[Văn 9] Phân tích “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật
Bài làm
Trong những năm tháng cam go quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ tuyến đường Trường Sơn đầy mưa bom, bão đạn, nhà thơ Phạm Tiến Duật đồng thời cũng là anh bộ đội đã viết những bài thơ ca ngợi người lính trên chiến trường với một phong cách thơ riêng biệt, độc đáo. Tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là một trong những bài thơ để lại ấn tượng mạnh trong lòng người đọc.
Được sáng tác trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những chiếc xe trên tuyến đường Trường Sơn đảm nhận vai trò quan trọng trong việc chi viện cho tiền tuyến miền Nam, nhưng điểm đặc biệt của những chiếc xe trong thời kỳ này chính là hình dáng vô cùng đặc biệt: những chiếc xe không kính.
Hình tượng thơ thường gắn liền với cái đẹp, vẻ trau chuốt, sự kỳ vĩ. Theo lẽ thường, những chiếc xe không kính không thể gọi là cái đẹp. Ấy thế mà tác giả đã lấy hình tượng đó làm cảm hứng chính xuyên suốt bài thơ. Hình tượng độc đáo nhưng hợp lý này đã có tác dụng tạo nên ấn tượng mạnh, là tiền đề để làm nổi bật chất dũng cảm, ý chí kiên cương, tinh thần lạc quan và ý chí quyết tâm giành chiến thắng. Hình tượng ấy đã gợi lên những nguy hiểm cận kề tưởng chừng như cái chết, sự hy sinh đã ở đâu đó rất gần người lính, thế nhưng Phạm Tiến Duật diễn tả nó với lời thơ rất bình dị:
“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi…”
Cấu trúc phủ định của phủ định như khẳng định thực tại ác liệt của cuộc chiến tranh và nỗi thiếu thốn đủ bề của những người chiến sĩ. “Bom giât, bom rung” làm kính “vỡ đi rồi”. Câu thơ mang đậm vẻ tiếc nuối, biện pháp tu từ im lặng cuối câu như kéo dài sự nuối tiếc ấy thêm nhiều lần nữa.
Khắc họa hình ảnh những chiếc xe không kính chính là khắc họa gián tiếp hình tượng những người chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn kiên cường, dũng cảm, bất chấp mọi khó khăn với niềm vui sôi nổi của tuổi trẻ và ý chí chiến đấu vì miền Nam. Trong bom đạn khốc liệt của chiến tranh, các anh chiến sĩ vẫn giữ vững tư thế hiên ngang hướng về phía trước, thực hiện lời kêu gọi “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Câu thơ chuyển sang nhịp điệu thanh thản, tự tin:
“Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”
Những từ ngữ chọn lọc “ung dung”, “nhìn đất”, “nhìn trời”, “nhìn thẳng” thể hiện tư thế, phong cách anh bộ đội lái xe trên đường ra trận. Tư thế hiên ngang, lòng tự tin ấy còn được thể hiện ở chỗ bất chấp “bom giật, bom rung” của kẻ thù, vẫn cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước, những nét đẹp lãng mạn mặc dù cái chết vẫn đang lẩn quẩn, rình rập đâu đó quanh họ. Hình ảnh thơ thật đẹp làm sao:
“Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái”
Những thiếu thốn, khó khăn vật chất lại càng không ngăn đường con đường anh đi tới:
“Không có kính, ừ thì có bụi”
“Không có kính, ừ thì ướt áo”
Cấu trúc “Không có kính, ừ thì…” chính là thái độ chấp nhận hay nói chính xác hơn là thái độ ngang tàng không đoái hoài, không quan tâm đến những điều ấy. Câu thơ mộc mạc như lời nói thường ngày đầy dí dỏm, tinh nghịch ấy đã giúp ta hiểu được, cảm nhận được những khó khăn mà người chiến sĩ giải phóng quân phải chịu đừng và chấp nhận.
Cách giải quyết khó khăn của các anh cũng thật bất ngời, thú vị:
“Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”
“Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi”.
Ngôn ngữ bình dị, âm điệu vui vẻ thể hiện niềm lạc quan, yêu đời của tuổi trẻ sống có lý tưởng, hoài bão, ước mơ. Tư thế hiên ngang, lòng dũng cảm đã làm nên sức mạnh của anh bộ đội. Sức mạnh ấy còn được nhân lên gấp bội vì cạnh anh còn có cả tập thể anh hùng. Từ trong bom đạn hiểm nguy, “Tiểu đội xe không kính” được hình thành, bao gồm những con người tứ xứ, chung lý tưởng gặp nhau thành bạn bè:
“Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi”
Thì ra những chiếc kính vỡ cũng có được cái lợi của nó, không phải mất thời gian để kéo kính, chỉ cần đưa tay qua ô cửa là có thể “bắt tay” người đồng chí, đồng đội của mình. Không chỉ vậy, các anh còn cùng chung niềm vui sôi nổi của tuổi trẻ, của tình đồng đội, đồng chí:
“Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy”
Một định nghĩa mới mẻ về gia đình được Phạm Tiến Duật đặt ra, đơn giản thôi nhưng lại đầm ấm tình đồng chí: “chung bát đũa”. Đọc những câu thơ này làm ta nhớ lại âm điệu sôi nổi vui tươi của ca khúc “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” với những ca từ chân chất, đậm tình: “Năm anh em mỗi đứa một nơi, đã lên xe là cùng một hướng…”. Họ vẫn cùng nhau cười đùa sảng khoái, tranh thủ mắc chiếc võng chông chênh tranh thủ giấc ngủ vội vàng dẫu biết rằng mai đây trong số họ sẽ khó có thể hội ngộ trong những bữa cơm giữa đường xe chạy thế này. Những khó khăn ấy lại tiếp tục được tác giả khắc họa với những khó khăn gian khổ nhiều hơn, chiến tranh càng ác liệt hơn:
“Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước”
Thế nhưng, dù cho thực tại khó khăn, cuộc chiến tranh càn quét của kẻ thù có ác liệt đến mấy, thì ý chí chiến đấu quên mình vì tiền tuyến của các anh bộ đội vẫn không hề nao núng: “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước”. Hình ảnh ẩn dụ tượng trưng “Chỉ cần trong xe có một trái tim” đã thay cho tấm lòng của tác giả phản ánh được lòng yêu nước và ý chí quyết tâm giành chiến thắng. Trái tim đó chính là tình yêu, là tuổi trẻ, là lý tưởng và nhiệt huyết của người chiến sĩ lái xe, vượt chặng đường dài để nối liền hai miền Tổ quốc.
Bằng những hình ảnh mang tính tạo hình, nhiều lần sử dụng cấu trúc phủ định với âm điệu trẻ trung, vui tươi, lời thơ như tiếng nói đời thường, Phạm Tiến Duật đã thành công trong việc khắc họa hình ảnh những anh bộ đội lái xe trên tuyến đường Trường Sơn đầy cam go, thử thách. Một lực lượng tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Hình ảnh những chiếc xe không kính và hình tượng người chiến sĩ lái xe trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” dẫu đậm chất thơ như chính tên tác phẩm nhưng cũng không giấu được những vất vả, hiểm nguy mà những người chiến sĩ phải trân mình chịu đựng. Đó là hình hình ảnh tiêu biểu của thế hệ trẻ Việt Nam trong những tháng ngày hoa lửa trên tuyến đường Trường Sơn gian khổ, hào hùng.