảo lộn, thế chủ động không còn nằm trong tay những kẻ uy quyền thống trị mà thuộc về người tử tù. Chính lúc này đây, cái đẹp đã thực sự toả ánh hào quang rực rỡ làm bừng sáng cả không gian. Thiên lương đang lấn dần, đẩy lùi bóng tối, vươn lên làm kim chỉ nam soi sáng cho những con người lầm đường, lạc bước. Huấn Cao từ tốn, chân thành: “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng trẻo với những nét chữ vuông vắn tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người….Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở đã, thầy hãy thoát khỏi cái ghế này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”. Huấn Cao đã không còn giữ khoảng cách với Viên quản ngục, đã thực sự xem Viên quản ngục là tri âm tri kỉ nên mới có những lời khuyên dốc từ tận đáy lòng đến vậy. Không chỉ quan tâm, trân trọng thú chơi chữ thanh cao của Viên quản ngục mà Huấn Cao còn chú ý đến cả lọ mực mà Viên quản ngục đem đến. “Thoi mực, thầy mua ở đâu tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?”. Câu nói nhẹ nhàng mà đầy tinh tế làm cái đẹp không chỉ có sắc mà còn có hương thơm ngát. Trong cái buồng giam chật hẹp, ẩm ướt, nhơ nhớp dường như chỉ còn lại mùi mực thơm tho – mùi của thiên lương trong sáng. Vẻ đẹp nhân cách của nhân vật Huấn Cao nói chung và lúc cho chữ nói riêng bỗng trở nên chói sáng, rực rỡ nhất trong cái đêm đen tối tăm, không lối thoát của xã hội.

Cảnh cho chữ đã khẳng định chiến thắng thuyết phục hoàn toàn của ánh sáng với bóng tối, của cái đẹp với cái xấu, cái cao thượng với cái tầm thường, của cái cao quý, thanh khiết với sự nhơ nhớp, bẩn thỉu, của cái thiện với cái ác. Đây thực sự là một bức tranh nghệ thuật sắc sảo nhằm tôn vinh cái đẹp, cái thiện và nhất là nhân cách cao cả của con người. Đúng như Dostoevsky từng phát biểu: “Cái đẹp đã lên ngôi thay thế cho cái xấu xa, thấp kém, cái đẹp nâng đỡ con người, cứu vớt con người”. Thông qua cảnh cho chữ, Nguyễn Tuân còn thể hiện được tinh thần dân tộc, qua đó ý nhị bộc lộ một nỗi niềm yêu nước thầm kín. Tác giả như đau đớn cất lên khúc vãn ca cho một nét đẹp văn hoá truyền thống từng “Vang bóng một thời” bỗng lụi tàn bởi thời cuộc, bởi sự thiếu hiểu biết, thiếu ý thức của một đại bộ phận người trong xã hội.

Cái “cảnh tượng xưa nay chưa từng có” đã trở thành nguồn cảm hứng mãnh liệt giúp Nguyễn Tuân vung tay múa chữ rất điệu nghệ. Ông thoả sức thể hiện tài năng ngôn ngữ của mình một cách sắc sảo, tuyệt đỉnh. Những lớp ngôn từ dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân thật đa dạng, phong phú tạo nên nét cổ kính, trang trọng cần và đủ, vừa sống động, vừa tinh tế. Mỗi con chữ đảm nhiệm một sức nặng riêng, có nhịp điệu riêng và giàu tính tạo hình, gợi cảm. Ngoài ra, nhà văn còn sử dụng rất thành công thủ pháp tương phản, đối lập. Bút pháp tả thực của tác giả cũng đạt đến một đỉnh cao nhất định. Cảnh cho chữ được tác giả miêu tả vừa ảm đạm, vừa hùng hồn khiến cả ba con người xuất hiện ở đó: Huấn Cao, Viên quản ngục, thầy thơ lại bỗng trở thành những hình tượng độc đáo, nổi bật.

Tóm lại, cảnh cho chữ đã làm bật nồi được chủ đề của toàn bộ tác phẩm, khẳng định chân lý “cái đẹp cứu rỗi nhân loại” (Dostoevsky) và tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của tác giả. Bên cạnh đó, “cảnh tượng xưa nay chưa từng có” còn cho thấy tài năng văn chương kiệt xuất của Nguyễn Tuân – một nhà văn có phong cách rất độc đáo, tài hoa và uyên bác. Đoạn văn thể hiện được vốn hiểu biết phong phú của ông về nét đẹp thư pháp – một nét đẹp văn hoá truyền thống dân tộc cần đựợc gìn giữ và duy trì.

3.5/5 - (14 votes)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →

Leave a Reply