[Văn 9] Phân tích bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận
Bài làm
“Đoàn thuyền đánh cá” là một trong nhưng sáng tác nổi bật của Huy Cận sau năm 1945. Tác phẩm tái hiện cảnh sắc thiên nhiên và không khí lao động của một vùng biển giàu đẹp phía Bắc trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bài thơ là tiếng hát ca ngợi ngời dân lao động đánh cá trên biển, ca ngợi sự giàu đẹp của biển cả hùng vĩ, bao la.
Mở đầu bài thơ, Huy Cận vẽ nên bức tranh đoàn thuyền ra khơi với khí thế khẩn trương, hối hả:
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi”
Cảnh hoàng hôn xứ biển đẹp một cách hùng vĩ, mặt trời như hòn lửa lặn xuống biển mà vẫn còn rực cháy. Sóng biển được ví như chiếc then cài, màn đêm là cánh cửa. Cửa đã sập, then đã cài, một ngày đã chấm dứt. Thế nhưng đó là thời điểm của một hành trình mưu sinh bắt đầu: Đoàn thuyền đánh cá ra khơi.
Đêm bắt đầu là bắt đầu cảnh lao động của người ngư dân. Tiếng hát của những người đánh cá như hòa cùng với gió khơi làm căng thêm buồm, đưa đoàn thuyền ra khơi nhanh chóng. “Câu hát” ấy chính là câu hát lao động hăng say, là câu hát vui tươi, rộn rã, mở đầu một hành trình lao động hào hứng, khẩn trương.
Đoàn thuyền ra khơi, cảnh lao động đánh cá trên biển cả bao la, hùng vĩ và giàu có hiện ra trước mắt người đọc. Biển cả giàu có như lòng mẹ, chứa đựng biết bao tài sản vô giá. Đó là cá bạc, cá thu, cá song, cá nụ v.v… những loài cá quý ở biển từng đàn nối đuôi tựa “đoàn thoi” kéo dài bất tận. Sự ví von thú vị tạo nên sự liên tưởng ý vị không kém: “Đêm ngày dệt biển”, “Đến dệt lưới ta, đàn cá ơi!”.
Biển hùng vĩ với gió, với trăng, với mây, với chiều cao, chiều sâu và chiều rộng:
“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lượt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển”
Biển cả thật hùng vĩ vì thế công việc lao động đánh cá của người ngư dân cũng thật “hùng tráng”. Đoàn thuyền đánh cá có gió làm lái, có trăng làm buồm, lướt giữa cái mênh mông bao la của “mây cao”, “biển bằng” để tìm kiếm tài nguyên của biển. Biển cũng đẹp thế, cũng hiền thế, cũng nghĩa tình dang rộng vòng tay đón chào và dâng hiến những tài nguyên của biển:
“Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe
Đêm thở: sao lùa, nước Hạ Long”
Biển đẹp. Đó là cái đẹp lấp lánh của những con cá biển. Và lại càng đẹp hơn bởi “tiếng hát ân tình thủy chung” như người mẹ hiền bao dung, đầy tình cảm. Biển đẹp, cá biển cũng đẹp một màu sắc lấp lánh nên việc đánh cá trên vùng biển ấy trở nên thi vị, lãng mạn và hết sức hào hứng:
“Ta hát bài ca gọi cá vào
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao”.
Thành quả của những chuyến lao động nhọc nhằn nhưng đầy thi vị ấy chính là cảnh đoàn thuyền đầy ắp trở về trong sự háo hức, trông đợi của những người dân biển. Tác giả lặp lại câu thơ ở khổ đầu “Câu hát căng buồn với gió khơi” làm cho khổ thơ cuối giống như điệp khúc của một tác phẩm âm nhạc cất lên từ cuộc sống. Đoàn thuyền ra đi hào hứng, khẩn trương, trở về cũng với tinh thần khẩn trương, hào hứng ấy. Con người vì thế cũng hiên ngang đứng giữa bình minh biển cả:
“Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”
Mở đầu bài thơ là cảnh hoàng hôn: “mặt trời xuống biển” và kết thúc là cảnh “mặt trời đội biển” nhô lên giữa sóng nước biển Đông. Sự táo bạo, độc đáo, tạo nên sự bất ngờ và thú vị còn được thể hiện qua việc ẩn dụ so sánh “mắt cá huy hoàng”. Dường như trong mắt của những đàn cá biển ánh lên sự háo hức và tin tưởng vào tương lai hay chính là những sự hứng khởi và niềm tin vào tương lai tươi sáng của đời sống con người.
Khác với những bài thơ khác, thường nói về những cái ão não, sầu thương trước nỗi buồn mênh mông về vũ trụ bao la, rộng lớn. Đoàn thuyền đánh cá dẫu miêu tả con người giữa biển cả cao rộng trong màn đêm lan tỏa thế nhưng bài thơ lại đầy ánh sáng và tiếng hát lấn át cả không gian, thời gian, trở thành một khúc hát ngợi ca lao động của những người ngư dân trên biển. Bài thơ lặp lại bốn lần từ “hát”, cả bài như một khúc ca sảng khoái, giọng thơ khỏe khoắn, âm hưởng phơi phới hào hùng, cảnh lao động miêu tả với tất cả vẻ đẹp của đất trời và sự hào hứng sáng tạo của thi nhân. Tất cả đã vẽ nên một bức tranh sống động, nô nức, hối hả nhịp sống mới của thời đại mới.
Không chỉ ca ngợi những con người biết làm chủ cuộc đời, làm chủ biển cả, làm chủ thiên nhiên và tài nguyên đất nước, “Đoàn thuyền đánh cá” còn là một bản hùng ca thể hiện sự tự hào về quê hương với biển cả bao la, giàu có và đẹp đẽ. Miêu tả một cảnh lao động trong đêm nhưng lại đầy ánh sáng, lời ca giữa không gian bao la rộng lớn như tác giả đã từng nhận định: “thiên nhiên đã vận động theo một vòng quay của mặt trời và con người đã hoàn thành trách nhiệm của mình trong lao động. Không có gì vui bằng lao động có hiệu quả”.